Vĩnh Phúc triển khai chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm'
- Thứ năm - 07/12/2017 01:31
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhận thấy, chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) sẽ khắc phục được những tồn tại trong SX nông nghiệp, đồng thời phát triển các sản phẩm hàng hóa tiềm năng, phát huy lợi thế từng địa phương, Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng báo cáo trình UBND tỉnh, xin chủ trương triển khai chương trình OCOP tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030.
Ông Nguyễn Tiến Phong, GĐ Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc thăm 1 cửa hàng bán rau an toàn |
Đề cương chương trình OCOP đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt và triển khai trên cả nước. Mục tiêu của đề án nhằm thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức SX” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng, miền.
OCOP có "xuất xứ" từ Quảng Ninh. Năm 2013, UBND tỉnh này đã phê duyệt và triển khai chương trình OCOP, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh đầu tiên trên cả nước triển khai thực hiện chương trình này một cách bài bản, có hệ thống, từ việc hình thành bộ máy chỉ đạo tổ chức thực hiện, ban hành cơ chế chính sách đến hướng dẫn quy trình triển khai.
So với Quảng Ninh thì Vĩnh Phúc có đầy đủ lợi thế để triển khai OCOP thành công. Lâu nay nông nghiệp, nông dân và nông thôn là vấn đề mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm và luôn có những chính sách hỗ trợ phát triển phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương.
Với địa hình đa dạng, có ba vùng sinh thái gồm đồng bằng, trung du và miền núi nên sản phẩm từ nông nghiệp Vĩnh Phúc vô cùng phong phú và có tính đặc trưng riêng của mỗi vùng. Đó là gạo Long Trì (Tam Dương), rắn Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường), rau su su Tam Đảo, thanh long ruột đỏ, cá thính (Lập Thạch)…
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có trên 60 làng nghề, trong đó 25 làng nghề đã được công nhận làng nghề truyền thống, như gốm Hương Canh (Bình Xuyên); làng nghề chế tác đá Hải Lựu; làng nghề mộc truyền thống ở Thanh Lãng, Bích Chu, Thủ Độ (An Tường); làng nghề mây tre đan Cao Phong… Sản phẩm từ các làng nghề có vị trí nhất định trên thị trường, tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động nông thôn.
Hiện nay, Vĩnh Phúc có 50 sản phẩm thuộc 4 nhóm thảo dược, vải - may mặc, thực phẩm, lưu niệm - nội thất - trang trí với 48 cơ sở đang tổ chức sản xuất ra các sản phẩm mang đặc trưng địa phương, tạo việc làm cho hơn 21 nghìn lao động. Trong đó, có 20 nghệ nhân, 61 lao động trình độ đại học, cao đẳng, 638 lao động có chứng chỉ hành nghề và hơn 20 nghìn lao động phổ thông với mức thu nhập gần 3 triệu đồng/người/tháng.
Lợi thế là như vậy nhưng hiệu quả kinh tế đem lại từ các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, làng nghề truyền thống chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Lý do khâu tổ chức SX thiếu chuyên nghiệp, tư duy làm ăn nhỏ lẻ manh mún; ứng dụng KH-CN vào sản xuất còn hạn chế; việc thương mại hóa chưa được quan tâm đúng mức; kỹ năng tiếp cận thị trường còn kém, dẫn đến hiệu quả, tính bền vững chưa cao.
Do vậy, Sở NN-PTNT báo cáo, xin chủ trương xây dựng và thực hiện chương trình OCOP tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong báo cáo, Sở nêu rõ chương trình sẽ được thực hiện tại 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
SX rau an toàn mang lại thu nhập cao |
Dự kiến giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm làng nghề mang tính đặc trưng, nổi tiếng, có lợi thế cạnh tranh cao, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường; giai đoạn 2020 - 2030, mở rộng ra tất cả các sản phẩm truyền thống có tiềm năng phát triển thành hàng hóa và du nhập thêm các sản phẩm mới.
Dự kiến, quy hoạch 28 sản phẩm vào chương trình OCOP trong giai đoạn 2018 - 2030. Trong đó, lấy thanh long ruột đỏ 3 của xã Vân Trục, Xuân Hòa, Ngọc Mỹ (Lập Thạch); rau su su của các hộ tư nhân thị trấn Tam Đảo, xã Hồ Sơn, Hợp Châu, Tam Quan (Tam Đảo); dưa chuột an toàn đóng hộp xã An Hòa (Tam Dương); gà xã Tam Quan (Tam Đảo), các xã Thanh Vân, Đạo Tú, Hướng Đạo (Tam Dương); rắn và các sản phẩm chế biến từ rắn xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường) làm sản phẩm OCOP chủ lực.
Thông qua chương trình OCOP sẽ giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, góp phần hoàn thành nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức SX” trong xây dựng NTM. Đồng thời, làm thay đổi tập quán SX lạc hậu, hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới trong SX kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế, thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế nông thôn.