Trồng lan hồ điệp CNC: Điểm sáng của nông nghiệp Thủ đô

Trồng lan hồ điệp CNC: Điểm sáng của nông nghiệp Thủ đô
Hợp tác xã (HTX) Đan Hoài (Đan Phượng - Hà Nội) hiện cung cấp ra thị trường khoảng 1 triệu cây giống và lan hồ điệp thương phẩm/năm.
tr11.jpg
Trong dịp thăm mô hình hoa lan hồ điệp tại HTX Đan Hoài, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá, đây là cách làm chủ động, sáng tạo, hiệu quả và cần được nhân rộng trong xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao hiện nay.

Từ cuối năm 2017, toàn bộ lan của HTX cung cấp ra thị trường đều được truy xuất nguồn gốc, đây là cách làm mang tầm chiến lược mà ít doanh nghiệp áp dụng đối với hoa lan.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn khi phát triển lan theo hướng ứng dụng công nghệ cao cần sớm được tháo gỡ.

“Cánh chim đầu đàn”  trồng lan hồ điệp

HTX Đan Hoài thành lập từ năm 2004, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Với lợi thế nằm ven sông Hồng có đất đai màu mỡ, phì nhiêu, nguồn nước dồi dào, hệ thống giao thông thuận tiện, nhận thấy thị trường hoa cao cấp còn rất mới, vì vậy, HTX đã quyết định đầu tư vào sản xuất hoa cao cấp.

Sau thời gian nghiên cứu và tìm hiểu, HTX đã hợp tác với các đơn vị khoa học hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp để ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất  lan hồ điệp - loại hoa lan có vẻ đẹp độc đáo, màu sắc đa dạng và bền lâu.

Do nắm bắt được hướng đi mới nên ngay từ khi thị trường hoa cao cấp ở Việt Nam mới bắt đầu hình thành, HTX Đan Hoài đã có những thành công bước đầu và trở thành mô hình sản xuất hoa cao cấp tại Thủ đô. Về công nghệ nhà lưới, HTX đã tư vấn, thiết kế, thi công các loại nhà lưới, nhà kính phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa bàn, từng đối tượng.

Không những thế, HTX còn xây dựng thương hiệu riêng, “Flora Việt Nam” được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu và bảo hộ độc quyền. Đến nay, thương hiệu Flora Việt Nam đã có chỗ đứng trong lòng khách hàng cả nước.

Cùng với việc ứng dụng công nghệ nhà lưới hiện đại trong nuôi trồng, chăm sóc và xử lý ra hoa theo ý muốn, HTX Đan Hoài luôn đi đầu trong cung ứng các sản phẩm hoa lan hồ điệp chất lượng cao. Được biết, từ năm 2006 đến năm 2009, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tây (nay là Hà Nội), HTX Đan Hoài đã triển khai thành công Dự án cấp tỉnh 2006 - 2008 “Nghiên cứu tổ chức sản xuất và tiêu thụ hoa ứng dụng công nghệ cao bước đầu hình thành ngành sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Hà Tây” và dự án cấp Bộ năm 2007 thuộc chương trình nông thôn miền núi “Xây dựng mô hình sản xuất hoa chất lượng cao theo quy mô công nghiệp tại Đan Phượng - Hà Nội”.

Sau khi triển khai dự án, có cơ sở vật chất và năng lực khoa học công nghệ sản xuất hoa chất lượng cao, HTX đã làm chủ được quy trình trồng, chăm sóc và xử lý ra hoa hàng loạt đối với lan hồ điệp trong nhà kính; hệ thống nhà kính, nhà lưới hiện đại có thể chủ động sản xuất theo quy mô và phương thức công nghiệp đối với lan hồ điệp đạt chất lượng cao.

