Triển vọng từ mô hình nuôi dê lai

Triển vọng từ mô hình nuôi dê lai
Năm 2016, một trong những tiểu dự án cải thiện sinh kế mà Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên triển khai tại huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) là mô hình nuôi dê lai.

Ngồi ngắm đàn dê đang ăn cỏ trong chuồng, chị Đinh Thị Nhên-Trưởng nhóm nuôi dê làng Hưnh Dơng (xã Kông Yang, huyện Kông Chro) không giấu nổi niềm vui sướng: “Nhóm tiểu dự án nuôi dê lai của làng có 20 hộ tham gia. Các hộ trong nhóm đều là hộ nghèo nên khi biết có dự án hỗ trợ nuôi dê lai ai cũng mừng. Những ngày đầu, cán bộ dự án trực tiếp xuống tận làng lập kế hoạch theo nhu cầu đề xuất của bà con rồi sau đó lập nhóm, bầu trưởng, phó nhóm và hướng dẫn bà con từ cách chăm sóc, làm chuồng đến kỹ thuật trồng cỏ cho dê ăn. Tất cả những việc làm này đều được cán bộ “cầm tay chỉ việc”, các thành viên trong nhóm tích cực tham gia, nên việc gì bà con cũng nắm chắc và làm rất tốt ngay từ bước đầu. Sau khi được cấp 40 con dê giống, ai cũng nỗ lực chăm sóc đàn dê lai cho tốt”.

Chị Đinh Thị Nhên đang chăm sóc đàn dê lai - Ảnh. Đ.Y

Còn ông Đinh Thơi-Trưởng nhóm tiểu dự án nuôi dê lai làng Bà Bã (xã Kông Yang) cho biết: “Khi mua 40 con dê lai giống về nuôi, bản thân tôi cũng như các thành viên khác rất phấn khởi. Tuy nhiên, những ngày đầu, các thành viên đều gặp khó khăn trong việc chăm sóc vì chưa nuôi dê lai bao giờ. Nhưng được sự quan tâm, hướng dẫn của cán bộ xã, cán bộ dự án, đến nay, chúng tôi đã biết cách chăm sóc để dê không bị bệnh, mau lớn. Qua thời gian chăm sóc, những con dê lai đã dần thích nghi và phát triển tốt. Đây là cơ hội cho các thành viên trong nhóm vươn lên thoát nghèo”.

Tính đến ngày 10/8, 7 tiểu dự án nuôi dê lai đã được triển khai tại 4 xã: An Trung, Đak Pơ Pho, Đak Tơ Pang và Kông Yang. Riêng 2 nhóm nuôi dê lai ở làng Kram và Blô (xã An Trung) chưa được cấp giống dê lai dù chuồng trại, trồng cỏ và tập huấn nâng cao năng lực cho các thành viên đã hoàn tất từ hơn 2 tháng trước. “Theo đề xuất của các thành viên của 2 nhóm này là mỗi con giống dê lai nặng 26 kg nên việc tìm nguồn giống rất khó. Nhà cung ứng chưa gom đủ nên phải đợi”-anh Phùng Bảo Quốc-hướng dẫn viên cộng đồng (CF) xã An Trung, nói. Còn những thành viên nuôi dê ở 2 làng thì đang mong từng ngày để có dê chăm sóc. Trưởng nhóm tiểu dự án nuôi dê làng Kram-Đinh Ler, bảo: “Nếu có dê nuôi từ khi làm chuồng, trồng cỏ xong thì bây giờ chắc dê đã lớn lắm rồi”.

Theo ông Trang Châu Khoa-Tư vấn sinh kế Ban Quản lý: Trước khi lập kế hoạch, cán bộ dự án cũng rất trăn trở để hướng cho hộ nghèo nơi đây nuôi con gì cho phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng. Sau khi nghiên cứu và tìm hiểu thì thấy nuôi dê lai là phù hợp. Chăn nuôi dê chủ yếu dùng thức ăn là cỏ, lá, chuồng trại cũng đơn giản nhưng lại cho hiệu quả kinh tế cao. Vốn đầu tư mua giống cho một đàn dê 10 con dê cái và 1 con dê đực, mỗi con từ 25 kg đến 30 kg khoảng 40 - 45 triệu đồng. Bình quân mỗi năm dê cái đẻ 2 lứa và mỗi lứa từ 1 đến 3 con. Sau 8 tháng đến một năm có thể nhân rộng và bán dê với giá 150.000 đồng/kg (như giá thị trường hiện nay), thu về 45- 50 triệu đồng. Như vậy chỉ một năm là hoàn vốn và lãi đàn dê giống. Mặt khác, việc chăn nuôi dê lai vừa đem lại hiệu quả kinh tế vừa giúp cải tạo đàn dê địa phương trên địa bàn huyện là một hướng đi đúng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện.

 

Đinh Yến

Nguồn: Báo Gia Lai