VAC Thái Nguyên chặng đường 25 năm
- Chủ nhật - 17/01/2016 22:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chăn nuôi lợn theo hướng dẫn của HLV tại xã Quy Kỳ (Định Hóa).
Khởi đầu thuận lợi
Ra đời muộn hơn các đơn vị bạn và buổi sơ khai HLV Thái Nguyên chưa có Nghị quyết Đại hội, chỉ là thời kỳ lâm thời: 1/1990 - 3/1991. Lúc đó, cán bộ Hội chỉ có vài đồng chí được cử từ Văn phòng Sở Nông nghiệp tỉnh Bắc Thái (cũ) sang làm chuyên trách, Ban chấp hành lâm thời có 13 đồng chí. Phải đến tháng 5/1991, Hội mới tiến hành Đại hội chính thức với trên 100 đại biểu từ các cơ sở của Hội cử lên. Thời kỳ này, HLV Thái Nguyên chủ yếu làm công tác củng cố tổ chức, phát triển hội viên và triển khai mô hình VAC dinh dưỡng.
Nếu như giai đoạn lâm thời mới có 100 cán bộ, trên 2.000 hội viên thì giai đoạn 2 (1/4/1991 - 12/1996), số hội viên của Hội đã tăng lên 12.950 người, với 421 chi Hội và 154 xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội; quỹ Hội lúc này là 485.900.000 đồng
Công việc nổi bật thời gian này là xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh. Chú trọng công tác vận động, khai thác dự án nước ngoài và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phát huy thế mạnh của mô hình kinh tế VAC; giúp hội viên xóa đói, giảm nghèo, từng bước làm giàu. Kết quả là, từ năm 1991 - 1996, Hội đã vận động được trên 10 dự án của các tổ chức quốc tế, như: Cisde, Danida, Tetraoriens… Theo đó, các tổ chức Cisde và Danida kết hợp với Hội tiến hành hội thi hoa quả và chọn giống; hướng dẫn nuôi cá ruộng, nuôi ong mật, chế biến hoa quả ở các xã đặc biệt khó khăn. Tetraoriens có dự án “Làm VAC và chè sạch ở xã Tức Tranh”. Tổng số tiền hỗ trợ của các dự án nói trên lên tới 10 tỷ đồng, giúp Hội chuyển giao khá nhiều tiến bộ kỹ thuật xuống tận người dân, nhất là trong việc đưa cây, con giống mới vào sản xuất; công nghệ chế biến, phương pháp canh tác hiện đại. Từ đó đẩy mạnh phát triển hội viên, củng cố tổ chức Hội, vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, số hội viên đã tăng 10.065 người.
Đặc biệt, thông qua dự án, hàng ngàn lớp học, hàng chục ngàn lượt người được tập huấn về nuôi ong, nuôi cá; trồng và chế biến chè; trồng cây ăn quả, chế biến hoa quả; phương pháp canh tác trên đất dốc... Chỉ sau một thời gian ngắn, Thái Nguyên đã có gần 1.000 mô hình nuôi cá ruộng; trên 500 mô hình nuôi ong mật; 300 mô hình chế biến hoa quả; trên 6.000 mô hình VAC dinh dưỡng. Đưa sản phẩm VAC trên địa bàn Bắc Thái hàng năm tăng gần 50 tấn cá, hàng chục tấn mật ong; gà, vịt, lợn; hàng trăm tấn hoa quả. Riêng rau dinh dưỡng tăng trên 1.000 tấn.
Nhờ công tác cải tạo vườn tạp, các dự án phát triển mạnh nên Hội đã có nhiều dịch vụ tốt như: cung cấp hàng chục ngàn dụng cụ VAC (kéo cắt cành, dao ghép, thùng quay mật ong); các loại cây - con giống: ong, cá, gà, lợn, vải, nhãn, táo, chanh, xoài,...; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Chỉ tính riêng gà giống, giai đoạn này Hội đã cung cấp trên 100.000 con cùng với trên 1.000 thùng ong đủ tiêu chuẩn, trên 7 triệu con cá giống; hàng chục vạn cây rau ngót, đu đủ; hàng chục tấn hạt đậu, đỗ... Mặt khác, Hội còn giúp hội viên tiêu thụ mật ong.
