Vĩnh Phúc: Cách làm giàu của anh Phạm Ngọc Tú
- Thứ sáu - 28/10/2016 08:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tìm hiểu mô hình chăn nuôi gia đình anh Tú chúng tôi được biết, khu chăn nuôi lợn rừng, lợn mán của gia đình anh rộng khoảng 20 ha, nằm giữa thung lũng nên đường vào khá khó khăn. Cả tuyến đường mòn dẫn vào nhà vừa nhỏ, gồ ghề lại phải đi qua một con suối. Anh Tú cho biết: “Đường vào nhà tôi bây giờ còn dễ, trước đây ai muốn vào phải “cuốc bộ” cả ngày mới đến. Do xa xôi, hẻo lánh nên vợ chồng tôi muốn vay tiền ngân hàng đầu tư cũng khó khăn bởi nhân viên ngại đến thẩm định”.
Giống lợn ta nuôi hoang dã tại trang trại của anh Phạm Ngọc Tú, xã Đồng Quế (Sông Lô).
Mục sở thị mô hình chăn nuôi, đúng như lời anh Tú nói: 4 phía xung quanh trang trại đều là núi. Thậm chí, ngay khi đã đứng giữa nhà anh mà điện thoại di động vẫn không có sóng. Muốn gọi hay nghe mọi người đều phải ra sân, song lúc được lúc mất.
Được biết, năm 2009, anh Phạm Ngọc Tú khi đó mới hơn 20 tuổi đã mạnh dạn một mình khăn gói vào khu Hố Cọ, thôn Thanh Tú “khai hoang”. Anh từng bước học hỏi kinh nghiệm và xây dựng mô hình chăn nuôi lợn rừng, lợn mán. Ban đầu, do vốn hạn hẹp anh Tú nuôi gần 10 con lợn rừng, sau khi có vốn anh tiếp tục tái đầu tư. Thời điểm đó, khu vực này không có điện lưới, anh Tú phải tận dụng các con suối chảy qua nhà để làm thủy điện.
Do chăn nuôi hoang dã nên hệ thống chuồng trại của gia đình anh Tú khá đơn giản: 160m2 chuồng trại chỉ để nuôi nhốt lợn nái sinh sản, lợn đực và lợn sơ sinh; còn lại, lợn thương phẩm đều được thả tự do. Hiện nay, gia đình anh có 4 con lợn đực; 30 con lợn nái; 300-400 lợn rừng và lợn mán thương phẩm; 30 con dê núi... Mặc dù số lượng lợn rừng, lợn mán và dê của gia đình anh khá nhiều, song do được chăn thả hoang dã trong thung lũng, nên nhìn đàn vật nuôi khá thưa thớt.
Sống ở môi trường hoang dã, tự phải tìm kiếm thức ăn, trọng lượng mỗi con lợn rừng, lợn mán chỉ đạt từ 30-50kg/năm. Thời điểm này, giá thành lợn mán, lợn rừng dao động từ 130- 300 nghìn đồng/kg. Tuy đắt song chất lượng thịt lợn luôn được khách hàng đánh giá cao. Hiện nay, ngoài các nhà hàng lớn, người dân chuộng thực phẩm sạch cũng tìm đến trang trại nhà anh Tú mua về “đụng lợn” ăn dần.
Anh Tú cho biết: Đáp ứng nhu cầu thị trường, ngoài lợn mán và lợn rừng, những năm gần đây, tôi còn đưa giống lợn ta lông đen vào nuôi hoang dã với giá thành rất hợp lý, chỉ từ 90-100 nghìn đồng/kg.
Ngoài chăn nuôi lợn mán, lợn rừng, đầu năm 2016, anh Tú tiếp tục đầu tư xây dựng chuồng trại và đưa 40 lợn nái ngoại vào nuôi. Mặc dù năng suất lợn nái ngoại cao gấp nhiều lần so với lợn rừng song lại đòi hỏi kỹ thuật và điều kiện chăm sóc khắt khe. Đây vừa là thử thách vừa là cơ hội để anh Tú khẳng định mình trong việc đầu tư, định hướng và phát triển chăn nuôi.
Có thể nói, nhờ phát huy lợi thế địa phương; nhu cầu thị trường, anh Phạm Ngọc Tú đã có những thành quả nhất định từ mô hình chăn nuôi lợn rừng, dê và lợn nái ngoại. Thành quả ngày hôm nay anh dành được là nguồn lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.