Từ thành công của các dự án cũng như kinh nghiệm lâu năm về hoa lan hồ điệp, HTX đang tiến hành triển khai dự án sản xuất thử nghiệm cấp thành phố “Thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị đồng bộ tạo môi trường phù hợp cho lan hồ điệp ra hoa theo ý muốn, chất lượng, hiệu quả cao theo quy mô công nghiệp  2016 - 2018”.

HTX Đan Hoài đang được Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội hỗ trợ 50% kinh phí thực hiện dự án dùng thiết bị lạnh để phân hóa mầm hoa tại chỗ mà không phải di thực (triển khai từ 2017 đến 2019). Cách đây 2 năm, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội hỗ trợ HTX Đan Hoài 5.000 tem nhãn, bao bì để dán vào sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.

Hiện, HTX Đan Hoài có cơ sở sản xuất tiên tiến, với gần 2ha nhà lưới công nghệ cao để sản xuất hoa cao cấp, một phòng nuôi cấy mô hiện đại và một đội ngũ kỹ thuật tay nghề cao, cùng với các chuyên gia Việt Nam và chuyên gia nước ngoài.

Năm 2017, HTX cung cấp ra thị trường gần 1 triệu cây giống và lan hồ điệp thương phẩm, song, sản phẩm hoa của HTX sản xuất ra chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 40 lao động, với mức lương từ 4 - 6 triệu đồng/lao động phổ thông.

Với kết quả HTX đạt được, bà Bùi Hường Bích, Giám đốc HTX Đan Hoài, cho rằng,   trồng hoa trong nhà kính tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoa phát triển. Bên cạnh đó, hoa không bị phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, giúp HTX chủ động được kế hoạch sản xuất cũng như khắc phục được tính thời vụ, có thể cung cấp hoa quanh năm với giá cao hơn so với hoa chính vụ. Áp dụng công nghệ cao vào sản xuất hoa giúp HTX hạn chế được sự lãng phí về tài nguyên đất do tính ưu việt của công nghệ gen, công nghệ sản xuất phân hữu cơ, công nghệ tưới phun sương… Không những vậy, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất giúp tiết kiệm các chi phí như nước, phân bón, qua đó góp phần bảo vệ môi trường.

Kết quả HTX đạt được khẳng định sự đầu tư mạnh mẽ và bài bản, sự liên kết 4 nhà (Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông dân) đã tạo ra bước đột phá, giúp xây dựng thương hiệu vững mạnh và tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời góp phần thực hiện thành công Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020.

Khó khăn cần tháo gỡ

Từ thực tế của HTX, bà Bích cho biết, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất hoa vẫn còn hạn chế. Công nghệ cao mới chỉ được ứng dụng ở một số công đoạn nhỏ trong  chuỗi sản xuất, sơ chế, bảo quản sản phẩm, dẫn đến năng suất, chất lượng và giá trị nông sản chưa cao, thiếu tính cạnh tranh.

Vì vậy, HTX Đan Hoài cũng như các cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao rất cần sự hỗ trợ, chính sách xã hội hóa hoạt động khoa học công nghệ nhằm tranh thủ các nguồn lực xã hội cùng  đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Riêng đối với sản xuất hoa lan hồ điệp, kỹ thuật xử lý ra hoa phải có giai đoạn xuân hóa (xử lý cây trong môi trường nhiệt độ thấp để cây có thể phân hóa được mầm hoa), trong khi điều kiện khí hậu của Hà Nội rất khó cho việc hạ nhiệt độ vào các tháng hè, thu để cây ra hoa như mong muốn. Công nghệ này khá phức tạp và chi phí cao nên rất cần sự hỗ trợ của nhà nước để giúp các cơ sở sản xuất hoa lan có thể làm chủ được công nghệ này.

Bà Bích chia sẻ, HTX lúc nào cũng “đói vốn”. Mỗi năm HTX tăng từ 20 - 30% công suất vườn, tương đương cần từ 8 - 10 tỷ đồng. Trụ sở của HTX là đất của xã viên nên khi vay vốn, tiếp cận nguồn kinh phí của một số tổ chức tín dụng rất khó. Hiện, HTX đang vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) nhưng với tư cách cá nhân nên không được hưởng ưu đãi. Tuy nhiên, số tiền vay được chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thực tế.

