Ứng dụng khoa học công nghệ: Hướng đi cho các hợp tác xã

Cạnh tranh thị trường ngày một lớn đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp của các hợp tác xã (HTX) phải được nâng cao cả về năng suất lẫn chất lượng. Trong bối cảnh đó, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đang được xem là một hướng đi.
Thay đổi nhận thức sản xuất 
Khoảng 3 năm trở lại đây HTX Bưởi Hữu Văn (huyện Chương Mỹ) bắt đầu vào sử dụng phân bón vi sinh và công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong canh tác bưởi. Phương thức canh tác mới đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm bưởi.
Giám đốc HTX Bưởi Hữu Văn Hoàng Văn Định cho biết, trước đây, khi sử dụng nhiều phân hóa học, mỗi cây bưởi chỉ cho khoảng 120 quả. Với phương thức canh tác hữu cơ, năng suất bưởi hiện đạt tới 200 quả/cây. Bên cạnh đó, phương thức canh tác hữu cơ kết hợp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi sinh và đặc biệt là mang tới sản phẩm an toàn cho sức khỏe cộng đồng. Nhờ đó, giá bưởi bán ra thị trường cũng cao gấp hơn 2 lần.
“Thời gian tới, các sở ngành, các địa phương cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các hợp tác xã xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh các mô hình hợp tác xã liên kết, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 461...”.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng
Đến nay, HTX Bưởi Hữu Văn có 50 hộ tham gia với khoảng 20.000 gốc bưởi. Nhờ nghề trồng bưởi áp dụng công nghệ, thu nhập của xã viên HTX hiện đạt trên 70 triệu đồng/năm, có hộ thu về trên 400 triệu đồng/năm (tùy vào diện tích canh tác), cao gấp 3 - 4 lần phương thức canh tác bưởi truyên thống. Ông Định cho biết, khi tham gia HTX, các thành viên còn được hỗ trợ bao tiêu. Điều này giúp các thành viên phần nào yên tâm sản xuất. Cũng theo ông Định, để tiếp tục nâng cao giá trị của cây bưởi, đơn vị đang tranh thủ sự hỗ trợ của Liên minh HTX TP Hà Nội thực hiện đăng ký truy xuất nguồn gốc và cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây sẽ là điều kiện để sản phẩm của HTX từng bước chiếm lĩnh thị trường. 
Thành công của HTX Bưởi Hữu Văn đã cho thấy hiệu quả tích cực của ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Điều đáng mừng, thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, đây chỉ là một trong tổng số 47 mô hình do các HTX triển khai có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đang phát huy hiệu quả kinh tế tích cực. Điều này cho thấy, các HTX đang ngày càng nhận thức sâu sắc được ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
 
Tháo gỡ bài toán vốn
Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ tuy quy mô còn nhỏ, nhưng đang đóng góp tới gần 25% tổng giá trị ngành hàng nông nghiệp. Kết quả trên có đóng góp rất lớn từ sự tham gia của các HTX. Dù vậy, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tại các HTX vẫn còn nhiều thách thức, trong đó, rào cản về vốn là nan giải nhất. 
Trong những năm qua, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX TP Hà Nội vẫn thực hiện có hiệu quả việc cho vay phát triển sản xuất đối với các HTX. Hiện, điều kiện cho vay cũng có phần thông thoáng hơn. Cụ thể, các tổ hợp tác, HTX có thể vay tối đa tới 500 triệu đồng để phát triển mô hình sản xuất, với mức lãi suất 6,3% trong thời hạn tối đa là 5 năm (thấp hơn khá nhiều so với mức lãi suất theo quy định của các ngân hàng thương mại hiện nay). Bên cạnh được hỗ trợ tối đa các thủ tục vay, thời gian giải ngân cho vay đối với các HTX cũng được rút ngắn chỉ còn từ 1 - 2 ngày.
Để các HTX có được những điều kiện cần thiết, nâng cao năng lực tiếp cận các nguồn vốn vay, kiến nghị Liên minh HTX TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ các HTX trong kiện toàn tổ chức cán bộ, đào tạo kỹ năng quản trị, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, TP tiếp tục quan tâm, bố trí kinh phí thường xuyên cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX TP Hà Nội để thực hiện cho vay hỗ trợ các HTX đầu tư phát triển các dự án nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao.
 Theo Trọng Tùng/baokinhtedothi.vn