'Trí thức trẻ làm phó chủ tịch xã', cần tháo gỡ vướng mắc để họ phát huy

'Trí thức trẻ làm phó chủ tịch xã', cần tháo gỡ vướng mắc để họ phát huy
Ngày 29/8, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị Tổng kết dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ ĐH tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo.

Dự Hội nghị có ông Trương Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ; ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ...  

Sinh khí mới ở các xã nghèo

Theo Bộ Nội vụ, trong 5 năm qua đã có 351 đội viên chủ động tham mưu, đề xuất và trực tiếp triển khai được 834 chương trình, kế hoạch, đề án, mô hình, dự án phát triển kinh tế - xã hội góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng SX hàng hoá.

12-48-19_bnv-3
Ông Trương Hoà Bình, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ (giữa) chủ trì hội nghị

Kết quả triển khai cho thấy có 822 chương trình, kế hoạch đã mang lại hiệu quả. Điển hình là một số mô hình như: sáng kiến thay đổi phương thức canh tác trên đất dốc bằng tạo ruộng bậc thang cho người dân của đội viên Lò Văn Sơn (Phó Chủ tịch UBND xã Nặm Lịch, huyện Mường Ảng, Điện Biên).

Từ năm 2012 trên địa bàn xã chưa có ruộng bậc thang nhưng đến năm 2016 trên địa bàn đã có 15 ha ruộng bậc thang SX được lúa 2 vụ giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Đề án đưa văn hoá truyền thống vào giảng dạy trong trường học và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh của đội viên Cháng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Sảng Tủng, huyện Đồng Văn. Đến nay, sáng kiến này đã được đưa vào giảng dạy trong trường tiểu học cơ sở và trung học cơ sở tại xã.

Ngoài ra còn có mô hình trồng sâm Ngọc Linh, cây dược liệu của đội viên Đinh Hồng Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, đến nay người dân trong vùng đã thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống thấp...

12-48-19_bnv-1
Ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại hội nghị

Để có được thành tích trên, đồng chí Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, trong quá trình tuyển chọn đội viên của dự án, Bộ Nội vụ đã tích cực phối hợp với Hội đồng tuyển chọn của các tổ chức phỏng vấn trực tiếp các ứng viên để tuyển chọn đội viên.

Sau khi có kết quả tuyển chọn, Bộ Nội vụ đã tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và kỹ năng cần thiết cho 580 đội viên trong thời gian 3 tháng (gồm cả bồi dưỡng lý thuyết và đi thực tế cơ sở). Đặc biệt từ năm 2014 – 2017, Bộ Nội vụ và Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc đã tổ chức được 4 đoàn cho 139 đội viên Dự án đi học tập trao đổi kinh nghiệm xoá đói, giảm nghèo, xây dựng NTM tại Hàn Quốc.

Các thành viên Hội đồng được phân công thành các nhóm, mỗi nhóm đều có Chủ tịch UBND huyện nơi bố trí trí thức trẻ đăng ký về công tác trực tiếp phỏng vấn nhằm gắn trách nhiệm tuyển chọn với việc bố trí và sử dụng đội viên sau khi kết thúc dự án.  

“Xuất ngoại” học tập kinh nghiệm

Sau thời gian học tập tại Hàn Quốc, các đội viên đã có những mô hình sáng kiến mang lại hiệu quả kinh tế cao và được cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận. Kết thúc dự án, các đội viên có nhiệm vụ xây dựng đề án phát triển KT- XH của xã nơi đội viên dự kiến về công tác và bảo vệ trước Hội đồng đánh giá của Bộ Nội vụ để làm căn cứ xác định mức độ hoàn thành khoá bồi dưỡng.

Trong quá trình các đội viên công tác, UBND các tỉnh đã chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác quy hoạch các trí thức trẻ dự án bổ sung vào các chức danh lãnh đạo, quản lý. Kết quả đã có 374 đội viên (chiếm 64,93%) được quy hoạch vào các chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng các phòng ban chuyên môn và tương đương cấp huyện; và các chức danh lãnh đạo xã.

Phát biểu tham luận, đội viên Nguyễn Thị Hằng, chuyên viên Phòng Nội vụ huyện Sìn Hồ, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Lùng Thàng (huyện Sìn Hồ, Lai Châu) chia sẻ: “Nhớ lại những ngày đầu đặt chân lên vùng đất Lùng Thàng tháng 12/2012 tôi thấy nản lòng vì những khó khăn ban đầu gặp phải. Đó là sống trong môi trường mới, lạ, kỹ năng sống, kinh nghiệm nghề nghiệp ở miền núi còn hạn chế, thời tiết khắc nghiệt, chưa am hiểu phong tục tập quán và bất đồng ngôn ngữ...

12-48-19_bnv-2
Các đội viên tham dự hội nghị.

Vì thế có lúc tôi tự hỏi liệu mình có thể vượt qua, trụ vững được bao lâu nơi này. Rồi thời gian dần dần trôi, những bỡ ngỡ âu lo của Phó chủ tịch xã như tôi sớm đi qua trong sự dìu dắt, quan tâm của thế hệ đi trước...

Qua đó tôi đã phát huy chuyên ngành đào tạo của mình, mạnh dạn đề xuất triển khai mô hình trồng ngô đông trên đất lúa một vụ thay vì trồng lúa một như phương thức canh tác truyền thống. Qua đó giúp xã có thêm định hướng mới cho phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình đánh giá cao dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ về làm Phó chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo.

Qua đó, phát huy nhiệt huyết, sức trẻ của đội viên thanh niên, tăng cường ứng dụng KHKT, tri thức mới ở vùng sâu, vùng xa, có điều kiện khó khăn nhằm phát triển KT-XH, nâng cao đời sống và thu nhập cho nhân dân. Nhiều đội viên đã chứng tỏ được năng lực, phẩm chất và bản lĩnh, cống hiến hết mình vì nhân dân ở nơi công tác, được quy hoạch, đề bạt giữ chức vụ quan trọng tại địa phương.

Tuy nhiên, dự án “600 trí thức trẻ” vẫn còn một số tồn tại. Đó là cấp uỷ và chính quyền chưa quan tâm đầy đủ việc theo dõi, kiểm tra và giám sát thực hiện dự án để nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ vướng mắc nên có những việc ở xã, dù Trung ương biết nhưng chính quyền cơ sở không nắm được.

Phó Thủ tướng yêu cầu thời gian tới cần gắn trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc hướng dẫn trí thức trẻ, tạo điều kiện thuận lợi để họ phát huy năng lực trí tuệ của mình trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

Theo Đồng Thái/nông nghiệp .vn