Viết đơn xin tham gia cánh đồng mẫu lớn

Viết đơn xin tham gia cánh đồng mẫu lớn
Ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu từng bước chuyển giao tiến bộ KH-KT cho nông dân nhằm hướng tới nền SX hiện đại theo mô hình CĐML, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà con hăng hái tham gia.

Theo Sở NN-PTNT Bạc Liêu, trong các năm qua, tuy đã triển khai nhiều mô hình điểm áp dụng TBKT cho hiệu quả cao, tuy nhiên, sau khi chuyển giao để nhân rộng, đa số nông dân áp dụng thực hiện với quy mô nhỏ lẻ, từng hộ, do thiếu sự liên kết nên chưa phát huy và kích thích áp dụng đồng bộ...

Do đó chi phí SX cao, khoảng cách chênh lệch năng suất giữa các hộ chưa rút ngắn, sản lượng thấp, chất lượng không đồng đều, nên chưa làm gia tăng được sản lượng trong toàn vùng. Do đó khó tạo thành một vùng SX rộng lớn, để tạo ra lượng hàng hóa lớn và đồng nhất.

Viết đơn xin tham gia

Do nhận thức được lợi ích kinh tế khi tham gia SX theo mô hình CĐML nên ngày càng có nhiều bà con nông dân trong tỉnh hăng hái tham gia. Điều đáng nói là người dân đã chủ động viết đơn gửi đến ngành chức năng xin tham gia vào mô hình này. Minh chứng là hàng trăm bà con nông dân ở xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi đã tự nguyện tham gia với diện tích lên đến gần 120 ha.

Ông Lưu Ngọc Thanh, Trưởng trạm BVTV huyện Vĩnh Lợi vui mừng cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại địa phương này có đến vài chục hộ làm đơn xin tham gia mô hình CĐML. Hiện tại, đơn vị bổ sung danh sách và diện tích đất tham gia mô hình đề nghị Sở NN-PTNT, UBND tỉnh xem xét”.

Theo ông Thanh, vừa qua ngành chức năng rất thuận lợi trong việc vận động nông dân liên kết, hình thành CĐML trên diện tích lớn, với sự tham gia của nhiều hộ, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, theo quy trình 1 phải 5 giảm; phòng trừ dịch hại tổng hợp theo IPM và thực hiện sổ tay ghi chép SX lúa.


Nông dân hăng hái tham gia CĐML

Mục đích lớn nhất mà CĐML mang lại là rút ngắn khoảng cách chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, các thửa ruộng, các vùng SX, nâng cao sản lượng bình quân trong toàn vùng. Tạo ra lượng hàng hóa có số lượng lớn, nâng cao chất lượng lúa gạo, an toàn, đồng nhất, nâng cao hiệu quả kinh tế, làm cơ sở để hoàn thiện vùng nguyên liệu lúa xuất khẩu.

Ngành nông nghiệp địa phương này cho biết, thực hiện kế hoạch xây dựng mô hình CĐML và hướng dẫn ghi chép sổ tay SX lúa theo hướng VietGAP giai đoạn 2013-2014, tỉnh đã đầu tư vốn ngân sách xây dựng các điểm trình diễn mô hình.

Cụ thể, vụ lúa thu đông năm 2013, tỉnh đầu tư trình diễn 2 mô hình CĐML ở xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi) và xã Phong Thạnh Đông A (huyện Giá Rai). Tổng diện tích hai CĐML gần 440 ha với hơn 300 hộ nông dân thực hiện.

Người dân ở xã Vĩnh Hưng cho biết, khi tham gia các lớp tập huấn, trình diễn ngoài việc họ được tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, còn được hỗ trợ lúa giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ đầu tư cơ giới hóa máy móc, thiết bị phục vụ SX, sau thu hoạch, đầu tư hệ thống ô đê bao khép kín, các trạm bơm nước phục vụ SX…Do đó người dân rất tích cực tham gia.

Phát triển rộng mô hình CĐML

Để nhân rộng mô hình này, ngay từ đầu vụ các thành viên trong Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành địa phương như; Phòng NN-PTNT các huyện, UBND các xã, ban lãnh đạo ấp, tiến hành họp dân để thực hiện công tác tuyên tuyền vận động nông dân, nêu mục đích, yêu cầu, nội dung và phương pháp thực hiện.

Đồng thời, lấy ý kiến đồng thuận, thống nhất về diện tích, số hộ. Mặc khác giúp nông dân tháo gỡ vương mắc trước khi tập huấn. Điều tra các hộ, ghi nhận thông tin về tình hình canh tác lúa năm 2012, tiến hành xây dựng và hoàn thiện quy trình canh tác lúa cho vụ ĐX 2012-2013, lập kế hoạch giao nhận, phân chia vật tư, chia tổ học tập, lên lịch thời gian tập huấn…

Tính đến thời điểm hiện tại, mô hình CĐML đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con nông dân. Dẫn chứng như trong vụ TĐ 2012 (trên giống Một bụi đỏ) ruộng mô hình cho chi phí bình quân 15.639.000 đ/ha (giảm 1.311.000 đ/ha, tương đương giảm 7,7%), năng suất bình quân 5,39 tấn/ha, tăng 0,140 tấn/ha (tăng 2,6%), giá thành bình quân 2.901 đồng/kg, giảm 328 đồng/kg (giảm 10,7%), lợi nhuận so với đầu tư bình quân 15.084.000 đồng/ha (đạt 96,4% so với đầu tư) và lợi nhuận tăng thêm 2.109.000 đồng/ha, (tăng 14,1%) so với ruộng đối chứng.

Theo kế hoạch, thời gian tới mô hình CĐML sẽ được triển khai xây dựng ở huyện Vĩnh Lợi, huyện Giá Rai. Trong năm 2013 và năm 2014 mỗi huyện tập huấn liên tục 3 vụ lúa. Diện tích cánh đồng là 439,73 ha (huyện Vĩnh Lợi 221,17 ha/điểm, huyện Giá Rai 218,56 ha/điểm). Số lớp tập huấn là 48 lớp (8 lớp/1điểm/vụ). Số nông dân dự kiến tham gia là 480 người (30 nông dân/lớp).

Song song đó, tỉnh Bạc Liêu cũng đã chỉ đạo tiếp tục đầu tư, hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng như bờ bao, cống, trạm bơm nước, lộ giao thông… nhằm phục vụ cho việc SX của nông dân ngày được thuận lợi nhiều hơn.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, sau khi trình diễn mô hình CĐML ở các huyện đạt hiệu quả, ngành chức năng sẽ nhân rộng mô hình và đưa vào SX đại trà. Phấn đấu đến năm 2015, mỗi huyện xây dựng một mô hình CĐML đạt chuẩn, tạo vùng nguyên liệu lớn để kêu gọi các DN hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Nguồn: nongnghiep.vn