Triển vọng từ mô hình liên kết chăn nuôi bò thịt

Mô hình liên kết trong chăn nuôi bò thịt đã giúp nâng cao thu nhập cho người dân, khắc phục một số bất cập trong chăn nuôi, mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi bò của Hà Nội.

Mở rộng liên kết

Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước về tổng đàn bò và chất lượng sản phẩm với 115.998 con bò thịt. Nhằm khai thác tối đa lợi thế địa phương, nâng cao giá trị chăn nuôi, thời gian qua Hà Nội tập trung phát triển chăn nuôi quy mô lớn, trong đó đẩy mạnh sản xuất con giống. Chất lượng đàn bò của Hà Nội đã có nhiều bước đột phá mạnh mẽ nhờ việc Sind hóa để tạo ra đàn bò cái nền.Hiện nay có trên 90% đàn bò có tỷ lệ máu lai Zebu cao và nhiều giống mới có chất lượng cao theo hướng kiêm dụng, hướng lai tạo nái nền sinh sản với 2 dòng tinh Sind thuần và Brahman thuần. Trung bình mỗi năm có trên 50.000 bê lai hướng thịt được sinh ra. Khối lượng bê thịt chất lượng cao sơ sinh từ 23 - 35 kg/con, bò lai Droughtmaster thời điểm 18 tháng tuổi có thể đạt 400 - 450 kg/con, bê F1BBB thời điểm 18 tháng tuổi đạt 430 - 450 kg/con. Vì vậy, Hà Nội là địa chỉ được nhiều địa phương đến tham quan, học tập và mua giống bò chất lượng cao.

Tuy nhiên, đến nay số bê sinh ra chủ yếu vẫn tiêu thụ qua khâu trung gian, vì vậy đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh. Mặt khác, ngành chăn nuôi của Hà Nội mới chỉ đáp ứng được hơn 20% lượng thịt bò tiêu thụ cho người dân Thủ đô. Tình trạng chăn nuôi, giết mổ bò vẫn nhỏ lẻ, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trước tình hình đó, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã kết nối một số DN tham gia liên kết bao tiêu sản phẩm cho người chăn nuôi và xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, Trung tâm sẽ thực hiện nhiệm vụ tư vấn kỹ thuật và kết nối cho DN thu bao tiêu bê cho người chăn nuôi trên địa bàn TP về nuôi tập trung tại Hòa Bình, sau đó xuất bán thịt phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô và các tỉnh lân cận. Từng bước tạo đầu ra ổn định, hình thành một chuỗi liên kết mở rộng giữa Hà Nội và tỉnh Hòa Bình, trong đó Hà Nội tập trung sản xuất giống chất lượng cao để cung cấp cho các tỉnh.


Khắc phục bất cập

Điểm mới trong mô hình liên kết này là đã mở rộng phạm vi liên kết với các tỉnh lân cận, nhờ vậy khắc phục được một số bất cập trong ngành chăn nuôi bò trên địa bàn TP hiện nay. Đầu tiên phải kể đến là đã khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Tiếp đến là giải bài toán về quỹ đất dành cho chăn nuôi trong bối cảnh đô thị hóa nhanh. Ngoài ra, mô hình còn hạn chế được tình trạng giết mổ thủ công tràn lan, thiếu điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Một trong những lợi ích thiết thực nhất mà mô hình mang lại là tăng thu nhập cho người chăn nuôi, nhờ hạn chế được khâu trung gian, đảm bảo tính minh bạch. Việc thu mua đều được DN tiến hành công khai, minh bạch thông qua ký kết Hợp đồng thu mua, cân trọng lượng bê và thanh toán tiền mặt cho nông dân. Chị Nguyễn Thị Thắm khu 5 - xã Minh Châu (Ba Vì) phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi vừa xuất bán 1 cặp bê con 4,5 tháng tuổi, được 38 triệu đồng, cao hơn gần 3 triệu đồng so với giá mà thương lái trả mấy ngày trước”.
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Hà Tiến Nghi cho biết: 100% bê bán cho người dân, DN đều được Trung tâm cấp giấy chứng nhận nguồn gốc và gắn số tai phục vụ công tác quản lý giống và xây dựng chuỗi truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với các chuyên gia xây dựng quy trình kỹ thuật chăm sóc để chuyển giao cho DN chăn nuôi, tạo ra sản phẩm thịt bò Wagyu an toàn phục vụ cho người dân Thủ đô với giá thành phù hợp. Vừa qua, lô bê F1 Wagyu đầu tiên của huyện Ba Vì và Mê Linh đã được kết nối tiêu thụ thành công, với giá trị bình quân từ 17 – 18 triệu đồng/con. Hiện Trung tâm đang tiếp tục kết nối với các địa phương khác, với số lượng khoảng 600 – 800 bê trong năm 2018. Mô hình liên kết chăn nuôi bò thịt đã mở ra một hướng đi mới cho ngành chăn nuôi của Thủ đô trong thời gian tới.
 
 
 

Phương Nga

Nguồn: Kinh tế Đô thị