Vĩnh Long - dấu ấn tái cơ cấu nông nghiệp

Vĩnh Long - dấu ấn tái cơ cấu nông nghiệp
Vượt qua khó khăn về dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, năm 2014, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long tiếp tục gặt hái thắng lợi trên nhiều lĩnh vực. Đáng ghi nhận, tái cơ cấu (TCC) nông nghiệp chỉ sau gần 1 năm thực hiện đã tạo chuyển biến rõ nét.

Hình thành vùng sản xuất tập trung

Đề án TCC nông nghiệp ban hành được xem là “bước ngoặt” quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện kế hoạch, các dự án, chương trình sản xuất nông nghiệp của Vĩnh Long. Theo đó, từng địa phương bắt tay triển khai đến các xã, phường, thị trấn. Theo đề án, sản xuất không còn dàn trải mà tập trung vào các sản phẩm chủ lực, có quy mô, chất lượng tốt và xây dựng thương hiệu. Đối với cây lúa, năm qua ngành nông nghiệp khuyến khích áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi được 1.700ha lúa sang cây trồng khác hiệu quả cao hơn; trên 80% diện tích sử dụng giống xác nhận và tương đương nên năng suất bình quân đạt 6,03 tấn/ha, tăng 3% so với năm 2013. Diện tích cây màu luân canh tăng gần 8%, hình thành nhiều vùng sản xuất màu có quy mô lớn, tập trung. Thế mạnh nông sản từng địa phương được đầu tư khai thác. Chẳng hạn, ngoài khoai lang, huyện Bình Tân đang đẩy mạnh chuyển dịch sang cây mè, rau màu, nuôi trồng thủy sản.

Theo kế hoạch, mỗi năm địa phương giảm từ 1.000 - 2.000ha lúa, tăng diện tích trồng màu, cây công nghiệp ngắn ngày, mở rộng cánh đồng mẫu khoai lang hướng tới xây dựng thương hiệu. Chăn nuôi phát triển hướng tập trung, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn. Ở lĩnh vực thủy sản, sẽ phát triển nuôi ở các xã ven sông Hậu mỗi năm từ 140 - 150ha, khuyến khích nông dân tận dụng ao, mương nuôi nhiều loại thủy sản khác. 

Phát triển vùng khoai lang xuất khẩu, thế mạnh của tỉnh Vĩnh Long.

Trong khi đó, từ lợi thế đồng cỏ, huyện Vũng Liêm đang tập trung nâng cao chất lượng đàn bò, với tổng đàn hiện có hơn 23.000 con, chiếm tỷ lệ 42,5% tổng đàn bò trong tỉnh, tỷ lệ bò lai sind đạt 87%...

Đầu tư chiều sâu

Trong năm 2015 và những năm tiếp theo, mục tiêu TCC ngành nông nghiệp Vĩnh Long sẽ đầu tư mạnh khâu bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Tỉnh đã xác định một số mặt hàng chủ lực như lúa gạo, cá tra, bưởi Năm Roi, cam sành, khoai lang… Tập trung hỗ trợ thông qua xúc tiến thương mại, hỗ trợ giống, xây dựng nhà sơ chế, đóng gói… Trong đó, áp dụng các tiêu chuẩn sạch như trong sản xuất được xem là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao giá trị, phát triển bền vững. Hiện toàn tỉnh có hơn 13 cơ sở, vùng sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, tập trung ở các vùng cây ăn trái, cơ sở rau màu và thủy sản. Hiện ngành nông nghiệp đang xúc tiến tiếp tục cấp chứng nhận cho một số cơ sở đạt chuẩn GlobalGAP trên cây ăn trái, lúa và cơ sở chăn nuôi. Theo đánh giá, phần lớn các mô hình đạt chứng nhận đã mang lại hiệu quả, giảm được chi phí sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đảm bảo khâu tiêu thụ, năm qua, ngành nông nghiệp kết hợp với các huyện - thị vận động, mời gọi được 3 doanh nghiệp liên kết đầu tư và tiêu thụ lúa gạo trên diện tích 1.200ha lúa ở các cánh đồng mẫu. Làm cầu nối cho trên 100 lượt doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu thu mua nông sản. 

TCC nông nghiệp kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế mũi nhọn vốn dĩ rất còn nhiều tiềm năng. Kinh nghiệm một số tỉnh thực hiện TCC nông nghiệp hiệu quả cho thấy, muốn đưa chính sách vào cuộc sống, trước tiên phải đưa cuộc sống vào chính sách. Muốn đưa TCC vào đồng ruộng phải biết tâm tư, nguyện vọng của nông dân; thu hút đầu tư phải nắm suy nghĩ doanh nghiệp. Nếu giải quyết tốt các vấn đề đó chắc chắn TCC nông nghiệp mang lại hiệu quả.

HOÀNG NGUYỄN
Theo sggp.org.vn