Về quê xem vườn của những triệu phú

Về quê xem vườn của những triệu phú
Những vườn rau thủy canh xanh mướt, những vuông tôm báo hiệu mùa bội thu, hay những trang trại dưa lưới sai trĩu quả… đem về doanh thu hàng tỉ đồng mỗi năm cho nông dân TP.HCM. Xưa, ít ai nghĩ rằng, người dân nông thôn vẫn có thể giàu lên trên chính mảnh đất quê nhà.

Những mô hình kinh tế trang trại đang giúp nong dân TP.HCM làm giàu

Quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), mà nói cụ thể hơn, là quá trình xây dựng đời sống giàu lên cho người dân nông thôn, đã góp phần thay đổi diện mạo vùng ngoại ô TP.HCM.

Người “nhà quê” cũng thu tiền tỉ

Một ngày cuối tuần giữa năm, chúng tôi đến thăm mô hình trồng rau thủy canh của anh Trần Phúc Hậu (ấp 6, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP.HCM). Nắng trời chói chang nhưng chỉ vừa bước vào khu trang trại, chúng tôi đã có cảm giác mát lạnh lan tỏa bởi màu xanh non mướt mắt của những luống rau đang phát triển tốt tươi.

 Theo kết quả điều tra thu nhập hộ gia đình tại 56 xã NTM công bố tháng 6 năm 2015 bởi Cục Thống kê và Sở NN&PTNT TP.HCM, thu nhập bình quân khu vực nông thôn Thành phố đạt 39,72 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, dù chưa có điều tra cập nhật mới về thu nhập tại 56 xã xây dựng NTM, căn cứ kết quả đạt tiêu chí thu nhập của các xã, tạm tính thu nhập bình quân đạt mức 41,477 triệu đồng/người/năm.

Anh Hậu chia sẻ, hệ thống trồng rau thủy canh NFT của gia đình anh được đầu tư từ năm 2015, đến nay, các khâu trong suốt quy trình sản xuất đã đi vào nề nếp ổn định. Quy mô diện tích hiện đạt gần 3.000m2 trồng rau xà lách và một số loại rau ăn lá khác, sản xuất 15 vụ/năm, sản lượng tiêu thụ đạt bình quân 50kg/ngày; giá bán trung bình 60.000 đồng/kg.

Rau của anh Hậu tiêu thụ chủ yếu tại các khách sạn 5 sao, các cửa hàng thực phẩm ở những khu dân cư cao cấp. Cũng nhờ đó, trang trại mang lại cho gia đình doanh thu bình quân 1,1 tỉ đồng mỗi năm.

Hiện tại, anh Hậu đang mở rộng thêm 1.000 m2 đất sản xuất dưa lưới thủy canh. Anh Hậu cũng là thành viên của Công ty Mekong Farm, hợp tác phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao tại huyện Bình Chánh. Phía Mekong Farm chuyển giao mô hình, kỹ thuật trồng trọt, cung cấp vật tư cây giống và hướng dẫn người dân sản xuất…

Rời nhà anh Hậu, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi tôm hữu cơ của ông Nguyễn Mạnh Hùng (ở ấp Doi Lầu, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ). Hệ thống được đầu tư sản xuất từ năm 2015, với quy mô sản xuất hiện nay đạt 5ha.

Trong căn chòi canh cạnh vuông tôm, ông Hùng vừa rót trà vừa chia sẻ: Nếu như trước kia, cũng vì ham sản lượng mà nuôi tôm bằng nhiều loại kháng sinh, thuốc thú y thủy sản… Thì nay không ngờ rằng, khi chuyển từ nuôi tôm truyền thống sang tôm hữu cơ, sản lượng tôm của mô hình đạt bình quân 15 tấn/năm, việc nuôi tôm cũng an nhàn hơn, thỏa mái hơn.

“Nuôi tôm hữu cơ, tới lứa là các công ty như CP, Co.opmart với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đặt hàng mua ngay. Hiện tại, doanh thu của gia đình khoảng 2 tỉ đồng/năm, trừ các chi phí, lợi nhuận còn lại trên 500 triệu đồng/năm”, ông Hùng vui vẻ nói.

Thêm nhiều “triệu phú” làm vườn

Không chỉ ông Hùng, mô hình nuôi tôm hữu cơ đang được Ngành nông nghiệp huyện Cần Giờ định hướng sẽ mở rộng cho thêm nhiều hộ nữa. Đây cũng là sản phẩm nông nghiệp chính của địa phương nên cũng được nhiều “ưu tiên”.

