Vĩnh Phúc xây dựng Nông thôn mới: Sông Lô sáng tạo, đột phá
- Thứ hai - 07/05/2018 19:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhiều phong trào thiết thực
Sông Lô là huyện miền núi của tỉnh Vĩnh Phúc, được tách ra từ huyện Lập Thạch, do đó cơ sở vật chất, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Khi bắt tay vào xây dựng NTM, Ban chỉ đạo xây dựng NTM của huyện đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể, sâu rộng trên cơ sở căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng phòng, ban, ngành, đoàn thể và vai trò, nhiệm vụ của UBND các xã, từ đó rà soát, phân loại và giao nhiệm vụ cụ thể từng tiêu chí…
Người dân tham gia đóng góp ngày công, tiền làm đường giao thông nông thôn ở xã Yên Thạch
(Sông Lô, Vĩnh Phúc). Ảnh: V.T
Để quán triệt rõ chủ trương, xây dựng NTM, huyện đã tổ chức nhiều hội nghị, phân công cán bộ phụ trách xã trực tiếp xuống cơ sở chỉ đạo, họp bàn với lãnh đạo xã và người dân. Trong đó, việc nâng cao tinh thần dân chủ được đặc biệt chú trọng. Nên người dân đều được tham gia bàn bạc các vấn đề liên quan đến xây dựng NTM như quy hoạch, huy động sức dân đóng góp, cho đến việc triển khai xây dựng các tuyến đường giao thông, kênh mương nội đồng, trụ sở, nhà văn hóa…
Nhằm tạo sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, huyện gắn chương trình xây dựng NTM với các phong trào thi đua: “5 không, 3 sạch”, “Mái ấm tình thương”, “Thanh niên Sông Lô chung sức xây dựng NTM”, “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo làm giàu chính đáng”, “Nông dân thi đua bảo vệ môi trường nông thôn”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”...
Thông qua việc tuyên truyền, vận động làm chuyển đổi nhận thức của người dân, đoàn kết, đồng tình với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tự nguyện tham gia ủng hộ ngày công, đất đai và tiền mặt để xây dựng NTM. Theo đó, năm 2017, các xã trên địa bàn huyện huy động được hơn 953 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó nhân dân đóng góp hơn 80 tỷ đồng; hiến 15.600 m2 đất; 13.420 ngày công lao động…
Diện mạo đổi thay
Phong trào thi đua xây dựng NTM góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn của huyện, cơ sở hạ tầng nông thôn có nhiều đổi mới. Chỉ tính riêng năm 2017, các xã trên địa bàn huyện đã cứng hóa được gần 22km đường trục xã; gần 7km đường trục thôn; hơn 14km đường ngõ xóm và gần 10km đường trục chính giao thông nội đồng; nâng cấp, cải tạo 21 nhà văn hóa thôn, 20 sân thể thao đơn giản; xây mới trên 500 nhà ở; khởi công xây dựng nhà đa năng 2 trường THCS Đức Bác, Bạch Lưu...
Trên địa bàn huyện có 16/16 xã đạt các tiêu chí: Thủy lợi, điện, thông tin truyền thông và nhà ở dân cư; 15/16 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 14/16 xã đạt tiêu chí giao thông, trường học; 13/16 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa.
Để nâng cao thu nhập cho nhân dân, huyện triển khai hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các xã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo hướng xác định nhóm cây, con, ngành nghề lợi thế; ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của tỉnh... giúp người dân dần tự chủ trong sản xuất, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống.
Điển hình như mô hình trồng bưởi Diễn xen bưởi đỏ Tân Lạc tại các xã: Cao Phong, Đồng Thịnh, Đồng Quế, Lãng Công, Quang Yên; mô hình trồng thử nghiệm na tại xã Đồng Quế; làng nghề mây tre đan ở Cao Phong, nghề đá ở Hải Lựu... Ngoài ra huyện còn mở hàng chục lớp dạy, truyền nghề cho lao động nông thôn, nhờ đó tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên của các xã trên địa bàn huyện hơn 96%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 41 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,3%...
“Theo thông tin từ UBND huyện Sông Lô, năm 2018, để có thêm 3 xã (Đôn Nhân, Phương Khoan và Đức Bác) được công nhận đạt chuẩn NTM; 2 xã: Như Thụy, Quang Yên hoàn thành các tiêu chí và xã Tứ Yên đạt 14 tiêu chí NTM trở lên, huyện huy động gần 950 tỷ đồng cho xây dựng NTM. Trong đó, ngân sách xã 82,5 tỷ đồng; vốn tín dụng 800 tỷ đồng; nhân dân đóng góp hơn 64 tỷ đồng.
Theo Việt Tùng/Báo Dân Việt.vn