Vệ sinh môi trường nông thôn tại Nà Nhái chuyển biến nhờ thay đổi nhận thức
- Thứ sáu - 08/09/2017 19:00
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Giờ đây, bà con thôn Nà Nhái đã ý thức được vấn đề vệ sinh môi trường nên đường làng ngõ xóm thường xuyên được dọn dẹp sạch sẽ.
Nhức nhối vấn đề môi trường nông thôn
Nà Nhái là thôn khó khăn của xã Vô Ngại, toàn thôn có 68 hộ với trên 300 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Dao. Trước đây, do trình độ nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế, cộng với tập quán sinh hoạt lạc hậu (do các hộ dân sống tập trung quần tụ giữa cánh đồng, nhà ở cũng làm liền kề nhau) trong khi ý thức về vệ sinh môi trường chưa được quan tâm nên rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi, nhà ở trên xả chất thải xuống nhà dưới, đường làng, ngõ xóm, nhà cửa đâu đâu cũng thấy rác thải…
Cùng với đó, bà con sống bằng nghề sản xuất nông - lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi, các gia đình đều nuôi trâu, bò, lợn gà, vì thiếu đất, nên người dân đã tận dụng những khoảnh đất trống cạnh nhà hoặc cạnh lối đi để làm chuồng nuôi nhốt. Thậm chí, có những hộ làm chuồng nuôi trâu, bò ngay trước cửa nhà và cạnh bếp ăn.
Với những thói quen, tập quán nói trên, vào những ngày mưa, vấn đề môi trường ở đây càng trở nên nghiêm trọng, phân gia súc tràn cả xuống lối đi, còn ngày nắng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Năm 2017, huyện Bình Liêu xác định việc xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh, giữ gìn vệ sinh môi trường trong cộng đồng dân cư gắn kết chặt chẽ với phong trào xây dựng thôn kiểu mẫu, xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Để tạo bước đột phá, thay đổi tư duy đã ăn sâu vào tiềm thức của cộng đồng dân cư, nhất là ở thôn bản vùng sâu vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, các ngành chức năng, đoàn thể, chính trị xã hội từ huyện đến cơ sở đã đến từng hộ dân ở những thôn, bản được đánh giá điểm nóng về môi trường để tuyên truyền trực tiếp, từ đó làm thay đổi nhận thức của bà con.
Thay đổi từ nhận thức
Với hình thức “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn người dân sắp xếp các đồ dùng trong nhà gọn gàng, ngăn nắp, đảm bảo vệ sinh, không vứt rác xuống lòng đường, vỉa hè; khơi thông kênh mương nội đồng, cống rãnh... sau một thời gian triển khai, nhận thức của đồng bào đã có những thay đổi, nhà bếp, nhà ở được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp hơn, không còn tình trạng xả rác bừa bãi ra môi trường.
Cán bộ phụ nữ xã Vô Ngại xuống tuyên truyền, hướng dẫn bà con gấp chăn màn sau khi ngủ dậy.
Chị Hoàng Thị Kíu, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Vô Ngại cho biết, Nà Nhái có 100% dân số là người dân tộc Dao, việc vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh còn nhiều hạn chế. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện ăn, ở hợp vệ sinh, dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, đều đặn tuần một lần tổ chức quét dọn vệ sinh môi trường.
“Từ đây, ý thức của bà con trong thôn đã có nhiều thay đổi như: gấp chăn màn khi ngủ dậy, sau mỗi bữa ăn rửa sạch bát đĩa và úp lên chạn, quét dọn vệ sinh nhà cửa, đường làng ngõ xóm… Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con duy trì và thực hiện tốt vệ sinh môi trường, ăn ở hợp vệ sinh, không xả rác ra môi trường, phấn đấu đưa Nà Nhái sớm trở thành điểm sáng trong công tác vệ sinh môi trường và trở thành điểm du lịch cộng đồng được du khách biết đến”, chị Kíu cho biết thêm.
Không giấu nổi niềm vui, bà Lỷ Tài Múi, người dân thôn Nà Nhái, chia sẻ: “Được các cấp, ngành quan tâm, tuyên truyền giờ đây đều đặn mỗi tuần một lần tôi và mọi người trong thôn cùng nhau quét dọn vệ sinh đường thôn để cho thôn của mình ngày càng sạch, đẹp hơn”.
Không chỉ ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh tại gia đình mà giờ đây việc giữ gìn vệ sinh công cộng cũng được đồng bào Dao Nà Nhái thường xuyên duy trì và thực hiện khá tốt. Định kỳ tuần một lần, bà con trong thôn tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, trong đó, lực lượng phụ nữ đóng vai trò chủ lực.
Bên cạnh đó, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang cũng có nhiều chuyển biến. Đối với việc tang, được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống đạo lý của dân tộc; thời gian tổ chức tang lễ đúng quy định, không để quá giờ quy định, không làm ảnh hưởng đến giao thông hoặc gây mất trật tự khu dân cư; các hủ tục trong việc tang đã giảm đáng kể.
Việc cưới cũng được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, đúng quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, tuân thủ các điều kiện nguyên tắc kết hôn; đơn giản hóa các thủ tục và tổ chức phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa của địa phương.
Từ những kết quả trên, vấn đề “Sạch nhà, sạch bếp, sạch làng” đã thấm sâu vào suy nghĩ và trở thành việc làm thường xuyên của đồng bào Dao thôn Nà Nhái, xã Vô Ngại, đây là tiền đề góp phần xây dựng thôn bản ngày càng xanh - sạch - đẹp, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu mà huyện đã đề ra.
Theo Hoàng Văn - La Lành/KTNT.vn