Bà Bích phân tích, trong sản xuất kinh doanh, HTX mà cứ chờ nguồn kinh phí của một số tổ chức thì không ổn, lúc cần vay thì mãi không vay được, đến khi được tiếp cận thì không cần vốn nữa, vì đã kết thúc vòng đời sản xuất cây trồng. 

Theo bà Bích, hiện HTX đang vướng  ở phần quản trị, một khâu rất quan trọng. Quản trị trong nông nghiệp hiện khá yếu kém vì gần như không số hóa được thứ gì. Một năm HTX Đan Hoài đưa ra thị trường gần 1 triệu cây, bài toán quản lý 1 triệu cây như thế này là cả một vấn đề.

“Trong các ngành khác thì rất đơn giản, ví dụ: chai nước lọc có mã vạch để kiểm tra. Nhưng cây ở mỗi một giai đoạn sinh trưởng sẽ được thay một vỏ bầu khác, từ khi trong bầu tới khi xuất bán, ít nhất phải 3 lần thay vỏ bầu. Trong khi cây vẫn phải tưới nước, bón phân, sinh trưởng, như vậy, cái gì có thể dán lên đó mà không bị rơi. Mình thường nói làm ít mà quản lý chặt còn hơn làm nhiều mà buông lỏng”, bà Bích tâm sự.

Cũng theo bà Bích, trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, điện năng có vai trò rất quan trọng. Để sản xuất ra cây hoa thương phẩm có chất lượng, tiêu tốn lượng điện năng khá lớn. Do vậy, muốn hạ được giá thành sản phẩm thì điện năng cũng là một bài toán. Gần đây, huyện Đan Phượng quan tâm xây dựng cho HTX  trạm điện (bằng nguồn kinh phí xã hội hóa), giờ đây nguồn điện đã ổn nhưng giá thành còn cao.

Cùng với đó là khó khăn về đầu ra. Hiện, lan hồ điệp nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc về khá nhiều nên hoa của HTX rất khó cạnh tranh về giá.

“Giống sản xuất trong nước hiện chiếm một phần khá nhỏ và chất lượng cũng không tốt, phần lớn phải nhập khẩu. Các trung tâm nghiên cứu giống thì nghiên cứu không theo thị trường, khi nghiên cứu xong đã lỗi thời”, bà Bích ngán ngẩm.

Theo bà Bích, nhân sự trong nông nghiệp cũng là cả một vấn đề. Hiện nay, cán bộ có chuyên sâu về kỹ thuật rất thiếu, HTX phải thuê chuyên gia kỹ thuật người  Trung Quốc. 

Hy vọng, những khó khăn của HTX Đan Hoài sớm được các cơ quan chức năng có giải pháp tháo gỡ. Từ đó, kích thích nhiều doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đến nay, HTX Đan Hoài có khoảng 300.000 cây lan hồ điệp được truy xuất nguồn gốc.

Việc truy xuất nguồn gốc cho lan sẽ làm đội giá, đội chi phí, đội nhân công, trung bình mỗi cây chi phí tăng từ 1.500 - 2.000 đồng. Nhưng muốn chứng minh hoa của mình có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và mong ước một ngày nào đó nói đến “Flora Việt Nam” như nhắc đến một thương hiệu hàng đầu, bởi vậy, biết tăng giá, HTX vẫn áp dụng thực hiện.

Thời gian tới, HTX Đan Hoài hướng đến thị trường tiêu thụ sản phẩm không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống phòng nuôi cấy mô hiện đại, đáp ứng việc cung cấp giống ra thị trường, bảo tồn và phát triển gen những loài lan quý hiếm.

 Hoàng Văn/kinhtenongthon.vn