Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội: Nâng cao giá trị nông sản

Trong thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực, đạt hiệu quả cao. Bên cạnh tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản, là cơ sở để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Với nhiều thế mạnh riêng có, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển các mô hình này để nâng cao thu nhập cho nông dân.

 

Rau hữu cơ trồng tại xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Thái Hiền

Hiệu quả kinh tế cao

Mô hình trồng rau hữu cơ của vợ chồng anh Nguyễn Đăng Quý và chị Đặng Thị Cuối ở xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) dù mới hoạt động được hơn một năm, nhưng đã trở thành mô hình điểm về ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Dẫn chúng tôi thăm khu nhà lưới rộng 4.000 mét vuông với những luống rau xanh, chị Cuối phấn khởi cho biết, tất cả các thiết bị trong nhà lưới và giống rau, củ, quả đều được nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc). Rau được trồng toàn bộ trong nhà màng, có hệ thống phun tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước... 

Theo chị Cuối, nhờ áp dụng công nghệ, rau đạt chất lượng, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Mỗi ngày gia đình chị thu hoạch từ 2 đến 4 tấn rau xanh (giá bán rau dao động từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg). Vào vụ cao điểm, doanh thu lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi ngày. Hiện, giá trị thu nhập bình quân của mô hình này đạt gần 6,6 tỷ đồng/ha/năm. "Rau của gia đình tôi trồng theo mùa, với nhiều giống mới, như su hào hoa, bắp cải tí hon... Trên bao gói sản phẩm có đầy đủ các thông tin cần thiết để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu", chị Cuối chia sẻ.

Một trong những mô hình được đánh giá cao và có ưu thế vượt trội khác là mô hình trồng măng tây ở xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên). Cây măng tây ở đây được trồng trong nhà kính, nhà lưới, có hệ thống tưới phun sương, tưới nhỏ giọt... Ông Trần Công Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết, được sự giúp đỡ kỹ thuật của các chuyên gia Hà Lan, đến nay, 5ha trồng măng tây ứng dụng công nghệ cao của huyện đang cho thu hoạch 20 tấn/ha, bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm. Với giá bán trên thị trường hiện khoảng 150.000 đồng/kg, đây sẽ là sản phẩm nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân huyện Phú Xuyên.

Thực tế cho thấy, từ chỗ Hà Nội chỉ có chưa đến 10 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và việc ứng dụng công nghệ mới chỉ ở một số khâu, thì trong 5 năm trở lại đây, lĩnh vực này đã có sự phát triển mạnh mẽ. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 123 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, cho giá trị gia tăng lớn. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt chiếm 18%, chăn nuôi 34%, thủy sản 13%, tập trung tại các huyện: Mê Linh (18 mô hình), Gia Lâm (17 mô hình), Thường Tín (14 mô hình), Thanh Oai (9 mô hình), Phúc Thọ (8 mô hình), Đông Anh (8 mô hình), Đan Phượng (8 mô hình)... 

Trở thành trung tâm ứng dụng công nghệ cao
 

 

Chăm sóc rau thủy canh tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (huyện Thanh Trì). Ảnh: Thái Hiền

Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, những năm trước, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố mới chỉ tập trung một phần trong chăn nuôi, chủ yếu là xây dựng chuồng trại khép kín, có hệ thống điều hòa nhiệt độ. Sau khi có chủ trương của thành phố, đặc biệt là chính sách hỗ trợ, kêu gọi đầu tư ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã có sự phát triển mạnh mẽ trên tất cả các mặt. 

Lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết, trong lĩnh vực trồng trọt, nếu trước đây, mô hình nhà màng, nhà kính, nhà lưới… trồng rau công nghệ cao rất ít, quy mô nhỏ, thì nay ở hầu hết các huyện đều có mô hình điểm, đem lại giá trị cao, bảo đảm chất lượng xuất khẩu. Hiện, trong lĩnh vực trồng trọt, Hà Nội có 119ha nhà lưới trồng rau, 15ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, nông dân đã ứng dụng thêm nhiều công nghệ mới như công nghệ vi sinh, bảo đảm chăn nuôi an toàn dịch bệnh, không ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, trong khâu giống đã có sự đột phá với 100% giống bò sữa, 61% giống bò thịt, 79% giống lợn đã áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Hà Nội có mô hình cho ăn tự động, kiểm tra môi trường, nhiệt độ… được tích hợp trên điện thoại di động thông minh để giám sát và điều khiển từ xa... 

Cũng theo ông Chu Phú Mỹ, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố thời gian qua đều phát huy hiệu quả. Nông sản làm ra tới đâu tiêu thụ hết tới đó, nhờ chất lượng sản phẩm cao, mẫu mã đẹp, đồng đều. Dù giá thành cao hơn các sản phẩm sản xuất đại trà từ 20 đến 30% nhưng vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tập trung xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển thêm nhiều mô hình mới và hướng tới xuất khẩu nông sản công nghệ cao, tập trung vào lĩnh vực chăn nuôi và cây ăn quả. Bởi hiện 100% mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, song một số sản phẩm như hoa quả, rau, nấm... số lượng còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại chỗ.

Không chỉ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong các mô hình sản xuất nông nghiệp, Hà Nội còn tập trung triển khai rộng rãi quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… góp phần tăng hiệu quả sản xuất từ 15 đến 20%. Để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, TP Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách, như: Tổ chức kết nối doanh nghiệp - ngân hàng; đưa nông dân, doanh nghiệp tham quan, học tập mô hình sản xuất tiên tiến trong và ngoài nước; kêu gọi, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài có thế mạnh về nông nghiệp công nghệ cao vào Hà Nội...

"Đặc biệt, với thế mạnh là thị trường có nhu cầu lớn về sản phẩm trung và cao cấp, cùng nguồn lực khoa học, công nghệ tốt, Hà Nội có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển trở thành trung tâm ứng dụng khoa học và công nghệ hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp, từ đó có nhiều hơn nữa những mô hình cho giá trị gia tăng cao, đáp ứng tiêu chuẩn để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản", ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.
 
 
 
Vì một nền nông nghiệp bền vững
(HNM) - Phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là xu thế tất yếu, nhằm gia tăng giá trị, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Hà Nội là đô thị lớn, thị trường nhiều tiềm năng, việc này càng quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết.  
 
Theo Thanh Bạch/hanoimoi.com.vn