Tuyên Quang: Trồng hành lá – hướng làm kinh tế mới, hiệu quả của bà con Chiêm Hóa

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, quy hoạch phát triển các vùng sản xuất tập trung đang là hướng đi đúng và hiệu quả của bà con nông dân huyện Chiêm Hóa. Trong đó cây hành lá đang khẳng định rõ nét về ưu thế trong sản xuất vụ Đông của bà con nông dân.

 

Cũng như bao người nông dân khác ở xã Phúc Sơn (huyện Chiêm Hóa), gia đình chị Vi Thị Sẹ, thôn Bó Ngoặng được tuyên truyền, hướng dẫn trồng và phát triển cây hành lá năng suất cao giống Hàn Quốc, một trong những loại cây vụ Đông ngắn ngày, cho thu nhập cao so với nhiều loại cây trồng khác. Năm 2011, gia đình chị trồng được 800 m2, sau một vụ sản xuất gia đình chị thu được 3,5 tấn, trị giá trên 10 triệu đồng. Năm 2012, gia đình chị tiếp tục mở rộng diện tích trồng hành lá với diện tích là 1.500 m2 và hiện nay diện tích hành lá của gia đình đã cho thu hoạch với năng suất là 5 tấn/1000 m2, bán với giá 3.000 đồng/kg gia đình chị đã thu được trên 21 triệu đồng.


Chị Sẹ cho biết, cây hành lá là loại cây ngắn ngày, dễ trồng, dễ chăm sóc, tốn ít công lao động, chi phí thấp, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, đặc biệt là cho năng suất rất cao (từ 50-80 tấn/ha).


Điểm thuận lợi là hiện nay sản phẩm đầu ra đã được Công ty TNHH SAMWON tỉnh Bắc Giang ký hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm, nhờ đó tránh được tình trạng bị ép giá, tạo thị trường ổn định, bà con yên tâm sản xuất.

 

Liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, bà con huyện Chiêm Hóa yên tâm sản xuất.

 


Nếu như năm 2011 toàn thôn Bản Chỏn (xã Phúc Sơn) chỉ có 8/90 hộ tham gia trồng hành lá, thì đến năm 2012 đã có 76 hộ tham gia, chiếm tỷ lệ gần 80% số hộ trong thôn tham gia trồng và phát triển cây hành lá.


Từ những hiệu quả kinh tế của cây hành lá mang lại, xã Phúc Sơn đã có những chủ trương giải pháp tiếp tục tuyên truyền khuyến khích bà con nông dân tận dụng mọi nguồn đất đai phát triển diện tích trồng cây hành lá, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân và giảm nghèo bền vững ở địa phương.


Theo ông Ma Phúc Khứu, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Chiêm Hóa, hiện nay toàn huyện Chiêm Hóa đã phát triển được trên 24 ha hành lá, tập trung ở 3 xã là Phúc Sơn 17 ha, Hùng Mỹ 7 ha và xã Phúc Thịnh 0,5 ha.


Nhờ biết lựa chọn những loại cây trồng phù hợp, có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên đơn vị diện tích canh tác, tạo ra những sản phẩm sạch an toàn phục vụ cho người tiêu dùng. Điều đó cho thấy, vấn đề sản xuất vụ đông ở xã Phúc Sơn nói riêng và huyện Chiêm Hóa nói chung đang được quan tâm đầu tư đúng mức, nhằm tạo ra sản phẩm hàng hoá nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu thụ của thị trường.


Để khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương, huyện Chiêm Hóa tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nông dân phát huy tiềm năng đất đai, lao động, vốn, thị trường để tổ chức sản xuất có hiệu quả, mở rộng diện tích trồng lạc, đậu tương và cây hành lá trên địa bàn, tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là các công nghệ sinh học, phân bón, giống, nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, có các biện pháp khuyến khích tiêu thụ sản phẩm cho người sản xuất thông qua hợp đồng, thực hiện tốt mối liên kết “4 nhà” nhằm tạo điều kiện cho người sản xuất yên tâm về đầu ra sản phẩm.

 

 

Vũ Ngọc Tuyên
Theo Khuyến Nông Việt Nam