Với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thành phố Hà Nội hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung cho thu nhập cao từ 200 triệu - 3 tỷ đồng/ha/năm.
Nhờ đó, đời sống người dân các địa phương ngoại thành Hà Nội được nâng lên, góp phần xây dựng thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.
Hiện vùng sản xuất lúa chất lượng cao đã được hình thành ở nhiều vùng có quy hoạch như: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mê Linh, Thanh Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn với giá trị thu nhập tăng thêm so với sản xuất lúa truyền thống khoảng 25 - 30%.
Vùng sản xuất rau an toàn ở huyện Đông Anh, Phúc Thọ, Hoài Đức, Gia Lâm, Chương Mỹ, Đan Phượng... đạt thu nhập 400 - 500 triệu đồng/ha/năm. Trong đó phải kể đến mô hình trồng rau hữu cơ của gia đình ông Nguyễn Đăng Quý, bà Đặng Thị Cuối ở xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng với thu nhập 2 tỷ - 3 tỷ đồng/ha/năm.
Vùng trồng cây ăn quả ở một số xã thuộc các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Gia Lâm, Thanh trì, Phúc Thọ cho thu nhập từ 500 triệu - 1 tỷ đồng/ha/năm. Nhiều địa phương sản xuất và xây dựng được thương hiệu cho một số giống cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao như: Phật thủ, Nhãn chín muộn, Cam canh ở Hoài Đức, Bưởi tôm vàng ở Đan Phượng.
Các vùng ngoại thành ở Hà Nội hình thành vùng chuyên canh hoa, cây cảnh cho giá trị thu nhập cao từ 500 triệu đồng - 1 tỷ đồng/ha/năm tập trung ở huyện Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín, Đông Anh, Thạch Thất.
Hà Nội đã hình thành vùng chuyên canh nuôi trồng thủy hải sản, chăn nuôi tập trung quy mô lớn xa khu dân cư vừa cho thu nhập cao, ổn định góp phần bảo vệ môi trường. Điển hình như vùng chăn nuôi quy mô lớn xa khu dân cư ở các huyện Sơn Tây, Ba Vì, Gia Lâm, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Trì, Phúc Thọ cho thu nhập từ 1 - 2 tỷ đồng/năm. Các vùng nuôi trồng thủy hải sản hiệu quả như các huyện Thanh Trì, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức cho thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/ha/năm.
Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, để phát triển nông nghiệp, thời gian qua, Hà Nội tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp; ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái, tạo vành đai xanh, góp phần phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu.
Địa phương tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. Việc kiểm dịch động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; giám sát phòng chống dịch bệnh được tăng cường.