Trồng nấm thu lợi gần 300 triệu đồng mỗi năm

Trồng nấm thu lợi gần 300 triệu đồng mỗi năm
Ông Bùi Đình Hiến là chủ trang trại trồng nấm ăn và nấm dược liệu ở xã Bắc Sơn, huyện Ân Thi, Hưng Yên từ hơn 10 năm nay.
10-28-37_nguoi_lo_dong_tho_tc_ky_thut_trong_nm_rom
Người lao động thao tác kỹ thuật trồng nấm rơm tại trại của ông Hiến

Trung bình mỗi năm trại nấm của ông trồng và xuất bán ra thị trường gần 30 tấn nấm các loại, chủ yếu là nấm sò, nấm mỡ và nấm rơm, lợi nhuận ước đạt gần 300 triệu đồng/năm.

Ông Hiến vốn là cán bộ nghỉ hưu từ nhà máy Nhiệt điện Phả Lại. Nghề của ông không liên quan gì tới trồng nấm. Nhưng ông rất trăn trở khi chứng kiến ở làng quê, bà con nông dân sau thu hoạch lúa thường đốt bỏ rơm rạ trên đồng ruộng hoặc ven đường giao thông, đôi khi còn thả trôi từng mảng trên các kênh mương, sông trục, vừa lãng phí, vừa gây tắc nghẽn dòng chảy, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…

Xuất phát từ những suy nghĩ đó, mặc dù đã ở tuổi 60, có cuộc sống ổn định, nhưng ông Hiến vẫn lặn lội lên Trung tâm Công nghệ Sinh học thực vật, Viện Di truyền Nông nghiệp ở Hà Nội để học nghề trồng nấm. Nhờ có tố chất nên ông đã nhanh chóng nắm vững mọi kỹ năng trong nghề trồng nấm.

Trở về làng, ông Hiến quyết định bỏ ra 500 triệu đồng, số tiền mà ông tích cóp suốt cả đời công tác, để đầu tư xây dựng trên 1.000m2 lán trại và mua sắm đồng bộ các máy móc cho nghề trồng nấm.

Kết quả sau 3 năm trồng nấm, ông Hiến đã thu hồi được toàn bộ số vốn bỏ ra ban đầu và giúp cho hơn 10 lao động tại chỗ có việc làm và thu nhập ổn định 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Các nguồn lợi thu được những năm sau đó, ông Hiến đã đầu tư gom nhượng được gần 2ha đất cho dự kiến tái đầu tư mở rộng sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu các loại.

Ông Hiến cho biết, khó nhất trong nghề trồng nấm ở miền Bắc nước ta là, khí hậu thời tiết diễn biến phức tạp, chênh lệch nhiệt ngày đêm lớn, thường gây ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình tạo năng suất của các giống nấm.

Để giảm thiểu ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết, môi trường, ông Hiến đã xây dựng lán trại cố định, đảm bảo tất cả các loại nấm đều được trồng trong nhà có tường bao, mái che chắc chắn, có hệ thống chiếu sáng và tưới dưỡng nước cho nấm tự động. Đồng thời bố trí lại cơ cấu mùa vụ, mỗi loại nấm chỉ ươm trồng trong khung thời vụ thích hợp nhất như: Nấm sò chỉ trồng từ tháng 9 - 3 năm sau. Linh chi trồng từ 15/1 - 15/3. Nấm rơm trồng tháng 6 - 8. Mộc nhĩ trồng cuối tháng 4 - 7.

Theo ông Hiến, để sản xuất nấm thành công, người lao động phải cần mẫn, kiên trì không nóng vội. Phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất cho từng loại nấm. Cần chọn mua giống nấm từ những cơ sở sản xuất giống nấm có uy tín. Về nguyên liệu, dùng lõi ngô nghiền, phế thải từ các vùng trồng ngô miền núi phía Bắc cho trồng nấm linh chi, nấm sò là tốt nhất. Tuy nhiên, nếu tận dụng được nguồn rơm rạ sẵn có tại địa phương để trồng nấm rơm, nấm sò, giúp giảm chi phí đầu tư, hiệu quả trồng nấm vẫn cao hơn.

Ông Hiến nhận định, nấm là loại thực phẩm sạch, rất dễ đưa vào siêu thị, việc sử dụng nấm trong ăn uống hàng ngày của người dân nước ta sẽ ngày càng phổ biến… Vì vậy, mặc dù địa phương ông được coi là vùng sâu, vùng xa của huyện và tỉnh, nhưng các loại nấm làm ra đều được các thương lái đến mua gom hết, sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu.

HƯNG THÁI/ Nông nghiệp