Trang trại nuôi tôm hữu cơ của ông Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Giờ, TP.HCM) mang lại doanh thu trên 2 tỉ đồng/năm.

Ông Lê Minh Dũng – Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết: Hiện có 5 hộ áp dụng quy trình nuôi tôm thẻ hữu cơ trên diện tích hơn 9,5ha tại các xã Bình Khánh, An Thới Đông và xã Lý Nhơn. Đây là mô hình nuôi có hiệu quả, chi phí thấp, tôm nuôi đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, ít ô nhiễm môi trường.

So với mô hình nuôi công nghiệp thông thường, nuôi tôm hữu cơ có giá thành thấp hơn 20%, không sử dụng hóa chất, kháng sinh, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tỷ lệ thành công cao qua nhiều vụ nuôi, mang lại lợi nhuận trung bình 43,51 triệu đồng/ha. Mô hình nuôi hiệu quả đã giúp các hộ dân nâng cao thu nhập, nâng chất lượng sống của gia đình. Việc nhân rộng mô hình nuôi tôm hữu cơ là phù hợp với định hướng sản xuất nông nghiệp đô thị.

“Với phương châm phát huy xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các quận, các doanh nghiệp, nhân dân và trong cộng đồng để chung sức xây dựng NTM gắn liền với giảm nghèo bền vững, TP.HCM phấn đấu đến cuối năm 2019 có 56/56 xã đạt tiêu chuẩn xã NTM và đến năm 2020 có 5/5 huyện được Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn NTM giai đoạn nâng chất 2016 - 2020”.
Ông Lê Thanh Liêm – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM.

Cũng theo ông Dũng, ngoài nuôi tôm hữu cơ, một số mô hình sản xuất đã được nghiên cứu, thí điểm, trình diễn tại Cần Giờ trong thời gian qua như nuôi yến, nuôi cá dứa, nuôi cua thịt... tạo công ăn việc làm và đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Huyện cũng đã làm việc và thống nhất Sở NN&PTNT để giảm còn gần 700ha và chuyển gần 1.500ha đất sản xuất muối sang các mô hình khác, đồng thời, quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 với diện tích vùng nuôi được quy hoạch là 2.400 ha.

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm nay, Cần Giờ thực hiện nhiều giải pháp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn như thông tin tình hình diễn biến thời tiết để ngư dân chủ động trong hoạt động khai thác hải sản, trao 15 máy thông tin liên lạc VX-1700 cho 15 chủ phương tiện đánh bắt xa bờ, trao 2 máy sấy yến với công suất 5kg yến tươi cho 2 cơ sở sơ chế yến, tổ chức chạy thử nghiệm máy thu hoạch và làm sạch nghêu tại xã Long Hòa... Ngành nông nghiệp cũng hỗ trợ xây dựng logo, nhãn hiệu hàng hóa cho một số cơ sở trên địa bàn.

Qua rà soát theo bộ tiêu chí đặc thù vùng nông thôn TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020, đến nay, các xã của huyện Cần Giờ đã đạt bình quân 7 tiêu chí/xã, trong đó, cao nhất xã Lý Nhơn đạt 9 tiêu chí, thấp nhất xã Tam Thôn Hiệp đạt 5 tiêu chí.

Còn tại huyện Nhà Bè, ông Nguyễn Văn Lưu – Bí thư huyện Ủy, cũng cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn cả huyện đạt hơn 50,5 triệu đồng/người/năm, tăng khoảng 2,5 lần so với 3 năm trước đây và cao hơn mức bình quân chung của toàn thành phố.

Trong đó, Phước Kiển là xã có thu nhập bình quân đầu người cao nhất, đạt 63 triệu đồng/người/năm, tiếp đó là xã Phú Xuân với hơn 48,8 triệu đồng/người/năm, các xã còn lại như Long Thới, Phước Lộc, Nhơn Đức, Hiệp Phước đều có mức thu nhập bình quân đầu người đạt 48 triệu đồng/năm.

Ông Lê Thanh Liêm – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM nhận định, một trong các nguyên nhân chủ yếu góp phần tăng thu nhập cho người dân nông thôn là quan tâm sản xuất, gia tăng giá trị ngành nông nghiệp, huy động nguồn lực đầu tư trong nhân dân từ các chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị của thành phố.

Theo Thuận Hải/TTV.VN