Trồng dược liệu, măng, khoai tây để thoát nghèo

Trồng dược liệu, măng, khoai tây để thoát nghèo
Tăng diện tích cây dược liệu, chuyển hướng sang trồng măng bát độ, khoai tây, bà con 3tỉnh miền núi phía Bắc đã xóa nghèo,làm giàu….

Tuyên Quang: Tìm hướng phát triển cây dược liệu

Tuyên Quang là tỉnh có nhiều đồi núi cao, quỹ đất lớn, điều kiện khí hậu thích hợp với nhiều loài dược liệu. Theo báo cáo sơ bộ toàn tỉnh hiện có gần 130ha trồng cây dược liệu với 14 loài, chủ yếu là phật thủ, đinh lăng, quế, nghệ, xạ đen, cà gai leo, hà thủ ô… Song, so với tổng diện tích 92 nghìn ha đất nông nghiệp gieo trồng hàng năm của tỉnh thì diện tích trồng cây dược liệu còn quá ít.

Việc phát triển dược liệu còn nhiều khó khăn do chưa có thị trường ổn định, trong khi loài cây đặc thù này còn có yêu cầu khắt khe về kỹ thuật trồng trọt. Từ lựa chọn nguồn giống đến trồng, chăm sóc, thu hoạch của các hộ dân trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, thiếu hướng dẫn kỹ thuật nên chất lượng dược liệu chưa thực sự cao.

dl-1.jpg

Người dân xã Phú Lâm (Yên Sơn) trồng cây xạ đen theo hướng hàng hóa.

Cách đây vài năm, khi cây chanh đào không chỉ có tác dụng làm gia vị, mà còn làm dược liệu để chữa bệnh, với tác dụng kép nên giá chanh đào thời điểm 2015 lên đến 50 nghìn đồng/kg. Hiệu quả kinh tế cao nên nhiều người, thậm chí nhiều nhà vườn đã săn lùng giống chanh đào về trồng. Điều đáng tiếc là việc phát triển chanh đào chỉ là trào lưu, sau hơn 2 năm “hưng thịnh”, chanh đào liên tục rớt giá, người trồng chanh nhanh chóng vỡ mộng, vì khó tìm đầu ra. Anh Trần Việt Trung, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) cho biết, năm 2014 -2015 giá chanh đào cao, anh đã mua giống để trồng, tuy nhiên sau 3 năm, anh chỉ bán được trên 6.000 đồng/kg chanh đào. 

Cây đinh lăng lai cũng đang được nhiều hộ dân trong tỉnh trồng, sự phát triển cây đinh lăng cũng chỉ là tự phát, thấy giá trị kinh tế cây đinh lăng mang lại có thời điểm cao gấp nhiều lần so với trồng lúa nên đua nhau trồng. Chưa ai dám chắc cây đinh lăng có đáp ứng được kỳ vọng của người dân trong khi bài học về cây chanh đào vẫn còn nguyên giá trị.

Không chỉ trồng tự phát, diện tích ươm cây dược liệu cũng manh mún, nhỏ lẻ, chưa có quy hoạch vùng trồng dược liệu tập trung, chủ yếu theo quy mô hộ cá thể. Các hộ mới chỉ coi trọng sản xuất cái mình có mà chưa quan tâm cái thị trường cần nên dẫn đến dư thừa, ít lợi nhuận. Việc phát triển dược liệu với diện tích trên rất khó mang lại giá trị hàng hóa cao.

Hiện, Tuyên Quang còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu công tác bảo tồn, nuôi trồng và chế biến dược liệu. Hơn nữa, để đưa cây dược liệu vào trồng thay thế diện tích trồng cây lâm nghiệp lâu năm không dễ. Khắc phục những khó khăn trên, tỉnh đã có những giải pháp nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về định hướng phát triển cây dược liệu, hướng đến mục tiêu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mang lại giá trị kinh tế cao và giảm nghèo bền vững.

Được biết, hoạt động nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh về cây dược liệu đang theo hướng ứng dụng các kết quả nghiên cứu, tạo sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường; xây dựng các vùng trồng dược liệu nhằm phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn nguồn gen như: Cà gai leo, xạ đen, nghệ… tại các huyện Sơn Dương, Yên Sơn…

Hoặc mô hình trồng cây xạ đen dưới tán rừng của Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) và ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang được thực hiện tại xã Phú Lâm (Yên Sơn) đang phát huy tác dụng. Sản phẩm chè xạ đen của bà con đã được các công ty chế biến dược phẩm thu mua. Ông Nguyễn Công Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Phú Lâm (Yên Sơn) cho biết, xã đang tính toán để mở rộng diện tích cây xạ đen và một số cây dược liệu khác như: Cà gai leo, gừng, nghệ… Theo ông Tĩnh, việc kết hợp sử dụng dược liệu và nguồn nước khoáng nóng tự nhiên để phát triển du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh sẽ đem lại lợi ích kép cho cả người sản xuất, người sử dụng và tăng nguồn thu cho địa phương. 