Kinh tế phát triển, tích lũy được vốn nên Hội đã trình tỉnh cho phép xây dựng mô hình VAC tình nghĩa đến các huyện Hội. Ngay sau khi triển khai, đã có 130 mô hình ra đời. Tính đến tháng 12/1996, từ nhiều nguồn vốn khác nhau các cấp Hội đã xây dựng được 480 mô hình VAC tình nghĩa. Điển hình là các huyện: Đồng Hỷ, Đại Từ, Phổ Yên, Phú Bình, TP.Thái Nguyên... Nhiều mô hình cho thu nhập từ 1,5 - 3 triệu đồng/năm. Ghi nhận đây là phong trào có ý nghĩa thiết thực, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nhân rộng ra toàn quốc.
Ngoài ra, Hội còn tham gia trồng và chăm sóc rừng, giúp công tác Hội ngày càng thiết thực, phong phú, hội viên phấn khởi tham gia tổ chức Hội ngày càng đông. Bà con mải mê công việc, tệ cờ bạc, ma túy giảm dần, tình làng nghĩa xóm thắt chặt. Giai đoạn này Hội được tỉnh UBND Bắc Thái 2 lần tặng Bằng khen, Trung ương HLV Việt Nam tặng 3 Bằng Khen; Chính phủ tặng 1 Bằng khen.
Vượt qua khó khăn
Có thể nói, giai đoạn 3 (1/1997 - 12/2010) là thời kỳ đầy khó khăn, bươn chải của Hội. Theo Nghị quyết Quốc hội khóa IX, tháng 12/1996, Bắc Thái tách thành 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Tháng 1/1997, Hội đã có tên như ngày nay, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy của Hội vẫn giữ như cũ.
Sau tách tỉnh, tổng số hội viên là 29.543 người, tăng 16.593 người so với giai đoạn trước. Cả 9/9 huyện, thành thị có tổ chức Hội với 991 chi hội và 165 HLV cấp xã (tăng 11 xã, 570 chi Hội).
Công việc của Hội lúc này khá bận rộn, bên cạnh các dự án cũ đang thực hiện, Hội đã vận động Cisde tiếp tục hỗ trợ dự án nuôi cá ruộng, nuôi ong tại 20 xã đặc biệt khó khăn ở các huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hóa... với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2001 - 2002. Ngoài ra, còn có chương trình khuyến viên, khuyến ngư; hỗ trợ hội viên xây hầm biogas VACVINA cải tiến với sự giúp đỡ của Trung ương HLV Việt Nam, đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế và môi trường, với tổng trị giá gần 500 triệu đồng.
Đặc biệt, Hội còn chú trọng dạy nghề cho lao động nông thôn. Theo đó, từ năm 2005 - 2010 đã tổ chức được 24 lớp (733 học viên); trong đó, có 6 lớp trung cấp nghề (180 người). Học viên ra trường được cấp bằng và phát huy tốt các kiến thức đã học. Trung tâm VACVINA tham gia huấn luyện và chuyển giao kỹ thuật cho hàng trăm lớp học với hàng chục ngàn học viên các chương trình khuyến ngư, khuyến viên; nuôi ong, nuôi cá ruộng, trồng cây ăn quả, rau sạch trên địa bàn toàn tỉnh. Mặt khác, Trung tâm còn được tổ chức CORD mời tham gia huấn luyện nuôi ong và xây dựng mô hình cho huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang).
Như vậy, giai đoạn 1997- 2010, mặc dù mới tách ra sinh hoạt độc lập nhưng với sự giúp đỡ của các cấp, ngành, nỗ lực của HLV Thái Nguyên, công tác vận động dự án, chuyển giao kỹ thuật vẫn đạt kết quả khả quan. Mặt khác, Hội còn làm tốt công tác tín chấp vay vốn, vật tư cho hội viên và nông dân. Phong trào tặng VAC tình nghĩa vẫn được giữ vững, tính đến cuối năm 2010, Hội đã tặng trên 1.100 mô hình VAC tình nghĩa cho hội viên nghèo (tăng 615 mô hình so giai đoạn trước). Đặc biệt, có nhiều mô hình VAC tình nghĩa cho thu nhập trên 10 triệu đồng/năm như ở Đồng Hỷ, TP. Thái Nguyên...
