Tuyên Quang Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn

Tuyên Quang Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn
Với mục tiêu phát triển nông thôn từng bước hiện đại, tỉnh ta đã và đang ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng về nông thôn, gồm: Xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, điện và nước; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và sức khỏe cộng đồng ở khu vực nông thôn.

Điều dễ nhận thấy hiện nay là bộ mặt nông thôn mới hiện hữu với những con đường bê tông khang trang, trường học, trạm y tế, hệ thống điện, nước từng bước được đầu tư hoàn thiện; cuộc sống của bà con ngày một nâng cao. Thành quả này là sự cố gắng của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh, khẳng định nguồn vốn của Nhà nước được đầu tư đúng hướng và được sự đồng thuận cao từ người dân. Nhiều vùng quê trong tỉnh, các tuyến đường liên xã, liên thôn được bê tông khang trang, thuận lợi cho việc đi lại, giao thương phát triển kinh tế vùng, miền và góp phần hữu hiệu trong rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Chỉ trong vòng 2 năm, tỉnh đã đầu tư xây dựng được 50,35 km đường trục xã, liên xã; 1.414,36 km đường trục thôn, xóm đạt chuẩn; bê tông hóa đường giao thông nông thôn đạt 1.214 km.
 


Lớp học mầm non ở Bản Túm, xã Trung Hà (Chiêm Hóa) mới được xây dựng.


Xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) là một trong địa phương đi đầu thực hiện kiên cố hóa đường nông thôn. Hết năm 2012, Mỹ Bằng đã xây dựng được 87/103 km đường giao thông nông thôn, thành quả không phải địa phương nào cũng thực hiện được. Có mặt tại Mỹ Bằng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những con đường liên thôn rộng từ 3 - 3,5 m, được bê tông hóa dày hơn 20 cm, chạy thẳng tắp nối liền các thôn thay cho những con đường bùn đất, nhầy nhụa trước đây. Ông Bùi Quang Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng chia sẻ kinh nghiệm: “Có được thành quả hôm nay, cùng với sự thống nhất, hưởng ứng đồng tình cao của nhân dân, chúng tôi còn có cách làm sáng tạo, tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh và phát huy tối đa sức mạnh của nhân dân để thực hiện. Tiếp tục hoàn thiện chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn, năm 2013, xã phấn đấu hoàn thiện 100% tuyến đường còn lại. Những năm trước đây, thôn Quyết Thắng là một trong những thôn khó khăn của xã Mỹ Bằng bởi con đường nối thôn với trung tâm xã xuống cấp nghiêm trọng. Mỗi khi mưa, đường lại lầy lội, với nhiều “ổ voi”, “ổ gà” khiến việc đi lại, trao đổi hàng hóa của người dân gặp nhiều khó khăn. Khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, thôn Quyết Thắng đã tuyên truyền, vận động nhân dân, con em xa quê cùng tham gia đóng góp kinh phí thực hiện. Đến nay, thôn đã kiên cố hóa được 4 km đường liên thôn, dày 20 cm, rộng 3 - 3,5 m. Có đường bê tông kiên cố, nhân dân trong thôn ai cũng vui mừng, phấn khởi.

Cùng với hệ thống giao thông nông thôn, các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn cũng được đầu tư khá mạnh mẽ. Toàn tỉnh hiện có 2.715 công trình thủy lợi, trong đó 503 công trình hồ chứa, 851 đập xây, 1.028 công trình phai tạm, 213 công trình đập rọ thép, 42 công trình kênh mương tự chảy và 78 trạm bơm. Trong đó, có 1.645 công trình kiên cố và bán kiên cố, chiếm 60,6%; 1.923 km/3.440 km mương được kiên cố, chiếm 56%. Từ năm 2006 đến nay, thông qua việc lồng ghép các chương trình, dự án, toàn tỉnh đã xây dựng, nâng cấp 414 công trình thủy lợi, trong đó có 33 công trình xây mới, nâng cấp tu sửa 381 công trình, kiên cố gần 400 km kênh mương. Các công trình trên đã làm tăng thêm diện tích tưới chắc cho 5.891 ha lúa xuân và 6.395 ha lúa mùa. Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình thủy lợi trong 6 năm huy động được trên 631,6 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương 484,8 tỷ đồng; nguồn vốn địa phương và nhân dân đóng góp 146,8 tỷ đồng.  Hệ thống thủy lợi được quan tâm đúng mức đã đưa diện tích tưới chắc từ 34.532 ha năm 2006 đã tăng lên 36.185 ha năm 2012, đạt 81% diện tích lúa gieo cấy cả năm. Nguồn lợi mang lại từ công trình thủy lợi đã góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, làm thay đổi bộ mặt nông thôn và cải thiện môi trường sinh thái. 

Đầu tư xây dựng hệ thống điện, nước, từ năm 2006 đến 2012, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng mới, tu sửa, nâng cấp và đưa vào sử dụng 369 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, tự chảy, khoan bơm dẫn, nối mạng cấp nước đô thị tại khu vực nông thôn. Trong đó có 85 công trình cấp nước sạch nông thôn từ nguồn vốn Trung ương, địa phương và các nguồn vốn khác; 56 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung từ nguồn vốn Chương trình 134; 7 công trình cấp nước sinh hoạt từ Chương trình 135 của Chính phủ; 96 công trình cấp nước sinh hoạt từ Chương trình tái định cư thủy điện Tuyên Quang 59 công trình (cung cấp nước tập trung hệ tự chảy, 29 công trình bơm khoan dẫn, 8 công trình nối mạng cấp nước đô thị). 

Công trình nước sạch cho đồng bà Mông ở thôn Bản Túm, xã Trung Hà (Chiêm Hóa) đã hoàn thiện bàn giao cho các hộ dân sử dụng trước Tết Nguyên đán Qúy Tỵ 2013. Anh Sài Văn Điển, Trưởng thôn Bản Túm cho biết, công trình nước sạch trên 2 tỷ đồng phục vụ 86 hộ dân trong thôn được khởi công xây dựng năm 2012 đến nay đã hoàn thành đang cấp nước thử. Đây là công trình ưu tiên đặc biệt cho 14 hộ dân tộc Mông thiếu nước sinh hoạt quanh năm. Anh Tráng Trản Xoeng mừng rỡ: “Có nước, bản mình mừng lắm. Gần 30 năm về sống ở đất này, cứ mùa đông dân bản phải đi xa hơn một cây để gùi nước ở khe về ăn, còn nước phục vụ sinh hoạt khác hầu như không có. Giờ trước cửa mỗi nhà đều có một vòi nước, từ nay người bản không lo thiếu nước nữa rồi. Cái bụng bà con cảm ơn Đảng, Nhà nước lắm”.    

Sưu tầm; Hà Giang
Nguồn: baotuyenquang.com.vn