Vốn đầy kho, dân khó mượn
- Chủ nhật - 30/07/2017 23:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đây là điều dễ hiểu vì sao có rất nhiều chính sách tín dụng rất hay, rất đặc biệt với lượng vốn hàng chục thậm chí hàng ngàn tỷ đồng nhưng sau một thời gian dài kết quả giải ngân được rất ít. Vì sao vậy? Công bằng mà nói là do từ nhiều phía.
Đơn cử như chương trình đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ. Về mặt chủ trương, chính sách này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cả với nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế. Nó ra đời trong bối cảnh giàn khoan 981 của Trung Quốc kéo vào thềm lục địa nước ta. Ngay lúc đó, Quốc hội khóa XIII đang họp và Chính phủ có ngay đề nghị một chính sách cho đánh bắt xa bờ.
Ngư dân cần những chính sách sát với thực tế và những cam kết luôn luôn được thực thi |
Chính sách ra đời trong điều kiện như thế mặc dù đã có nhiều hội nghị hội thảo do Chính phủ, Bộ, ngành chủ trì tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, ngân hàng và ngư dân nhưng quá trình triển khai đã gặp phải những vướng mắc rào cản. Về phía ngân hàng qua tìm hiểu thì thấy tâm lý “e ngại” là biểu hiện rõ nhất. Một số vị lãnh đạo ngân hàng chia sẻ, chúng ta đã từng có bài học về đóng tàu đánh bắt xa bờ, tuy nhiên cách triển khai hiện nay vẫn chưa thấy được sự đảm bảo an toàn cho hoạt động tín dụng.
Một lãnh đạo ngân hàng Agribank ở Nghệ An từng chia sẻ, khi xác nhận tài sản thế chấp ở trên đất liền còn nhìn thấy đất, nhà cửa, tiềm lực tài chính, hoạt động SXKD…trong khi con tàu lênh đênh giữa biển khơi thì các hoạt động giám sát, kiểm soát là rất khó.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tính đến 31/5/2017 các tỉnh, thành đã phê duyệt 1.948 chủ tàu đủ điều kiện được vay vốn, hiện các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng với 981 chủ tàu, số tiền cam kết cho vay là 9.710 tỷ đồng, đã giải ngân là 8.783 tỷ đồng. Đến nay, số tàu đóng xong đi vào hoạt động là 666 tàu. Như vậy, so với nhu cầu và yêu cầu thực tế là chưa được nhiều. |
Việc cho vay thế chấp chính từ tài sản hình thành của con tàu là một quyết định dũng cảm của người làm tín dụng. Họ nói, chỉ một cú đắm tàu thuyền hoặc bị nước ngoài bắt giữ thì gói vay bị “đe dọa” cùng. Có lãnh đạo ngân hàng nói rằng: “Cho vay đến 95% giá trị bảo đảm khoản vay khác nào cho thuê tài chính trong khi mình cũng là người đi vay vốn”.
Ông Phan Đức Tiến, Giám đốc Agribank chi nhánh Nghệ An tâm tư rằng, triển khai cho vay theo Nghị định 67 gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn ngay từ đầu. Phía Agribank thì nhận thức sâu sắc rằng đây là chủ trương lớn và hoàn toàn đúng đắn nên không thể đứng ngoài cuộc. Có chăng là chậm trễ do vướng phải thủ tục, cơ chế, mô hình tổ chức chứ Agribank thì không nề hà gì cả.
Tuy vậy, khi được hỏi tâm lý e ngại của tổ chức tín dụng, ông Tiến cho rằng, bài học của chương trình đánh bắt xa bờ vẫn còn đó, chưa thể nguôi ngoai với người làm tín dụng. Hồi triển khai chương trình này, phía Agribank chi nhánh Nghệ An phần nào lường trước rủi ro có thể xảy ra. Song, một mặt là trách nhiệm của mình, một mặt là mình hoàn toàn không hiểu và không kiểm soát được hoạt động trên biển của ngư dân. Chính vì thế, sau khi dốc vốn rồi thì mọi gánh nặng đè lên vai ngân hàng.
“Tôi còn nhớ, hồi đó (từ 1995) Agribank Nghệ An giải ngân 67 tỷ đồng và sau này khi chương trình thất bại thì có 53 tỷ đồng tiền nợ khó đòi. Đó là bài học mà những người làm tín dụng không thể nào quên được”, ông Tiến nhớ lại.
Lãnh đạo Agribank chi nhánh Ngũ Lão (Hải Phòng) lo ngại rằng, nếu xã Lập Lễ (Thủy Nguyên) mà được giải quyết cho vay theo Nghị định 67 với số lượng lớn thì lợi nhuận thu lại của ngân hàng sẽ rất thấp. Vị này nói, hiện lãi suất huy động và các chi phí quản lý của ngân hàng đã lên đến 4 - 5%. Trong khi đó, cho ngư dân vay để đóng tàu thời hạn 11 năm, lãi suất 7%. Mức chênh lệch 2 - 3%/năm đó cho thấy lợi nhuận của ngân hàng sẽ không là bao. May mắn thì ngư dân làm ăn thắng lợi, thanh toán nợ ngon lành. Chứ ngư dân gặp rủi ro, nợ không thanh toán được là ngân hàng điên đảo.
Ngoài ra giữa chính sách tín dụng và quy định đóng tàu chưa ăn khớp với nhau. Cái này thường thấy ở các gói tín dụng chứ chẳng riêng gì ở đóng tàu vỏ thép. Chẳng hạn, khi gói tín dụng đã được phê duyệt rồi nhưng ngư dân lại thấy mẫu tàu do nhà nước đưa ra không phù hợp với nghề đánh bắt. Thế là xảy ra tình huống có tiền mà không giải ngân được.
Hay việc quy định yêu cầu phải dùng máy mới nhưng ngư dân cho rằng mua lại máy cũ của Nhật Bản vẫn có thể sử dụng tiếp được 9 - 10 năm mà số tiền chênh lệch 1 - 2 tỷ đồng thì tại sao bắt phải dùng máy mới.
Trước đây Nghị định 41 của Chính phủ về cho vay nông nghiệp, nông dân, nông thôn có quy định, nông dân vùng thị trấn, thị xã, thành phố sẽ không được hưởng chính sách ưu đãi này. Điều này, nhiều người dân, chính quyền rất bức xúc và chính lãnh đạo ngành ngân hàng cảm thấy nuối tiếc vì một dư địa có tiềm năng lại không thể khai thác.
Ông Trịnh Ngọc Thanh, Giám đốc Agribank Chi nhánh Thanh Hóa nói, nông dân vùng thị trấn, thị xã có điều kiện tiếp xúc với thị trường khá thuận lợi, việc tiêu thụ sản phẩm tốt hơn và tiềm lực phát triển khá hơn nhưng tại sao lại không cho họ hưởng chính sách như nông dân các vùng khác.
Tranh luận kéo dài thời gian dài, mãi sau này Nghị định 55 ra đời đã thay đổi hoàn toàn quy định cứng nhắc đó giúp nông dân vùng thị trấn, thị xã có điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi.
Một vấn đề khác cũng cho thấy, tiền có trong ngân hàng rất nhiều, nhu cầu vốn vay rất lớn nhưng cả ngân hàng và nông dân không gặp được nhau để giải ngân vốn bởi rào cản chính sách. Ông Nguyễn Hữu Hòa, Giám đốc Chi nhánh Agribank Đông Anh (Hà Nội) bày tỏ: “Hiện có một số vướng mắc về mặt hành chính trong giải ngân vốn vay cho người dân. Quy định đòi hỏi người dân phải có đầy đủ thủ tục hồ sơ xây dựng trang trại như bản vẽ, hóa đơn mua vật liệu, thi công… Đây chính là rào cản rất mong sớm được tháo gỡ”. Đúng là đòi hỏi bộ hồ sơ vay vốn của nông dân phải có hồ sơ thiết kế bản vẽ, tư vấn giám sát, từng hóa đơn mua vật liệu, thi công cho một trang trại thì quả là khó khăn, cứng nhắc... |