Tỉnh cũng yêu cầu ngành Y tế xây dựng các quy trình chế biến dược liệu thành vị thuốc y học cổ truyền trong cơ sở khám chữa bệnh nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng tại bệnh viện. Hiện nay, Tập đoàn TH đã có kế hoạch đầu tư phát triển cây dược liệu gắn với du lịch nghỉ dưỡng tại huyện Na Hang, mở hướng đi mới cho phát triển vùng dược liệu trên địa bàn tỉnh.

Trấn Yên: Chuyển hướng trồng tre măng Bát độ

 Vụ xuân 2018 là vụ đầu tiên gia đình bà Lương Thị Hoàn, xã Lương Thịnh,  Trấn Yên (Yên Bái), trồng tre măng Bát độ. Hai héc-ta đất đồi trồng keo đã được vợ chồng bà quyết định phá bỏ để đăng ký trồng tre măng.

m-2.jpg

Cán bộ Khuyến nông Trấn Yên hướng dẫn trồng tre măng Bát độ cho nông dân xã Lương Thịnh.

Bà Hoàn cho biết: "Keo nhà tôi trồng trên diện tích này không tốt lắm nên khi cán bộ xã, thôn rồi cán bộ khuyến nông tuyên truyền, vận động trồng tre măng Bát độ thì chúng tôi đăng ký ngay”.

Cây tre măng Bát độ trên đồi nhà bà đã có vài búi từ mấy năm trước do mọi người cho để trồng thử. Măng tre cũng đã được ăn, bà thấy không hăng, ngon, hợp khẩu vị.

Hơn nữa, bà cũng như người dân trong thôn, trong xã qua nghe nhiều thông tin từ báo đài, từ người dân xã Kiên Thành, Hồng Ca, Hưng Khánh đã nhờ trồng măng bát độ mà trở nên thoát nghèo, khá giả.

Khi đăng ký trồng tre măng vụ xuân 2018, con dâu bà đã tham gia tập huấn kỹ thuật rồi hướng dẫn lại cho mọi người trong gia đình. Với 2 ha trồng tre măng, gia đình bà chuẩn bị đầy đủ diện tích đất trồng, làm đất, còn củ giống được huyện hỗ trợ hoàn toàn và có đội ngũ khuyến nông viên về tận nơi hướng dẫn kỹ thuật trồng cho đến khi hoàn thành toàn bộ diện tích đã đăng ký.

Tre măng Bát độ vốn là loại cây ưa ẩm nhưng không chịu úng. Theo hướng dẫn kỹ thuật, bà trồng hàng cách hàng 4 mét, cây cách cây 4 mét, đào hố 40 x 40 x 40 cm. Đảm bảo độ ẩm của đất, hố đào đến đâu là phải trồng xuống ngay.

Do đất có nhiều mối nên trước khi đặt củ giống, bà xử lý bằng thuốc trị mối tại đáy hố nhằm xua đuổi mối, tránh mối ăn. Một củ giống tre măng Bát độ đòi hỏi phải nặng từ 0,5 kg trở lên, có ít nhất 3 mắt mầm, mắt củ chắc, khai thác từ những vườn đã ra mắt thuần thục từ năm thứ 4, không sâu bệnh, tay tre phải tươi và có một đốt, củ không quá non cũng không quá già, không dập nát, vết cắt gọn.

Đối với củ giống còn có yêu cầu từ khi khai thác đến khi trồng xuống đất muộn nhất cũng chỉ trong vòng 3 ngày. Đặc biệt, trước khi đưa củ giống xuống hố, người trồng phải bóc bỏ bi bao quanh tai tre để rễ có thể hút nước tốt, mầm lên nhanh, quang hợp tốt. Gia đình bà phấn đấu trồng xong 2 ha tre măng Bát độ trong khung thời vụ tốt nhất.   

Bắc Cạn: Mở rộng diện tích trồng khoai tây

Vụ đông 2018, khoai tây tiếp tục là cây trồng chủ đạo cho năng suất và hiệu quả kinh tế khá cao tại Bắc Kạn. Do bước đầu đã hình thành chuỗi liên kết nên khâu tiêu thụ khoai tây khá dễ dàng. Tuy nhiên, diện tích cây trồng này hiện còn thấp so với tiềm năng.

bc-3.jpg

 Bà con huyện  Ba Bể thu hoạch khoai tây vụ đông

Vụ đông 2018, Bắc Kạn đặt kế hoạch trồng 100ha cây khoai tây, tập trung một số địa bàn như Na Rì, Ba Bể, Chợ Mới. Đến tháng 3, đã trồng được 61ha. Mặc dù diện tích không lớn, song hiệu quả kinh tế thu được khá cao, nhất là thời gian canh tác chỉ khoảng ba tháng.

