Tự hào nông dân Việt Nam 2017: Chị Nụ đưa hương chè Lai Châu ra thế giới

Tự hào nông dân Việt Nam 2017: Chị Nụ đưa hương chè Lai Châu ra thế giới
Nhắc đến tên chị Phạm Thị Nụ, những người làm chè ở Lai Châu không ai không biết. Bằng tình yêu, sự kiên trì và niềm đam mê mãnh liệt dành cho cây chè, chị Nụ đã có công lớn trong việc giữ lại vùng nguyên liệu chè và đưa thương hiệu chè Lai Châu tiêu thụ rộng rãi trong nước và thế giới.

Chị Phạm Thị Nụ (trái) cùng các công nhân trong xưởng chế biến chè. Ảnh T.H

Mang chè Việt ra thế giới

Hiện, vùng nguyên liệu của công ty lên tới hơn 100ha, tăng công suất chế biến từ 20 tấn lên 30 tấn chè tươi/ngày. Đến nay, công ty đã đầu tư hiện đại hóa công nghệ chế biến chè từ thu hái đến sao chè, lên hương thay thế cách làm thủ công truyền thống.

Đến thăm phân xưởng chế biến chè rộng hơn 5.000m2 của Công ty TNHH Chè Shan Trúc Thanh do chị Nụ làm giám đốc tại xã vùng cao Sùng Phài (Tam Đường), chúng tôi khá ngạc nhiên khi thấy chị Nụ ăn mặc giản dị, đang tất bật xắn tay vào lao động cùng công nhân trong xưởng hoàn thành những công đoạn cuối cùng để cho ra sản phẩm chè chất lượng.

Chị Nụ hồ hởi khoe: “Khác hẳn với năm ngoái, năm nay thị trường tiêu thụ chè sôi động và thuận lợi lắm. Từ đầu năm đến nay, công ty nhận được tới tấp đơn đặt hàng từ Pakistan, Đài Loan… Hiện tại, công ty phải huy động mọi nguồn lực để đảm bảo xuất bán chè đúng tiến độ”.

“Chè búp tươi sau khi thu hái phải sao ngay, nếu để ngày hôm sau chất lượng chè sẽ giảm sút (nước đỏ). Để khẳng định thương hiệu, tạo uy tín với khách hàng, công ty luôn chú trọng việc nhập chè búp tươi trong ngày (đảm bảo 1 tôm, 2 lá) và sao khô hết nên chè xanh, thơm ngon” - chi Nụ bộc bạch.

Bán nhà vì duyên nợ với chè

Chị Nụ sinh ra và lớn lên ở quê lúa Quỳnh Phụ (Thái Bình). Gia cảnh nghèo khó, lại đông anh em, năm 1982, chị quyết định lên Lai Châu lập nghiệp với hy vọng làm ăn được ở miền đất mới. Có chút kinh nghiệm về thu hái búp chè, chị được nhận vào làm tại một công ty chè. Năm 2002, vợ chồng chị về nghỉ chế độ.

Đóng trên địa bàn phường Tân Phong, thị xã Lai Châu có Công ty TNHH Chè Shan Trúc Thanh. Năm 2004, doanh nghiệp này kinh doanh thua lỗ, vợ chồng chị đã mua lại doanh nghiệp sắp phá sản này với giá 500 triệu đồng.


Dù trải qua nhiều gian nan nhưng chị Nụ vẫn đam mê với nghiệp làm chè

“Ai cũng can khi thấy vợ chồng tôi đi gom góp tiền mua lại công ty phá sản. Nhưng vợ chồng tôi có lý lẽ riêng. Chúng tôi từng nhiều năm đắm đuối với cây chè, nhìn ra được nguyên nhân khiến công ty thua lỗ”.
Chị Phạm Thị Nụ

Nguyên nhân đó cũng là những thách thức, khó khăn của vợ chồng chị Nụ khi tiếp quản công ty. Đó là thị trường đầu ra của chè thành phẩm biến động; vốn sản xuất kinh doanh hạn hẹp và công nghệ chế biến lạc hậu. “Điều quan trọng nhất vợ chồng tôi xác định là phải vực dậy vùng nguyên liệu đang bị bỏ rơi, phải làm cho bà con tin tưởng quay lại với cây chè, vùng chè nguyên liệu phải lấy lại màu xanh trù phú” - chị Nụ bộc bạch.

Tuy nhiên, chưa kịp bắt tay vào làm thì trụ sở công ty bị giải tỏa để địa phương xây dựng trụ sở của 1 đơn vị sự nghiệp. Để có tiền, chị Nụ đã dốc hết vốn liếng, đi vay ngân hàng, thậm chí bán cả nhà để mua xưởng và máy móc.

Chị Nụ cho hay, giữa bộn bề khó khăn là vậy, tuyệt nhiên chị Nụ không nản chí. Có xưởng, có máy móc, chị chủ động tìm nguồn tiêu thụ bằng cách lặn lội “gõ cửa” từng đầu mối. “Là nông dân, có mấy ai dám bán nhà, bán đất để lấy vốn đánh cược cho một ngành nghề đang trong giai đoạn khủng hoảng. May mắn là tôi đã không thất bại…” – chị Nụ khiêm tốn.

Bên cạnh việc ký hợp đồng trồng và bán chè với hơn 100 hộ nông dân, Công ty TNHH Chè Shan Trúc Thanh còn giải quyết công ăn việc làm cho hơn 40 lao động trực tiếp (chủ yếu là người dân tộc thiểu số) với mức thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng.

Hồi sinh vùng nguyên liệu

Sau khi ổn định trụ sở công ty, chị Nụ xắn tay ngay vào việc gây dựng, hồi sinh các vùng chè nguyên liệu. Chị Nụ cho hay: “Người dân xung quanh xưởng chủ yếu là người dân tộc, tập quán của họ là phó mặc cây chè cho thiên nhiên mà không chăm bón, nên chất lượng búp chè xuống thấp. Thấy vậy, năm 2005, tôi đã bỏ ra hơn 200 triệu đồng đầu tư phân bón và hướng dẫn cho các hộ dân cải tạo hơn 50ha chè”.

Bên cạnh đó, chị còn mạnh dạn đầu tư thuê máy ủi san, gạt mặt bằng để mở rộng và kéo dài đường giao thông quanh xưởng, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại trồng và chăm sóc cây chè được tốt hơn.

“Đến nay, công ty đã đầu tư hiện đại hóa toàn bộ công nghệ chế biến chè từ thu hái đến sao chè, lên hương thay thế cho cách làm truyền thống. Nhờ đó năng suất và chất lượng chè tăng lên rõ rệt, được các bạn hàng trong nước và quốc tế ưa chuộng. Bình quân mỗi năm, công ty sản xuất hơn 500 tấn chè, chủ yếu xuất khẩu sang 2 thị trường Pakistan và Đài Loan (Trung Quốc)” - chị Nụ thông tin.

 Đầu tư hiện đại hóa công nghệ chế biến chè búp tươi và tìm kiếm thị trường tiêu thụ là hai việc vợ chồng chị thực hiện sau khi ổn định vùng nguyên liệu. Nhận thấy việc sản xuất chè viên khô tốn nhiều thời gian, công sức, lợi nhuận thấp, năm 2010 chị Nụ đầu tư lắp mới dây chuyền sản xuất chè xanh hiện đại với công suất 1.300 tấn chè tươi/năm. Đầu năm 2016, chị tiếp tục lắp thêm 1 dây chuyền sản xuất chè xanh hiện đại nữa.
Theo Thu Hà/TTV.vn