Trưởng thôn 9X năng động

Nhìn những thanh niên trẻ măng sinh năm 1991-1993, khó ai có thể tin họ đang là những người “đứng mũi chịu sào” lo lắng công việc của thôn làng và nhận được tín nhiệm cao của người dân trong thôn.
Người vực dậy kinh tế thôn

Giữ cương vị trưởng thôn khi mới 23 tuổi, Đỗ Tấn Công (thôn Vĩnh Quý, xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) đã tạo được lòng tin yêu của người dân trong thôn bằng nhiều việc làm thiết thực để phát triển kinh tế gia đình và địa phương…

Trưởng thôn 9X Đỗ Tấn Công bên đàn bò của mình.
Trưởng thôn 9X Đỗ Tấn Công bên đàn bò của mình.

Gia đình Đỗ Tấn Công có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ba mẹ Công bị nặng tai, muốn nói chuyện với ông bà thì phải lại thật gần, nói thật to. Trong nhà Công còn có người cô ruột già yếu (vợ liệt sĩ). Tuy hoàn cảnh khó khăn, nhưng gia đình vẫn cố gắng vay mượn để 2 anh em Công ăn học. Năm 2008, Công thi đậu Cao đẳng Quản trị kinh doanh thuộc Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai. Năm 2009, cô em gái cũng đậu Cao đẳng Ngân hàng của Trường Đại học Tài chính kế toán Quảng Ngãi.

Trong 3 năm học cao đẳng, Công tận dụng mọi thời gian có thể để đi làm thêm, từ phục vụ nhà hàng cho đến bán cà phê… để kiếm tiền ăn học. Sau khi ra trường, cất tấm bằng loại khá, Công trở về quê vay mượn được 20 triệu đồng, đầu tư vào chăn nuôi. Ban đầu anh nuôi trùn quế, do thiếu kinh nghiệm nên thua lỗ. Không nản chí, Công chuyển sang nuôi gà, nhưng kiến thức và kinh nghiệm không vững, số gà này cũng chết.

Không đầu hàng, đến tháng 2.2013, gia đình Công vay Ngân hàng Chính sách xã hội 20 triệu đồng theo diện hộ nghèo và đầu tư nuôi 500 con gà. May mắn vẫn chưa mỉm cười khi gà bán ra thị trường thời điểm đó mất giá, thu không đủ chi. Vẫn không lùi bước, tháng 8.2013, Công tiếp tục vay mượn để nuôi 700 con gà. Rút kinh nghiệm từ những thất bại lần trước, số gà lần này bán ra giúp anh lãi được 20 triệu đồng.

Với sự chuyên cần, tỉ mỉ trong quá trình nuôi nên đàn gà của Công phát triển tốt. Từ ban đầu chỉ có 1 trang trại, hiện nay Công đã mở rộng 8 trang trại với 5.000 con gà, trồng keo tai tượng, nuôi nhiều loại cá nước ngọt.

Chia sẻ với chúng tôi, Công không giấu niềm vui: “Từ nguồn lãi nuôi gà và tiền bán vườn keo của gia đình, tôi vừa mua đàn bò 6 con để nuôi. Tôi cũng có ý định sẽ kinh doanh thêm các mặt hàng như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… Hiện nay thu nhập của gia đình cũng khá ổn định, mỗi tháng đạt trên 20 triệu đồng”.

Anh trưởng thôn nhiệt tình

Dám nghĩ dám làm, Công được bà con trong thôn tín nhiệm đề cử làm trưởng thôn. Cuộc bầu trưởng thôn vào tháng 6.2013, Công giành số phiếu cao và cái danh hiệu “Trưởng thôn 9X” đã trở nên quen thuộc với mỗi người dân thôn Vĩnh Quý.

Từ một thôn mà người dân chủ yếu trồng trọt, Công đã vận động bà con phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại, phát triển kinh tế gia đình. Thôn Vĩnh Quý hiện đã dần thay da đổi thịt với những gia trại trù phú, đầm ấm...

Lãnh đạo một thôn với 273 nhân khẩu, quả là khó đối với một thanh niên mới ngoài 20 tuổi như Công. Nhiều người lo là Công tuổi còn trẻ, “nói chuyện phải quấy” sợ người lớn tuổi không nghe. Nhưng chỉ vài tháng bắt tay vào việc, Công đã chứng minh sự đĩnh đạc, nghiêm túc trong công việc. Vì còn trẻ, Công luôn tìm được hướng giải quyết hài hoà mọi công việc. Việc gì khó là Công tranh thủ ý kiến đóng góp của các đảng viên, nhân dân trong thôn. Các phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự đều có sự góp ý của người dân nên có sự đồng thuận cao. Chính vì vậy, thôn Vĩnh Quý năm vừa qua không có tệ nạn xã hội, số hộ nghèo đã giảm 6,9%.

Ông Võ Tấn Hùng - Chủ tịch UBND xã Tam Vinh, chia sẻ: “Từ khi Công làm trưởng thôn, bộ mặt thôn Vĩnh Quý có những thay đổi tích cực. Không chỉ “miệng nói tay làm”, trong khi vận động bà con thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, anh còn tích cực truyền đạt những kinh nghiệm trong việc phát triển trang trại của mình”.


“Nói phải củ cải cũng nghe”


Đó là quan niệm của trưởng thôn 23 tuổi Hồ Văn Du ở thôn Cóc, xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Du được bầu làm trưởng thôn năm 21 tuổi, ngay sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê. Thôn Cóc có 80 hộ thì đã đến 61 hộ nghèo, nương rẫy bị bỏ hoang. Được bầu làm trưởng thôn, việc đầu tiên Du làm là vận động bà con làm việc chăm chỉ. Thay vì 10 giờ sáng đi làm, 3 giờ chiều đã nghỉ, Du hướng dẫn bà con làm việc từ sáng sớm, nghỉ trưa rồi làm tiếp buổi chiều, không để đất bỏ hoang. Sau đó là giúp bà con dựng chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, lấy phân bón làm vườn. Ban đầu bà con cũng phản ứng, không nghe Du nói. Nhưng khi chàng trai trẻ này bắt tay vào làm từ chính gia đình mình, và làm hộ nhà hàng xóm thì bà con mới làm theo. Giờ, nếp sinh hoạt, sản xuất ở thôn Cóc đã ổn định.

Mang kỹ thuật mới về làng


Lý Văn Viện (dân tộc Nùng) ở thôn Cái Cặn 2, xã Hộ Đáp, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, có lẽ là trưởng thôn trẻ nhất nước, bởi Viện được bầu giữ chức vụ này khi mới tròn 20 tuổi. Viện sinh năm 1993, học hết lớp 11 thì phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Hai năm sau, anh tự nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ và được kết nạp vào Đảng trong quân đội. Tháng 1.2013, Viện xuất ngũ về địa phương tham gia phát triển kinh tế gia đình và được nhân dân thôn Cái Cặn 2 bầu làm trưởng thôn. Ngay sau khi được bầu, Viện tổ chức cho bà con sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong gia đình mình, Viện cũng trực tiếp chăm sóc hơn 400 gốc, thu lãi hơn 100 triệu đồng/vụ. Việc thứ 2 mà Viện dốc nhiều tâm sức làm là vận động người dân làm đường để việc đi lại, sản xuất được thuận tiện hơn...
T.H

theo danviet.vn