Vựa cam sành hồi sinh nhờ VietGAP
- Thứ năm - 22/01/2015 02:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Một thời mai một
Theo ông Hoàng Nhị Sơn – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Giang, cây cam sành đã được trồng trên đất Hà Giang nhiều năm nay và chủ yếu tập trung ở các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên là chính, trong đó Bắc Quang được coi là “vựa” cam của Hà Giang, do có điều kiện ký hậu, thổ nhưỡng rất thích hợp cho sự phát triển của loại cây này.
Ông Bàn Văn Tuyên ở thôn Việt An, xã Việt Hồng- một trong những người đã nhiều lần có ý định chặt bỏ cam, nhưng cuối cùng đã chấp nhận ôm nợ để giữ lại cam, chia sẻ: “Cam sành ở Bắc Quang “đuối” nhất là khoảng năm 2008 – 2009. Ở đây có rất nhiều hộ đã chặt bỏ hàng ha cam 5 – 7 năm tuổi đang cho thu hoạch để trồng cây trồng khác. Bởi thời gian này hoa quả Trung Quốc tràn ngập, giá rẻ, nên cam sành không cạnh tranh được. Khi đó mỗi vụ lỗ cả trăm triệu, nhưng tôi vẫn quyết giữ vườn. Rất may bây giờ cam sành Bắc Quang đã dần khẳng định được thương hiệu”.
Hướng đến thương hiệu “cam sành Bắc Quang”
Là một tỷ phú phất lên từ cam, chị Nguyễn Thị Hoa Vĩnh Chính (xã Vĩnh Hảo) chia sẻ: “Hiện gia đình tôi có 4ha cam đang cho hoạch và gần 1ha vừa trồng mới, tất cả cam của tôi đều được trồng theo quy trình VietGAP, mẫu mã không bắt mắt bằng trồng thường, nhưng chất lượng thì cao hơn hẳn. Những năm trước chỉ đạt 100 tấn quả, nhưng năm nay sản lượng tăng gấp đôi, bán ước thu khoảng 2 tỷ đồng, trừ chi phí lãi khoảng 1,2 tỷ đồng”.
Cũng theo chị Hoa, sau khi đăng ký trồng cam theo mô hình VietGAP, chị được huyện cho đi tập huấn kỹ thuật từ cách bón phân, loại phân, cách phun thuốc, loại thuốc BVTV, cho đến trồng sao cho đúng khoảng cách (400 cây/ha, đối với đất bằng, 500 cây/ha đối với đất dốc), hay cách tỉa cành… “Cái hay của mô hình VietGAP là sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ vi sinh và thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, nên rất sạch, an toàn, rất phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay, nên giá cam cũng nhỉnh hơn” – chị Hoa cho biết thêm.
Mặc dù chỉ trồng 1,2ha cam sành, nhưng nói đến vườn cam của anh Nguyễn Duy Khánh ở thôn Tân Thành, xã Đông Thành, ai cũng phải trầm trồ khen ngợi, bởi vườn cam của anh được trồng theo đúng quy chuẩn, áp dụng chăm sóc khoa học theo quy trình VietGAP, nên cây nào cây ấy đều sai trĩu quả, vàng óng trông rất đẹp mắt. “Tại cuộc thi cam ngon và đẹp vừa qua, tôi đã được giải Nhì, vượt qua 59 hộ khác. Đây là phần thưởng rất quý giá, nhưng với tôi phần thưởng cao nhất là cam của tôi nói riêng và cam Bắc Quang nói chung đã được người tiêu dùng đón nhận, với một niềm tin vào chất lượng và sự an toàn”.
Ông Phạm Xuân Tình – Trưởng phòng NNPTNT huyện Bắc Quang cho biết, hiện toàn huyện đã có 92ha cam được sản xuất theo quy trình VietGAP, trong đó 31ha đã được cấp giấy chứng nhận. “Tại hội thi cam diễn ra ngày 17.1, các cơ quan chức năng đã cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP cho Tổ sản xuất cam sành an toàn xã Tiên Kiểu với 22 hộ, và Tổ sản xuất cam sành an toàn xã Vĩnh Hảo với 16 hộ” – ông Tình cho biết.
Theo danviet.vn