Tuyên Quang: Đổi thay ở vùng quê Nhữ Hán

Tuyên Quang: Đổi thay ở vùng quê Nhữ Hán
Nhữ Hán là xã miền núi khó khăn phía Tây huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang) với tỷ lệ hộ nghèo ở thời điểm bắt đầu xây dựng nông thôn mới năm 2011 lên đến hơn 26,4%. Thế nhưng sau hơn 6 năm xây dựng nông thôn mới, Nhữ Hán đã có bước chuyển mình ngoạn mục.
Những con đường bê tông nối dài, những ngôi nhà tầng khang trang bên cạnh đồi chè xanh mướt là hình ảnh đầu tiên khi vào Nhữ Hán. Ít ai biết được vùng quê này khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới (năm 2011) chỉ đạt được 5/19 tiêu chí nông thôn mới. Kinh tế chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng do giao thông khó khăn nên sản phẩm làm ra thường xuyên bị thương lái ép giá. Thu nhập bình quân của người dân chỉ đạt gần 13 triệu đồng/năm. Ông Trần Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Nhữ Hán cho biết: Ngay khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới xã đã thành lập 15 Ban phát triển nông thôn mới tại 15 thôn do các Trưởng thôn làm Trưởng ban. Do địa phương có điểm xuất phát thấp, nhận thức của nhân dân còn nhiều hạn chế nên quá trình xây dựng nông thôn mới xã luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền.

Một góc xã Nhữ Hán. Ảnh: Văn Tý – TTXVN

Thành công nhất trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở Nhữ Hán là việc huy động sức dân. Trong tổng số hơn 87 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, nhân dân đóng góp hơn 37 tỷ đồng, chiếm trên 42%. Một điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở Nhữ Hán là việc hoàn thành bê tông hóa hơn 60km đường giao thông nông thôn. 100% trục đường xã, liên xã đã được nhựa hóa, bê tông; hơn 22 km đường thôn, liên thôn cũng được bê tông hóa đạt tỷ lệ 96%... Hàng trăm gia đình tự nguyện hiến đất sản xuất để làm đường, làm nhà văn hóa thôn. Gia đình bà Nguyễn Thị Lan, thôn Hồ, xã Nhữ Hán, là một trong những gia đình đi đầu trong phong trào hiến đất mở đường. Khi có chủ trương làm đường bê tông gia đình bà đã tự nguyện hiến hơn 400m2 vườn đất để mở đường. Ông Phạm Xuân Loan - Trưởng thôn Liên Minh 2, xã Nhữ Hán chia sẻ, việc xây dựng đường bê tông nông thôn được nhân dân địa phương hưởng ứng nhiệt tình nhưng không có vốn. Thôn đã thống nhất tổ chức vay vốn tập thể để bà con khó khăn có tiền đóng góp xây dựng nông thôn mới. Hiện, bà con đều đã trả hết nợ vay ngân hàng, toàn bộ các tuyến đường của thôn đã được bê tông hóa, nhân dân đi lại rất thuận tiện thương lái vào tận các vườn chè để mua chè, giá cả theo đó mà tăng cao.

Chăm sóc cây chè. Ảnh: Văn Tý – TTXVN

Xác định người dân vừa là chủ thể vừa là đối tượng hưởng lợi từ chương trình xây dựng nông thôn mới nên với nhiều giải pháp cụ thể về sản xuất nâng cao thu nhập như hỗ trợ thực hiện các mô hình sản xuất, dự án sản xuất, mở rộng diện tích trồng chè, năng suất, chất lượng cao..., đến nay thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 26 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hàng năm giảm mạnh, đến nay chỉ còn 6,1%.

Sản xuất cây vụ đông. Ảnh: Văn Tý - TTXVN

Ông Trần Văn Cương - Phó Chủ tịch UBND xã Nhữ Hán cho biết, để duy trì kết quả đã đạt được, xã đã triển khai công tác tuyên truyền sâu rộng cho toàn thể cán bộ, công chức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của cấp cơ sở và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ đổi mới. Xã đã phát động phong trào toàn dân tham gia tổng vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, khu công sở, công cộng trên địa bàn vào cuối tháng, phong trào đang dần trở thành nề nếp được người dân hưởng ứng.
Theo Nguyễn Văn Tý/Báo Ảnh DT&MN.vn