Tỷ phú mít ở Cư Elang: Trồng mít mà chăm bẵm hơn cả trồng cà phê!
- Thứ ba - 22/08/2017 06:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
“Trồng mít mà chăm bẵm cây hơn cả trồng cà phê!” là nhận xét của người dân địa phương về cách ông Thìn thâm canh vườn mít. Không phải là người đầu tiên trồng mít ở Cư Elang nhưng ông Thìn lại đi đầu trong việc đưa mít thành cây hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế hơn hẳn so với nhiều cây trồng khác trong vùng.
Ông Thìn trong vườn mít của gia đình.
Quê gốc ở một tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, ông Thìn đến lập nghiệp ở Ea Kar từ thời trai trẻ, vào thập niên 1990. Nhiều năm làm nông khiến ông nhận thấy thổ nhưỡng vùng Cư Elang không phù hợp với trồng cà phê, tiêu; còn trồng hoa màu thì chỉ vừa đủ ăn, khó làm giàu. Năm 2009, sau khi đi khảo sát các vườn cây ăn trái ở miền Tây Nam Bộ, ông Thìn đưa giống mít Thái cao sản về trồng, ban đầu trồng hơn 5 ha, sau đó mở rộng dần trên đất khai hoang, đến nay đã lên đến gần 20 ha.
Trong khi nhiều người trồng mít trong vùng thường để cây mọc tự nhiên, thu hoạch được chăng hay chớ thì ông Thìn đầu tư khá nhiều tiền của, công sức cho vườn mít. Mít được trồng mật độ thưa, với gần 300 cây/ha để cây có đủ ánh sáng, phát triển chắc khỏe. Vườn lúc nào cũng có trên 10 lao động chuyên chăm sóc, thu hoạch. Ông Thìn cho đắp 1 con đập, đào 5 ao trữ nước ở các lô vườn và sử dụng hệ thống tưới phun đến từng gốc mít vào mùa khô.
Ông còn nghĩ cách giữ ẩm và cải tạo đất bằng việc mua bã mía xay nhỏ từ nhà máy đường về rải một lớp dày trong vườn cây, lớp bã này không chỉ chống xói mòn mà còn phân hủy tạo thêm dinh dưỡng cho đất. Đối với các loại nấm bệnh trên cây mít, ông thường dùng các chế phẩm sinh học, hoặc vôi theo kinh nghiệm dân gian để xử lý, hạn chế sử dụng hóa chất…
“Mỗi năm vườn mít được bón phân 6 - 7 lần; khi mít ra trái, tôi cho cắt bỏ bớt trái non, chỉ để lượng trái vừa phải. Đồng thời bón phân vài đợt cho đến khi thu hoạch, chủ yếu là phân sinh học, vi sinh để nuôi trái lớn hết kích cỡ. Nhờ đó mít cho trái 3 mùa chính trong năm nhưng cây không suy kiệt”, ông Thìn tiết lộ. Chính từ đầu tư thâm canh bài bản mà năng suất vườn mít khá cao. Những năm gần đây, số cây mít đưa vào kinh doanh nhiều hơn thì sản lượng cũng tăng dần lên. Năm 2015 vườn mít cho thu hoạch hơn 200 tấn trái, năm 2016 đạt đến 600 tấn, năm nay dự kiến sản lượng gần 1.000 tấn. Theo ông Thìn, năm ngoái với giá bán bình quân 10.000 đồng/kg, vườn mít cho thu nhập tới 6 tỷ đồng, trừ đi chi phí đầu tư chăm sóc, lãi hơn 3 tỷ đồng.
Sản phẩm mít trái từ vườn ông Thìn được thương lái tìm mua, đưa đi tiêu thụ trong các siêu thị ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, một phần xuất sang Trung Quốc; còn lại cung cấp cho các nhà máy chế biến trái cây sấy. “Trồng mít hàng hóa không lo đầu ra vì lúc nào cũng có thị trường tiêu thụ. Tôi nghĩ cây mít có hiệu quả kinh tế khá cao, tính ra cùng mức đầu tư chăm sóc như nhau thì với giá hiện nay, mít có lãi gấp 3 lần cây cà phê”, ông Thìn nhận định. Ông cho biết đang khuyến khích nhiều hộ trong vùng trồng mít như mình để mở rộng diện tích thành vùng mít chuyên canh, có sản lượng lớn; đồng thời sẽ làm thủ tục xây dựng thương hiệu “Mít sạch Cư Elang”.