Trồng khoai môn mang lại lợi nhuận cao

Khoai môn là loại cây trồng ngắn ngày, dễ trồng và có giá trị kinh tế ổn định. Khoai môn có thể trồng quanh năm, nhưng phổ biến ở ba vụ chính là: xuân hè, hè thu và thu đông. Khoai môn có bộ rễ ăn nông, thích hợp đất có thành phần cơ giới nhẹ như đất cát pha, đất thịt nhẹ ở ven sông. Đất phải được cày, bừa kỹ, san bằng phẳng mặt để tránh bị đọng nước. Lên liếp đôi để trồng hai hàng, liếp rộng 1,8 đến 2 m, xẻ mương giữa rộng khoảng 0,2 m.

Hiện toàn huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp có hơn 330 ha khoai môn, tập trung trồng nhiều nhất ở các xã Tân Mỹ, Hội An Đông, Mỹ An Hưng A và Mỹ An Hưng B. Khoai môn xuân hè ở huyện Lấp Vò được trồng từ tháng 1, tháng 2 và thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 6. Sau vụ trồng khoai môn, nông dân có thể trồng hoa màu khác hoặc trồng thêm một vụ lúa. Do khoai môn dễ trồng, lại trúng mùa, mỗi hec-ta cho năng suất từ 25 đến 30 tấn, với giá bán 10.000 đến 12.000 đồng/kg, tăng từ 6.000 đến 8.000 đồng/kg so cùng kỳ năm 2015. Nhờ thế, người trồng khoai môn ở huyện Lấp Vò lãi hơn 200 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, theo nông dân, loại cây trồng này cho thu nhập rất cao nhưng chưa có nơi tiêu thụ ổn định và hiện chỉ chủ yếu là tiêu thụ nội địa. Để cây khoai môn tiếp tục bén rễ lâu dài cần có thêm những chính sách phù hợp nhằm bảo hộ vùng và sản phẩm đặc trưng của từng vùng, như hỗ trợ nông dân khi mất mùa, đầu tư vào khâu nghiên cứu giống, bảo quản sau thu hoạch để tăng thời gian và giá trị sử dụng, nâng cao chất lượng khoai môn. Bên cạnh đó, các hộ dân cũng cần có sự liên kết trong quá trình sản xuất để bảo đảm sản lượng được cung cấp liên tục mà không dư thừa, ổn định được giá cả cho cây khoai môn.

Theo Báo Nhân Dân