Vợ chồng cựu chiến binh làm giàu từ chăn nuôi sạch

Nuôi heo, nuôi gà theo kỹ thuật chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường, vợ chồng CCB Nguyễn Văn Thành đã tạo nên một trang trại vườn - chuồng khép kín, trở thành một điển hình của người lính giỏi giang giữa đời thường.

Thăm gia đình anh chị Nguyễn Văn Thành - Nguyễn Thị Hoa ở thôn Liên Trung, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng giữa bát ngát cà phê anh chị còn đang nuôi 70 heo nái, gần 500 heo bột và trên 4 ngàn gà leo cây. Với diện tích 3 ha cà phê xen rau màu và chuồng heo, chuồng gà, thu nhập của anh chị thuộc loại khá giả ở mảnh đất Tân Hà. 

Chuồng heo của gia đình anh Thành, chị Hoa. Ảnh: D.Quỳnh
Chuồng heo của gia đình anh Thành, chị Hoa. Ảnh: D.Quỳnh

Anh Nguyễn Văn Thành vốn là lính mặt trận biên giới phía Bắc, nhập ngũ từ năm 1988-1994. Xuất ngũ, anh vào Lâm Đồng làm ăn và lập gia đình với chị Nguyễn Thị Hoa là con gái một gia đình vào xây dựng kinh tế mới từ năm 1978. Khi kết hôn, hai vợ chồng đều tay trắng, khó khăn chất chồng. Làm đủ nghề, đủ việc, cả làm việc ở nước ngoài, anh chị mới tiết kiệm được chút vốn và quyết đi vào nghề chăn nuôi. Anh Thành bảo, trước khi mở trại heo, anh đã đi tham quan nhiều trại heo đạt chuẩn để rút ra kinh nghiệm. Và việc học hỏi đã cho ra đời một trại heo đảm bảo an toàn chăn nuôi rất tốt. 

Trại nuôi heo được phân thành hai khu riêng biệt, khu nuôi lợn nái mẹ với lợn con và khu nuôi lợn bột thương phẩm. Trước khi vào trại, anh Thành xỏ chân vào đôi ủng chuyên dụng, mặc áo chuyên dụng và trước khi vào chuồng phải rửa ủng qua bể dung dịch khử trùng, điều rất ít trại heo tư nhân áp dụng. Anh Thành cho biết: “Heo cũng dễ mắc bệnh, càng giữ vệ sinh tốt càng giảm các yếu tố khiến heo bệnh, ảnh hưởng tới tốc độ sinh trưởng của đàn heo. Tôi nuôi riêng heo nái, heo con với heo trưởng thành là do heo nái với heo con yếu, dễ mắc bệnh hơn heo trưởng thành”. Heo con và heo nái được nuôi cách li khỏi mặt đất, trên hệ thống sàn nhựa chuyên dụng. Riêng chuồng heo của gia đình anh Thành là một hệ thống khép kín, heo nái đẻ bao nhiêu gia đình nuôi bấy nhiêu, không mua thêm heo bên ngoài để đảm bảo chất lượng giống. Dưới chuồng có xây bể lót thu chất thải, có đường dẫn vào hầm bioga chuyển thành chất đốt, điện thắp sáng phục vụ sinh hoạt của gia đình. 

Chuồng heo thương phẩm được xây dựng riêng, có bể tắm để heo làm mát và giữ vệ sinh cơ thể. Heo được cho ăn, uống bằng máng tự động, đảm bảo đàn heo luôn được ăn no. Hệ thống thu chất thải cũng được xây dựng đạt chuẩn khiến chuồng heo giảm mùi hôi rất nhiều. Nhờ vậy, bầy heo của gia đình anh lớn nhanh, ít bệnh tật, heo đẹp và thương lái rất thích. Cũng do chăn nuôi khép kín nên lợi nhuận tối ưu, ngay cả thời điểm heo xuống giá thấp nhất cũng không lỗ và chuồng chưa bao giờ bị bỏ trống. Anh Thành cho biết, muốn chăn nuôi lớn khi xây dựng cần chú ý đầu tư quy mô, không nên chắp vá mới đạt kết quả tốt, đồng thời giữ được vệ sinh môi trường. 

Ngoài đàn heo, anh chị Thành Hoa còn nuôi trên 4 ngàn gà thả vườn. Gà của nhà anh chị cũng nuôi trên sàn, gà con được úm trên sàn trấu và đàn gà lớn cũng được trải đệm lót sinh học để đảm bảo chuồng gà luôn khô, thoáng. Do có một mặt lưới thả ra hướng vườn nên hàng sáng, bầy gà lớn tự bay xuống vườn nhặt cỏ, nhặt sâu, tối lại nhảy lên chuồng. Thức ăn cho gà chủ yếu là bắp xay nên gà da vàng, thịt chắc, mỗi lần xuất chuồng được thương lái rất chuộng. Chất thải gà lại quay trở lại vườn cà phê, giúp 3 ha cà phê của anh chị thêm màu mỡ, cho năng suất cao. Anh chị cũng vừa tái canh trồng mới lại các giống cà phê cao sản thay cho vườn cà phê giống cũ đã cằn cỗi. 

Ông Nguyễn Bá Canh, Chủ tịch Hội CCB xã Tân Hà đánh giá, gia đình CCB Nguyễn Văn Thành là một điển hình của người lính giữa đời thường, làm ăn giỏi, nuôi con khỏe, ngoan. Mô hình chăn nuôi hiệu quả của anh chị cũng là mô hình được nhiều đồng đội, bà con xung quanh học hỏi và hướng tới. 


 

Diệp Quỳnh

Nguồn: Báo Lâm Đồng