Tại huyện Na Rì, người dân trồng được hơn 18ha cây khoai tây, chủ yếu là giống Solara, cho năng suất hơn 19 tấn/ha. Để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, huyện phối hợp với Trung tâm Tư vấn, ứng dụng, phát triển khoa học nông nghiệp và môi trường (Thái Bình) cung cấp giống và trực tiếp bao tiêu sản phẩm cho người dân trên diện tích 15ha, giá trung bình 5.000 đồng/kg. 

Được hướng dẫn kỹ thuật nên dù thời gian sinh trưởng của giống khoai tây Solara từ 85 - 90 ngày mới cho thu hoạch, nhưng thực tế chỉ gần 80 ngày bà con đã được thu hoạch. Tính ra mỗi héc-ta thu được 90 triệu đồng, cao gấp 3-4 lần trồng lúa.

Ông Phạm Ngọc Thịnh- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Na Rì cho biết: "Hiện, một số xã đã trồng khoai tây cả trong vụ xuân 2018. Kết quả thu hoạch vụ đông 2018 sẽ là cơ sở để huyện xem xét, nhân rộng diện tích trong những năm tiếp theo. Trong đó sẽ trồng trên những diện tích trồng lúa, ngô kém hiệu quả, thiếu nước".

Ba Bể là địa bàn có truyền thống trồng khoai tây vụ đông. Từ năm 2011, chủ trương đưa cây khoai tây vào canh tác theo hướng hàng hóa đã được nông dân một số xã trong huyện hưởng ứng. Được sự hỗ trợ về vốn và kỹ thuật của các chương trình, dự án như Dự án 3PAD, Chương trình 30a, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… từ vài héc-ta khảo nghiệm ban đầu, đến nay diện tích cây khoai tây vụ đông tại huyện Ba Bể được nhân rộng, tập trung tại các xã như Yến Dương, Địa Linh, Thượng Giáo, Hà Hiệu... Với giá trung bình khoảng 5.000 đồng/kg, sản lượng mỗi héc-ta đạt khoảng 10 tấn, đem lại nguồn thu 50 triệu đồng/ha cho người trồng. Vụ đông năm 2018, toàn huyện đã trồng được khoảng 20ha đem thu về nguồn lợi khoảng một tỷ đồng trong thời gian ngắn.

Nhận thấy hiệu quả của cây khoai tây, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chợ Đồn đã tới huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang để học tập kinh nghiệm trồng khoai tây vụ đông xuân. Đây là địa bàn có khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng với Bắc Kạn. Tại đây, người nông dân liên kết trồng, tiêu thụ khoai tây với các doanh nghiệp chế biến nước ngoài; sản xuất hoàn toàn cơ giới hóa nên năng suất rất cao; giá bán ổn định hơn 7.000 đồng/kg, cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng/ha. Không chỉ làm vụ đông, người dân còn làm cả vụ xuân nên cây khoai tây đã giúp nhiều hộ làm giàu.

Ông Hoàng Văn Việt, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chợ Đồn cho biết: "Trong thời gian tới, Phòng sẽ tham mưu UBND huyện phối hợp với một công ty bao tiêu tại Bắc Giang kiểm tra đồng đất tại địa phương để tìm vị trí thích hợp trồng cây khoai tây. Chúng tôi dự kiến sẽ đưa loại cây này vào trồng tại vùng lũ xã Nam Cường, vì diện tích ở đây có khoảng 100ha, đất bồi pha cát rất hợp cây khoai tây; đồng thời khi trồng vào vụ đông, vụ xuân cho thu hoạch sẽ tránh được lũ ngập".

Tại Chợ Đồn, trong vụ đông 2018, xã Bằng Phúc phối hợp với một doanh nghiệp bao tiêu tại Hà Nội triển khai trồng thử nghiệm 2ha cây khoai tây. Đồng chí Hoàng Thị Hằng- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Bước đầu cây sinh trưởng, phát triển tốt. Trên cơ sở kết quả mô hình này cùng với việc kết nối được đối tác bao tiêu trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xem xét nhân rộng ra toàn xã".

Thực tế tại Bắc Kạn, vào vụ đông nhiều diện tích đất soi bãi, ruộng vẫn thường bỏ hoang trong khi hoàn toàn có thể canh tác cây khoai tây vụ đông. Cây khoai tây mang lại giá trị kinh tế cao hàng đầu trong số những cây vụ đông, thời gian canh tác ngắn. Nếu có đầu ra ổn định thì đây sẽ là loại cây thích hợp để phát triển trên những diện tích lúa, ngô kém hiệu quả, sản xuất với quy mô hàng hóa tại nhiều địa phương trong tỉnh. Việc kết nối với doanh nghiệp để sản xuất như tại các huyện Chợ Đồn, Na Rì rất cần được nhân rộng. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền để nông dân giữ đúng cam kết bao tiêu với doanh nghiệp; tránh tình trạng củ to bán ra ngoài, củ nhỏ mới bán cho đơn vị bao tiêu như đã từng xảy ra trước đây./.

 An Như (tổng hợp)