VAC xứ Kinh Bắc

VAC xứ Kinh Bắc
Bắc Ninh được biết đến là địa phương năng động, sáng tạo trên nhiều lĩnh vực. Phong trào phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại do Hội Làm vườn (HLV) Bắc Ninh tổ chức, hướng dẫn cũng có bước tiến mới, góp phần tích cực trong phát triển nền nông nghiệp an toàn và xây dựng nông thôn mới.
 
Mô hình chăn nuôi gà ở HTX Cường Thịnh (Đông Thọ-Yên Phong).

Chú trọng thâm canh 

Sau 25 năm xây dựng và phát triển, hiện các mô hình VAC và các trang trại ở Bắc Ninh đang đi vào chiều sâu, thay đổi thói quen, tập quán canh tác cũ; xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung; đặc biệt là có nhiều chương trình cải tạo vườn tạp, ao hoang, chuồng cũ, lò gạch thủ công thành trang trại cho thu bạc tỷ. Tiêu biểu trong phong trào này là các địa phương: Thị xã Từ Sơn và các huyện Gia Bình, Lương Tài, Yên Phong, Quế Võ.

Một điển hình trong hoạt động Hội và phát triển các mô hình kinh tế là HLV Đình Bảng (Từ Sơn). Thời gian qua, Hội đã mạnh dạn đầu tư vốn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi được 139 mô hình trang trại VAC tổng hợp cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập bình quân từ 80 - 200 triệu đồng/trang trại/năm; cá biệt có trang trại đạt 615,8 triệu đồng/năm.

Gần đây nhất, gia đình ông Nguyễn Văn Đẩu ở phường Đồng Nguyên (Từ Sơn) với mô hình chăn nuôi lợn công nghiệp đạt doanh thu 80 tỷ đồng/năm (năm 2013). Ông Đẩu cho biết, từ trang trại nhỏ gây dựng năm 2003, nhờ sự giúp đỡ của HLV tỉnh, ông đã thành lập Xí nghiệp chăn nuôi Bắc Đẩu, mạnh dạn thuê thêm mặt bằng, vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng trang trại nuôi lợn quy mô lớn. Mới đây, ông đã nhập khẩu hệ thống dây chuyền cho ăn tự động hiện đại. Hiện, trang trại của ông đang có 900 lợn nái ngoại, 30 lợn đực và 4.000 lợn thịt thương phẩm.

Ông Đào Viết Xuê (Quế Võ) nhận khoán 6ha đất sản xuất, trong đó có 4ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, phần còn lại xây chuồng trại nuôi 400 con lợn thịt, 80 lợn nái; trồng 100 cây gỗ sưa, hàng ngàn cây lấy gỗ và cây ăn quả, mỗi năm có thu nhập 6-7 tỷ đồng.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh còn nhiều mô hình trang trại thu bạc tỷ như trang trại của ông Phạm Văn Tùng ở Gia Bình, ông Đặng Công Đống ở thành phố Bắc Ninh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Vững, Phó chủ tịch Thường trực Hội Làm vườn tỉnh Bắc Ninh, cho biết: “Để phát triển VAC đi vào chiều sâu, HLV tỉnh đã tích cực tổ chức tập huấn, tham quan mô hình, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Chỉ tính riêng trong năm 2014, Hội đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức được 150 buổi tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ môi trường cho 15.000 lượt hội viên, chủ trang trai, gia trại; xây dựng và duy trì 17 mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở 8/8 huyện, thị xã, thành phố. Liên tục từ năm 2010 đến nay, mỗi năm tổ chức 10 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 300 hội viên và chủ trang trại, gia trại”.

Toàn tỉnh làm VAC

Đến nay, tổ chức HLV đã có ở 8/8 huyện, thành phố, thị xã với 124/126 xã, phường, thị trấn của tỉnh Bắc Ninh­, thu hút 16.083 hội viên, trong đó có 2.100 hội viên là chủ trang trại (bình quân mỗi năm kết nạp được 1.000 hội viên)

Được biết, kinh tế trang trại và gia trại ở Bắc Ninh được hình thành và phát triển từ năm 1990, đến nay đã có 3.000 mô hình VAC tổng hợp, trong đó có 2.855 gia trại, 145 trang trại; 25,5% trang trại sản xuất và kinh doanh tổng hợp; 54,5% trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; 12,4% trang trại nuôi trồng thủy sản và 7,6% trang trại trồng trọt. Hàng năm thu hút  10.864 lao động thường xuyên và gần 30.000 lao động thời vụ, với thu nhập bình quân 1,5-4 triệu đồng/người/tháng. Để các trang trại có tiếng nói chung, năm 2006, tỉnh đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) trang trại Bắc Ninh, thu hút 120 chủ trang trại tham gia. Tiếp theo đó là các huyện, thành phố, thị xã đều thành lập CLB trang trại, hiện đã có trên 1.000 hội viên. Các thành viên CLB đều đảm nhận trách nhiệm thực hiện mô hình sản xuất theo chương trình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tham gia chương trình khuyến nông và xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, khi có Luật HTX sửa đổi, rồi Luật HTX mới ra đời, Bắc Ninh đã chỉ đạo các CLB trang trại giúp đỡ hội viên xây dựng điều lệ HTX, phương án sản xuất kinh doanh và các thủ tục cần thiết để thành lập HTX. Nhờ vậy, đến năm 2010 đã thành lập được 20 HTX, tạo việc làm cho 600 lao động có thu nhập từ 2-4 triệu đồng/người/tháng. Chỉ 2 năm sau khi có Luật HTX mới ra đời, năm 2014, Bắc Ninh đã thành lập được 10 HTX sản xuất VAC kiểu mới thu lãi hàng tỷ đồng. Mặt khác, Hội còn thành lập CLB doanh nhân nông nghiệp, hiện  thu hút được 120 hội viên là chủ các công ty cổ phần tham gia. 

Ông Bùi Sỹ Tiếu, Phó chủ tịch Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam, đánh giá: “Cần phải học tập Bắc Ninh về công tác tổ chức và phát triển Hội. Các trang trại của Bắc Ninh cũng phong phú, đa dạng về loại hình và cho hiệu quả kinh tế cao. Điều đáng ghi nhận là nếu như các HTX kiểu cũ chỉ làm đủ ăn hoặc thua lỗ thì Bắc Ninh đã có 30 HTX kiểu mới, làm ăn hiệu quả. Đây là bài học kinh nghiệm quý để các địa phương học tập”.       
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn