Từ nghị quyết về “tam nông” đến nền nông nghiệp hiện đại
- Thứ tư - 19/09/2018 19:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bài 1 Nông thôn đổi mới
Xuyên suốt quãng thời gian 10 năm (2008 - 2017) ở phạm vi toàn quốc, có thể nói Nghị quyết 26 về “tam nông” đã làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông dân và nông thôn, tạo nền tảng vững chắc để bước sang giai đoạn phát triển mới.
Giữa tháng 9-2018, chúng tôi về tỉnh Vĩnh Phúc, một trong những địa phương có chủ trương phát triển “tam nông” từ rất sớm, ngay cả trước khi Nghị quyết 26 ra đời. Cụ thể ngày 27-12-2006, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết 03-NQ/TU về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020 (viết tắt là NQ 03). Dù đi trước nhưng nội dung NQ 03 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cơ bản phù hợp với nội dung Nghị quyết 26 Hội nghị T.Ư 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ra đời sau đó hai năm (2008) với quan điểm: hỗ trợ nông nghiệp - nông thôn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đồng thời tăng thu ngân sách để tái đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn.
Đến nay, sau 12 năm thực hiện NQ 03 của tỉnh và 10 năm thực hiện NQ 26, có thể khẳng định “tam nông” Vĩnh Phúc đã tạo được nền tảng vững chắc, có khả năng cạnh tranh cao, bền vững. Về nông nghiệp, trong 10 năm (2008-2017), giá trị sản xuất, chăn nuôi tăng bình quân 7,94%/năm, sản lượng lương thực tăng 2,58%, bảo đảm an ninh lương thực. Tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất trọng điểm, có khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn như lợn giống, thịt, bò (sữa, thịt), nhiều loại rau có khối lượng sản phẩm lớn, một số loại quả như thanh long ruột đỏ bước đầu xuất khẩu vào những thị trường khó tính như Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản. Đời sống, thu nhập của người dân nông thôn đạt hơn 31 triệu đồng/người/năm, gấp 2,6 lần so với năm 2008.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, đồng chí Bùi Như Ý nhấn mạnh: Nghị quyết 03-NQ/TU là nghị quyết của “ ý Đảng - lòng dân” trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa tỉnh Vĩnh Phúc. Việc xây dựng và ban hành Nghị quyết thể hiện tinh thần trách nhiệm và tính sáng tạo trong phát hiện và giải quyết các vấn đề từ thực tiễn.
Mô hình chuỗi cung ứng thịt lợn sạch khép kín thuộc Công ty TNHH một thành viên Phát Đạt tại xã Cao Minh, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc là một trong rất nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp thành công ở Vĩnh Phúc được hưởng lợi từ chính sách khuyến khích phát triển “tam nông” vốn xuất hiện rất sớm ở địa phương này. Trên diện tích đất 15.000 m2, trang trại chăn nuôi được thiết kế và chia từng khu riêng biệt, khu chăn nuôi rộng hơn 4.000 m2 với bốn dãy chuồng nuôi 1.200 con lợn các loại. Bên cạnh hệ thống chuồng trại xây dựng khoa học, công ty còn đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, với hệ thống làm mát hoạt động theo cơ chế tự động bảo đảm sạch, thoáng khí, không có mùi hôi. Mỗi tháng, trang trại xuất hơn 400 con lợn thịt với trọng lượng hơn 30 tấn, doanh thu gần hai tỷ đồng. Mô hình còn tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Để phát triển và nhân rộng mô hình này, từ cuối năm 2016, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các sở chức năng phối hợp thị xã Phúc Yên tạo điều kiện về quỹ đất để công ty mở rộng cơ sở giết mổ tập trung và từ tháng 7-2018 chính thức đi vào hoạt động với công suất từ 120 đến 150 con/giờ. Giám đốc doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Có được kết quả như hôm nay, ngoài nội lực của công ty còn có sự hỗ trợ rất lớn của các ban, ngành, chính quyền địa phương về đất đai (được miễn tiền thuê đất 20 năm trong tổng số 49 năm thuê đất), cơ chế tín dụng và vốn ưu đãi cho những cơ sở làm nông nghiệp sạch…
Hiệu quả trên toàn quốc
Tháng 8-2008, Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết 26 về “tam nông” để áp dụng trên phạm vi cả nước.
Trong đó, đã tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, nông nghiệp đã duy trì tăng trưởng và đang chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao, an toàn thực phẩm được coi trọng; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và từng bước bảo đảm an ninh dinh dưỡng, góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân nông thôn, nhất là trong các giai đoạn khó khăn của nền kinh tế. Giai đoạn 2008 - 2017, tốc độ tăng trưởng GDP ngành đạt 2,66%/năm, giá trị sản xuất tăng 3,9%/năm. Xuất khẩu nông sản tăng nhanh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, tạo nguồn thu ngoại tệ, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm (2008 - 2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm. Đã có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ một tỷ USD trở lên (năm 2008 chỉ có năm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ một tỷ USD trở lên). Nông sản Việt Nam hiện đã có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ hai Đông-Nam Á và thứ 15 thế giới.
Thông qua phát triển các mô hình sản xuất, hỗ trợ người nghèo, địa phương nghèo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, đời sống người dân nông thôn ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm nhanh, năm 2017 ở nông thôn còn 8,0%; ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng từ 3 đến 4%/năm.
Về nông thôn, sau bảy năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2017, toàn xã hội đã huy động được khoảng 1.672.250 tỷ đồng để thực hiện. Từ năm 2013, thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương đã đổi mới công tác chỉ đạo, chuyển từ ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng sang trọng tâm là ưu tiên phát triển sản xuất, để xây dựng NTM bền vững và bổ sung nhiệm vụ phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành là nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra ngay từ khâu lập kế hoạch thực hiện chương trình. Đến hết năm 2017, cả nước có 3.069 xã (34,4%) đạt chuẩn NTM; bình quân đạt 13,7 tiêu chí/xã, có 43 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (so với năm 2010 chưa có xã đạt chuẩn; đến hết năm 2013 có 75 xã được công nhận đạt chuẩn, bình quân đạt 7,87 tiêu chí/xã, chưa có huyện đạt chuẩn nông thôn mới). Đến nay, cả nước đã có 3.478 xã, 53 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM.
Kinh tế trang trại phát triển khá, đến hết năm 2017 có 35.542 trang trại, tăng 50,8% so với năm 2013. Các hợp tác xã được tổ chức lại (hợp tác xã kiểu mới) và thành lập mới theo Luật Hợp tác xã, đến hết năm 2017 có 11.668 hợp tác xã nông nghiệp (gấp gần hai lần so với năm 2008). Doanh nghiệp nông nghiệp tăng từ 2.397 năm 2007 lên 7.033 doanh nghiệp năm 2017 (tăng 2,93 lần). Nhiều doanh nghiệp trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị và sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao.
Theo Quang Minh - Tâm Thời/Báo Nhân Dân.vn