Từ tam nông đến dẫn đầu nông thôn mới
- Thứ sáu - 13/07/2018 22:42
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo báo cáo của Tỉnh ủy, trước khi có Nghị quyết 26 vào ngày 5-8-2008 thì ngay từ năm 2007, Tỉnh ủy đã có quyết định chủ trương về xây dựng nông thôn mới với mục tiêu “4 có”, đó là: có đời sống kinh tế được cải thiện; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; có đời sống văn hóa tốt, an ninh đảm bảo và môi trường sinh thái phát triển bền vững.
* Nhiều đột phá rõ rệt
Là tỉnh nằm trong nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp, nhưng Đồng Nai lại rất quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Do đó khi có Nghị quyết 26 và Kế hoạch 97, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã cùng vào cuộc, chung tay xây dựng nông thôn của tỉnh ngày càng phát triển. Nhiệm vụ của mỗi sở, ngành, đoàn thể, địa phương được phân định rõ để thực hiện.
Tỉnh cũng có những chính sách ưu tiên về vốn, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư, chuyển giao khoa học - công nghệ để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Năng suất nhiều loại cây trồng như: bắp, rau, xoài, sầu riêng, chôm chôm... tăng 3-15%.
Trong 10 năm qua, ngành nông nghiệp của Đồng Nai luôn giữ được mức tăng trưởng gần 4,2%/năm, cao hơn mục tiêu đề ra và bình quân chung của cả nước. 10 năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh gần 330 ngàn tỷ đồng. Kết quả góp phần nâng thu nhập người dân vùng nông thôn vào cuối năm 2017 lên trên 47,6 triệu đồng/người, tăng gấp 3,3 lần so với năm 2008. |
Ông Phạm Việt Phương, Phó giám đốc phụ trách Sở Kế hoạch - đầu tư, cho biết: “Trong giai đoạn 2008-2017, tổng vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho vùng nông thôn khoảng 10,5 ngàn tỷ đồng, chiếm 65% tổng vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh. Thu hút 735 dự án đầu tư vào vùng nông thôn có tổng vốn gần 210 ngàn tỷ đồng”.
Những đầu tư trên đã giúp cho vùng nông thôn của tỉnh có những bước đột phá phát triển nhanh và năm 2014, Đồng Nai là tỉnh đầu tiên trong cả nước có 2 địa phương cấp huyện là Xuân Lộc, Long Khánh hoàn thành tiêu chí nông thôn mới và được Thủ tướng công nhận.
Các xã vùng sâu, vùng xa được tỉnh ưu tiên đầu tư điện, đường, trường, trạm, nông dân hỗ trợ vốn, kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và nâng cao thu nhập.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhận xét: “Thành công nhất của Đồng Nai trong thực hiện chính sách tam nông là cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, nông dân xác định được mình là chủ thể nên cùng chung sức để thực hiện. Sau 10 năm thực hiện, Đồng Nai đã có 8 huyện, 129/133 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh đang dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới”. Những xã, huyện sau khi hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới đã tiếp tục thực hiện nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo ông Hồ Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, sau khi trở thành huyện đầu tiên trong cả nước được công nhận nông thôn mới, huyện Xuân Lộc được Trung ương chọn là một trong 4 huyện của cả nước thực hiện thí điểm đề án huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Lão nông Vũ Văn Hòa (xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc) nói: “Phong trào nông thôn mới khiến vùng đất này thay da đổi thịt, đời sống của người dân được cải thiện. Dân có đường nhựa, bê tông về tận ấp, tổ, trường học khang trang, con em không còn cảnh mùa mưa đến trường bùn đất lấm lem. Có điện ra đồng nông dân tăng vụ, tăng năng suất, thu nhập trên 1 diện tích tăng gấp 1,5-2 lần so với trước”.
* Có thể sớm hoàn thành nông thôn mới
Tuy đang dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới nhưng tỉnh vẫn tìm ra những hạn chế để có giải pháp khắc phục, tạo những bước đột phá, giúp tam nông tiếp tục phát triển bền vững.
Đưa điện ra đồng, sử dụng cơ giới hóa giúp nông dân xã Xuân Thành, huyện Xuân Lộc tăng vụ tăng, thu nhập trên cùng diện tích canh tác. |
Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh cho biết: “Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tập trung vào các giải pháp để sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững gắn với cơ cấu lại các hình thức tổ chức sản xuất, phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, xây dựng và phát triển thương hiệu. Đồng thời giải quyết đầu ra cho nông sản để tăng sức cạnh tranh trên thị trường”.
Mục tiêu của tỉnh là đạt tốc độ tăng GDP nông nghiệp 3,5-4%/năm, tỉ trọng lao động nông nghiệp vào năm 2025 giảm 40%, giá trị sản xuất trồng trọt, nuôi thủy sản 140-150 triệu đồng/hécta/năm (hiện gần 118 triệu đồng/hécta) và thu nhập của nông dân tăng 13-15%/năm.
“Phong trào xây dựng nông thôn mới ở Đồng Nai thành công là do tìm ra bước đột phá đưa điện ra đồng, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nông dân tăng vụ, tăng năng suất, tăng thu nhập. Người dân hiểu rằng mình là người thụ hưởng các chính sách về tam nông nên rất ủng hộ” - bà Hoàng Thị Bích Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho hay.
Có được lòng tin và sự ủng hộ của người dân là do công tác vận động, tuyên truyền của các đoàn thể. Đây cũng là tiền đề để tỉnh, các địa phương trong thời gian tới triển khai các bước đột phá tiếp theo để đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Đồng Nai có thêm những bước tiến vượt bậc.
Ngày 10-7-2018, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 và Kế hoạch 97, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường chỉ rõ một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong những năm tới, như: thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết 26 của Trung ương và Kế hoạch 97 của Tỉnh ủy; xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, bổ sung những giải pháp giải quyết nhanh những hạn chê; tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững; khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết để tiêu thụ nông sản hình thành chuỗi cung ứng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại tăng năng suất, giảm lao động vẫn nâng cao thu nhập...
“Kế hoạch là năm 2020, Đồng Nai là tỉnh hoàn thành nông thôn mới. Nhưng nếu 2 huyện Tân Phú, Định Quán tăng tốc để cuối năm nay đạt huyện nông thôn mới thì Đồng Nai sẽ là tỉnh đầu tiên hoàn thành nông thôn mới trong cả nước và tiếp tục thực hiện nông thôn mới kiểu mẫu” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường nói.
Bài và ảnh: Hương Giang/baodongnai.com.