Ứng dụng công nghệ cao để sản xuất chè an toàn

Thái Nguyên là tỉnh trung du miền núi, có nhiều thuận lợi cho việc phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, trong đó có cây chè. Nhưng để có những chén trà xanh, mát, bổ, ngành nông nghiệp Thái Nguyên đang tổ chức lại sản xuất ngành chè theo hướng quy mô lớn tập trung, gắn với bảo quản, chế biến ứng dụng công nghệ cao.
 
Nông dân xã Tân Cương (TP Thái Nguyên) thu hoạch chè. Ảnh: Minh Huệ

Cơ cấu lại ngành chè
 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, hiện diện tích chè toàn tỉnh đạt gần 21 nghìn ha, cho sản lượng gần193 nghìn tấn/năm. Mặc dù diện tích và sản lượng chè liên tục tăng, nhưng chủng loại, chất lượng, giá trị sản phẩm chè Thái Nguyên còn thấp, tính cạnh tranh chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của địa phương.
 
Toàn tỉnh hiện có 34 doanh nghiệp chế biến chè công nghiệp, trong đó có 17 doanh nghiệp hoạt động thu mua chè búp tươi để chế biến thành chè đen, chè xanh ướp hương liệu xuất khẩu sang các nước Trung Đông, một số nước khu vực châu Á và châu Âu, với sản lượng đạt gần 6.400 tấn/năm, chiếm 17% tổng sản lượng. Số lượng chè còn lại hầu hết được chế biến theo phương pháp thủ công truyền thống cho năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không đồng đều. Trong khi chè chế biến bằng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao hầu như chưa được quan tâm đầu tư nhiều, cho nên thị trường tiêu thụ chè Thái Nguyên chủ yếu vẫn là ở các chợ đầu mối, các đại lý trong tỉnh và một số thương lái.
 
Để khẳng định thương hiệu "chè Thái Nguyên", trên thị trường trong nước và quốc tế, ngành nông nghiệp Thái Nguyên đã từng bước triển khai thí điểm các mô hình sản xuất chè áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGap từ khâu sản xuất đến chế biến thành phẩm cuối cùng. Đến năm 2013 đã có 360 ha chè sản xuất được chứng nhận đủ tiêu chuẩn. Từ kết quả của những mô hình thí điểm, hiện nay tỉnh Thái Nguyên đang triển khai nhân rộng mô hình vùng sản xuất chè an toàn, với quy hoạch tổng diện tích18.500ha, chiếm hơn 80% diện tích chè toàn tỉnh.
 
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, cây chè trồng trong vùng đất quy hoạch được áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap,... Theo đó, ngay từ khâu sản xuất giống, tỉnh đã lựa chọn và giao cho một số doanh nghiệp tập trung nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất trồng, thâm canh một số giống chè mới, bảo đảm sạch bệnh, cho năng suất, chất lượng cao, như giống chè LDP1, LDP2, PH8, PH9. Với mục tiêu cụ thể là đến năm 2020 phải có 70% diện tích chè sử dụng giống mới. Đồng thời tiếp tục phát triển một số giống chè có khả năng sinh trưởng phù hợp với chất đất ở địa phương, như Kim Tuyên, Phúc Văn Tiên... làm cơ sở phát triển sản xuất các loại chè ô long, chè xanh cao cấp.
 
Các nương chè ở vùng sản xuất tập trung được khảo sát, thiết kế phù hợp địa hình, địa vật, và chú ý đến cả yếu tố thời tiết trong khu vực. Nhất là các vườn ươm giống chè được đặc biệt quan tâm, vì thời gian nhân giống cây ở trong vườn từ 8 đến 10 tháng, nếu thời tiết không thuận lợi sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cây giống. Đến nay đã có nhiều dự án nghiên cứu, áp dụng quy trình kỹ thuật tưới, tiêu tiết kiệm, cơ giới hóa khâu làm đất, cũng như bón phân làm tăng hoạt tính sinh học đất, để cây chè có thể "sống khỏe" trên mọi vùng đất được đưa vào áp dụng thành công.
 
Công nghệ sau thu hoạch cũng được ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm. Một mặt tỉnh yêu cầu các cơ sở sơ chế, chế biến chè quy mô hộ, trang trại chủ động ứng dụng quy trình kỹ thuật sơ chế và chế biến chè thành phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, mặt khác khuyến khích các doanh nghiệp chế biến công nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến chè, phấn đấu đến năm 2020 hơn 30% sản lượng chè được chế biến bằng công nghệ tiên tiến.
 
Lợi đơn, lợi kép
 
Đại diện Doanh nghiệp tư nhân Linh Lượng, một trong những đơn vị đã tham gia Dự án Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình nhân giống chè trong giai đoạn 2011-2015 cho biết: Mỗi năm doanh nghiệp tạo ra 12 - 15 triệu cây chè giống đạt chất lượng theo tiêu chuẩn của ngành. Mỗi héc-ta chè giống cũ được thay thế bằng chè giống mới đem lại hiệu quả kinh tế tăng từ 10 - 20% tổng thu nhập bình quân của năm. Tính đến hết năm 2014, tỉnh Thái Nguyên đã trồng mới và trồng thay thế được hơn 7.500 ha chè giống mới LDP1, PH8, PH9 và nhân rộng các giống nhập nội như Kim Tuyên, Phúc Văn Tiên,... Với năng suất chè bình quân đạt gần 11 tấn/ha/năm, tăng 2 tấn/ha so với năm 2010. Ngoài ra, các mô hình trồng chè tập trung đã góp phần tạo cảnh quan môi trường đẹp, góp phần gắn việc phát triển của ngành chè với du lịch sinh thái, du lịch làng nghề ở nhiều địa phương.
 
Anh Trần Văn Thắng, chủ một cơ sở sản xuất, chế biến chè ở xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương chia sẻ: Từ ngày đặc sản chè Tân Cương được địa phương quan tâm phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nên được nhiều người biết đến.
 
Quan trọng hơn, bên cạnh việc kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở xã miền núi Tân Cương cũng được cải thiện rõ rệt. Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND xã Tân Cương Nguyễn Ngọc Tân khi cho chúng tôi biết: Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt gần 30 triệu đồng/năm; toàn xã có gần 1.500 hộ dân thì chỉ còn 32 hộ nghèo, chiếm 2,2%. Hiện Tân Cương đã xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả, trong đó ngoài đặc sản chè Tân Cương được cả nước biết đến, còn có vùng cây ăn quả ở xóm Soi Vàng, Nam Thái; chăn nuôi tập trung ở Lam Sơn; trồng cây màu các loại ở xóm Y Na 1, Y Na 2, ngoài ra còn phát triển trồng rừng ở Tân Thái...
 
Nhờ tổ chức lại sản xuất, đến nay Tân Cương không chỉ xóa hoàn toàn nhà tạm bợ, dột nát, mà còn là một trong những xã miền núi đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
 
Bài và ảnh: Huệ Linh, Phương Cường (Báo Nhân Dân)