Khẳng định mình
Từ năm 2011 đến nay là thời kỳ HLV Thái Nguyên bám sát nhu cầu thực tế của hội viên và định hướng kinh tế - xã hội của tỉnh. Với sự năng động và sáng tạo nhất, Hội luôn chủ động xây dựng các mô hình điểm, những cách làm ăn mới có hiệu quả: trồng bưởi Diễn theo hướng VietGAP tại 2 xã Tràng Xá, Dân Tiến (10ha), đến nay mô hình đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm; nuôi ong mật hàng hóa ở Động Đạt (Phú Lương); chuối tiêu hồng cấy mô ở Phượng Tiến (Định Hóa) với tổng số tiền 200 triệu đồng/4ha; trồng thử nghiệm giống na ruột đỏ (Võ Nhai); bưởi da xanh, dâu Đài Loan (TP.Thái Nguyên).
Ngoài ra, Hội còn có mô hình ứng dụng khoa học công nghệ ở Phú Bình, thị xã Phổ Yên, TP. Sông Công; mô hình bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nuôi gà thả vườn đã giúp hội viên thoát nghèo bền vững. Xuất hiện nhiều hội viên sản xuất giỏi: Vũ Ngọc Nhân (Phú Bình) trồng cây ăn quả trên 3.000m2 vườn cho thu hoạch cao; Bạch Đình Thoại (Phú Lương) thu nhập bình quân 176 triệu đồng/năm từ trang trại nuôi rắn.
Mô hình VAC tình nghĩa được duy trì. Năm 2013, Hội xây dựng được 2 mô hình ở 2 huyện Đồng Hỷ và Phổ Yên; giúp đỡ về giống, vốn, vật tư cho 21 vườn - VAC tình nghĩa. Năm 2014, HLV huyện Võ Nhai xây dựng và tu bổ được 3 vườn - VAC tình nghĩa; Phú Lương 17 vườn; TP.Thái Nguyên 4 vườn, giúp hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Phát huy truyền thống, kinh nghiệm các giai đoạn trước, Hội tiếp tục tín chấp vay vốn ngân hàng cho hội viên phát triển kinh tế hàng trăm tỷ đồng, tín chấp vật tư phân bón lên đến 6.596 tấn.
Điều đáng ghi nhận là, thời kỳ này, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn ngày càng thiết thực, gắn nghề với việc. Theo đó, Trung tâm Dạy nghề VACVINA đã mở các lớp dạy nghề trung cấp và sơ cấp, đồng thời tạo việc làm cho trên 80% hội viên. Lao động sau khi học nghề đã biết sử dụng kiến thức cơ bản vào việc chăm sóc, phòng và trị bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản. Nhiều hộ sau khi có kỹ thuật đã mạnh dạn tăng quy mô sản xuất - kinh doanh 5-10 lần; thu nhập hàng năm tăng 3 - 5 lần. Hội còn nhanh nhẹn lồng ghép vào các lớp học để tuyên truyền Điều lệ Hội và phát động các phong trào thi đua. Đã tổ chức được 871 buổi/ 64.994 lượt hội viên tham dự.
Ngoài ra, Hội còn hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới. Theo đó, các hội viên đã hiến 22.000m2 đất; đóng góp 5,98 tỉ đồng để sửa chữa và làm mới đường bê-tông; sửa chữa và làm mới 3.047km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; nạo vét58.345km kênh mương; làm mới 11km hệ thống điện chiếu sáng; đóng góp trên 16.877 ngày công lao động.
Trao đổi với chúng tôi, bà Đào Thị Dung, Chủ tịch HLV Thái Nguyên, cho biết: “ Hiện, tổng số hội viên của Hội là 30.682 người, tăng 1.139 hội viên so với giai đoạn trước, 9/9 huyện, thành phố, thị xã có tổ chức Hội. Tổng số chi Hội là 1.705, tổng số quỹ Hội là 1.259.885.000 đồng. Nhờ những thành tích nổi bật trên, năm 2011, HLV Thái Nguyên được Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc; năm 2012, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2013/2014 được Trung ương Hội tặng Bằng khen; năm 2015 được UBND tỉnh Thái Nguyên tặng Bằng khen”.
Dương An Như
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn