Vụ đông, vụ làm giàu nhờ liên kết bao tiêu đầu ra
- Thứ ba - 10/10/2017 22:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Người dân ở Bảo Yên đang tích cực làm đất chuẩn bị vụ đông |
Với một tỉnh biên giới như Lào Cai, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, phụ thuộc vào SXNN thì việc trồng cây gì, con gì, khi nào là điều cực kỳ quan trọng. Trước đây, bà con còn mơ hồ về khái niệm “vụ đông”, nhiều đồng ruộng bỏ không chờ hạt mưa xuân. Nay, nhờ liên kết SX, vụ đông đã thực sự trở thành vụ làm giàu.
Theo Sở NN-PTNT Lào Cai, vụ đông 2017, tỉnh này phấn đấu trồng 7.870ha cây trồng các loại, trong đó diện tích rau 5.507ha, ngô 1.487ha, khoai lang 590,5ha, khoai tây 185,5ha, dược liệu 89ha, hoa 11ha. Hiện đã có 3 huyện: Bảo Yên, Văn Bàn, Sa Pa ký kết với các doanh nghiệp để SX, tiêu thụ với diện tích trên 200ha.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, GĐ Sở NN-PTNT Lào Cai chia sẻ, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung cơ cấu lại các loại cây trồng đảm bảo tiêu thụ bền vững. Thành công hay không là do chính quyền địa phương, ngành chuyên môn có thực sự quyết tâm hay không. Các địa phương phải lựa chọn một vài sản phẩm thế mạnh để tập trung SX. Ngành chuyên môn tăng cường tập huấn, tự học tập nâng cao trình độ mới đủ khả năng chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Tập trung ứng dụng công nghệ cao vào SX để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác.
Theo kế hoạch, năm 2017, huyện Bảo Yên sẽ triển khai trồng 1.245ha cây vụ đông. Trong đó, rau các loại 950ha (diện tích liên kết SX 60ha ớt); khoai lang 80ha; khoai tây 45ha (diện tích liên kết SX 15ha); ngô 170ha. Các phòng ban chức năng và các xã đang phối hợp với một số doanh nghiệp khảo sát diện tích, chất đất tại một số xã để liên kết SX ngô nếp, ngô ngọt, bí đỏ, khoai tây, cà rốt…
Anh Nông Văn Thắng ở thôn Bản 4, xã Xuân Thượng (huyện Bảo Yên) cho biết, trước đây, ngoài hai vụ chính thì vụ đông hầu như diện tích đất để hoang. Từ năm 2016, ngoài 2 vụ lúa chính anh đã mạnh dạn trồng các cây vụ đông như ngô, các loại rau.
Theo anh Thắng, gia đình anh có 1,5ha đất nông nghiệp, mỗi năm từ hai vụ lúa thu trên 3 tấn thóc. Tuy vậy, giá trị kinh tế cũng chẳng là bao chủ yếu vẫn phục vụ sinh hoạt cũng như chăn nuôi chứ chưa thành hàng hóa để bán lấy tiền.
“Từ ngày làm vụ đông tôi và bà con trong bản thấy hiệu quả hơn hẳn. Gia đình tôi năm 2016 trồng 2 sào rau vụ đông cũng thu về gần 10 triệu đồng. Năm nay tôi trồng 5 sào ngô nếp và 2 sào rau, nếu thời tiết thuận lợi cũng cho thu nhập tương đối vì sản phẩm làm ra được doanh nghiệp thu mua hết”.
Ông Phạm Kim Sê, cùng thôn Bản 4, xã Xuân Thượng có hơn 1ha đất trồng cây các loại. Hai vụ gần đây, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây vụ đông, gia đình ông đã dùng gần 1 mẫu để trồng ngô nếp và hành tây. “Về việc liên kết với các doanh nghiệp, chúng tôi vẫn lăn tăn sợ tham gia không làm đúng kỹ thuật, sản phẩm không đạt chất lượng như công ty yêu cầu. Chúng tôi rất cần công ty, cán bộ ngành nông nghiệp giúp đỡ về giống cũng như kỹ thuật SX”, ông Sê chia sẻ.
Ông Hoàng Quang Đạt, Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết, cùng với việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện bằng cách tăng vụ, đưa các cây con giống vào SX, huyện cũng đặc biệt quan tâm đến đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng để thúc đẩy SX cũng như nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Khâu liên kết SX, tiêu thụ sản phẩm cho người dân vô cùng quan trọng |
Mới đây, tại hội nghị triển khai SX vụ đông 2017, ông Nguyễn Hữu Thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhấn mạnh, để có một vụ đông thắng lợi, rất cần sự quan tâm sát sao, vào cuộc của các cấp chính quyền, địa phương và sự đồng thuận của người dân.
Các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch và phương án SX phù hợp, bám sát vào chủ trương định hướng của ngành nông nghiệp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ SX. Tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào SX để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.
Về khâu liên kết, ông Thể cho rằng, cần tích cực lựa chọn và mời gọi các Cty, doanh nghiệp có năng lực gắn bó với nông nghiệp để cung ứng giống cây trồng, vật nuôi đảm bảo chất lượng. Đồng thời, tổ chức liên kết SX và tiêu thụ sản phẩm một cách chặt chẽ và bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái.
“Hiện hầu hết các sản phẩm nông nghiệp của người dân đều được huyện ký kết với các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Ví dụ trồng khoai tây có Cty CP Nông nghiệp Quốc tế An Việt và Cty CP Giống cây trồng Bắc Ninh bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Trồng ngô nếp, bí đỏ có Cty CP Agritec cung ứng 100% giống và sẽ đối trừ khi bà con thu hoạch bán sản phẩm lại cho công ty...”, ông Đạt thông tin.