Tỷ phú “gàn” ở vùng đất bãi
- Thứ sáu - 22/06/2018 19:11
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chia sẻ với chúng tôi, ông Đại bảo: “Nông dân bây giờ phải thay đổi tư duy, phải làm ra sản phẩm theo nhu cầu của thị trường thì mới giàu được”.
Dẫn chúng tôi thăm mô hình trang trại của mình, ông Đại kể về những ngày tháng gian truân làm kinh tế. Năm 1988, ông xuất ngũ trở về quê hương sau 4 năm tham gia chiến tranh biên giới ở Lạng Sơn. Hai năm sau, ông xây dựng gia đình, sau đó xin vào làm tại Công ty Thép - Vật tư Hà Nội, khi ấy công ty nằm ở số 3 đường Láng.
Đến năm 2004, do công ty làm ăn thua lỗ, trả lương thấp, ông xin nghỉ việc về quê. Tích lũy được số vốn sau nhiều năm làm ăn, ông bàn với vợ vay tiền ngân hàng và anh em, bạn bè đấu thầu gần 7 mẫu đất đào ao thả cá. Cùng với đó, ông mua thêm hơn 2.000 con gà và 3.000 con vịt thương phẩm.
“Do tôi là người đầu tiên làm liều đào ao to nuôi cá, vịt nên lúc có nguời xì xào bảo tôi gàn dở mới ném tiền qua cửa sổ, nhưng tôi không sợ vẫn quyết làm tới”, ông Đại kể.
Những tưởng thành công sẽ đến với ông khi đàn gà và vịt hàng nghìn con đang phát triển tốt, sắp đến thời kỳ xuất bán thì bất ngờ dịch cúm gia cầm H5N1 ập đến.
“Khi ấy tất cả tiền vốn liếng đầu tư vào gà, vịt bỗng dưng mất trắng, cũng may còn có ao cá cứu vãn chứ không thì hai vợ chồng tôi không biết xoay sở kiểu gì”, ông Đại nhớ lại.
Không nản chí, khi đợt dịch qua đi, ông tiếp tục đầu tư nuôi gà, vịt. Nhưng bài học ông rút ra từ vụ thua lỗ trước đó là, chưa có kinh nghiệm thì không nên nuôi với số lượng nhiều. Lần này, ông nuôi với số lượng ít hơn và tập trung chủ yếu vào nuôi cá. Ông Đại mở rộng thêm diện tích để thả các loại cá truyền thống.
Vừa chăn nuôi, ông Đại vừa tập trung phòng dịch bệnh cho cá nuôi. “Một số loại cá truyền thống như: Mè, trôi, trắm, chép,… được thị trường ưa chuộng, trong đó, trắm cỏ vẫn là đối tượng dễ bán. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, môi trường nuôi khiến các loại bệnh trên cá ngày càng phát triển và lây lan nhanh trên diện rộng.
Đối với trắm cỏ, khó khăn lớn nhất là bệnh xuất huyết đốm đỏ do vi khuẩn và vi rút gây ra. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường gặp vào mùa mưa. Khi cá bị bệnh, bà con cần nhận biết chính xác những dấu hiệu bệnh lý đặc trưng để đưa ra biện pháp xử lý kịp thời”, ông Đại chia sẻ.
Nhờ có bí quyết chăn nuôi, trang trại của ông Đại liên tục thắng lớn, đến nay, trung bình mỗi năm 4 ao cá của gia đình ông Đại cho thu hoạch hàng chục tấn cá, cùng với nguồn thu từ chăn nuôi vịt, gà, mỗi năm gia đình ông thu hàng tỉ đồng.
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi cá, ông Đại cho hay: Khi chăn nuôi cá, bà con phải xây dựng ao nuôi nguồn nước phải đảm bảo sạch, xử lý tốt nguồn nước, dọn kỹ ao trước khi nuôi. Người nuôi cần tăng cường bổ sung vitamin và chất dinh dưỡng, đặc biệt trước thời gian chuyển mùa và trong mùa phát bệnh để tăng sức đề kháng cho cá.
Theo Hải Đăng/Báo TTV.vn