Trung Quốc: Nuôi heo mô hình “khách sạn”
- Thứ hai - 18/06/2018 21:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hiện tại, hệ thống “khách sạn heo” này đã xây dựng được 7 tầng lầu, di chuyển giữa các tầng bằng hệ thống thang máy hiện đại. Dự án thuộc sở hữu của Yangxiang, một Công ty nông nghiệp tư nhân tại Quảng Tây. Theo đại diện phía chủ đầu tư, khu nhà được thiết kế nuôi heo trên quy mô lớn, heo được nuôi phân bổ theo các tầng lầu, chỉ tính riêng khu nhà 7 tầng đã được xây dựng, có tới 1.000 con heo nái đang được nuôi. Bên cạnh khu nhà này, hai tòa nhà khác cũng đang dần đi vào hoàn thiện, một trong số đó là tòa chăn nuôi thiết kế 13 tầng với hệ thống thông gió hiện đại.
Quản lý chuyên biệt
Ông Xu Jiang, nhà quản lý hệ thống trang trại Yangxiang cho biết: Công ty hướng tới các giải pháp giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh bằng hệ thống quản lý riêng biệt tại từng tầng. Heo con được chào đời ở tầng trên cùng, sau đó phân đi theo tháng máy tới tầng chỉ định và được nuôi tại đó. Ưu điểm của các tòa nhà này là hệ thống thông gió được thiết kế để ngăn không khí lưu thông giữa các tầng hoặc các tòa nhà khác. Không khí đi qua các kênh ngầm trong tòa nhà và đi qua các ống thông gió ở mỗi cấp. Các ống dẫn được nối với ống xả trung tâm trên mái nhà, với quạt hút mạnh mẽ kéo không khí qua các bộ lọc và đẩy nó ra khỏi ống khói cao 15 m.
Những tòa nhà cao tầng đang được xây dựng
Quy trình từ sản xuất con giống tới ươm nuôi đều được thiết kế khép kín cũng giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh hơn so với chăn nuôi truyền thống. Phân và chất thải được xử lý tại một nhà máy khác được xây dựng gần khu vực chăn nuôi để tránh làm ô nhiễm môi trường.
Tiết kiệm năng lượng và tài nguyên
Với thiết kế mở rộng diện tích nhờ tăng các tầng lầu, mô hình này được cho là tiết kiệm năng lượng và tài nguyên. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2018, Công ty sẽ nâng quy mô chăn nuôi lên khoảng 30.000 con heo nái trên khu đất diện tích 11 ha, dự kiến sản lượng khoảng 840.000 con heo thịt hàng năm, đưa Công ty này trở thành trang trại chăn nuôi thâm canh lớn nhất thế giới.
Khó khăn
Mô hình nuôi heo trong khu nhà cao tầng (Hogfarm) đã được thủ nghiệm tại châu Âu nhưng sau một thời gian đã bị đóng cửa bởi sự khó khăn trong quản lý hệ thống chăn nuôi. Bà Irene Camerlink, chuyên gia phúc lợi động vật tại Đại học Thú y ở Vienna, người đã làm việc với các trang trại Trung Quốc cho biết, chăn nuôi heo theo dự án tầng lầu làm dấy lên những lo ngại khi vật nuôi có thể không được nhận nhiều sự chăm sóc.
Những chú heo con được kiểm soát từ khi mới sinh
Tuy nhiên, tại Trung Quốc, đã có nhiều công ty lên kế hoạch đầu tư vào những mô hình nuôi nhà cao tầng như này. Nhưng những lo ngại về thú y vẫn luôn trở ngại chính cho ngành chăn nuôi Trung Quốc, đặc biệt khi mật độ nuôi mỗi tầng tăng. Tuy giảm được diện tích nhưng phát sinh chi phí, do những rủi ro lớn khi bùng phát dịch bệnh và nhanh chóng lây lan rộng. Với những dự báo này, nhiều Công ty như Yangxiang đã tăng nguồn đầu tư tập trung vào phát triển công nghệ, theo tính toán, chi phí đầu tư các trang trại cao tầng này cao hơn các trang trại truyền thống khoảng 30%.
“Xây các trang trại chăn nuôi cao tầng có những điểm mạnh lớn. Mô hình chăn nuôi này tiết kiệm năng lượng và nguồn lực, đồng thời đòi hỏi diện tích đất ít hơn để chăn nuôi quy mô lớn”, theo ông Xu Jiajing, quản lý trang trại chăn nuôi cao tầng tại Yangxiang cho hay. |