“Vua trồng rừng” trên vùng đất thép Xuân Lộc

Với chiến lược sản xuất kinh doanh hiệu quả và trách nhiệm cộng đồng, ông Hồ Sơn Tư là một điển hình cho lớp nông dân mới hiện nay.


Xuân Lộc là huyện nông thôn mới đầu tiên của Đồng Nai và cả nước. Đến Xuân Lộc hôm nay, ấm no hạnh phúc đã thể hiện rõ qua những cánh đồng bắp trải dài, những vườn cà phê, hồ tiêu rộng bát ngát, những cánh rừng keo lai bạt ngàn… Thành quả này có một phần đóng góp không nhỏ của những người nông dân dám nghĩ, dám làm với khát khao chiến thắng đói nghèo. Nhiều nông dân đã trở thành tỷ phú. Họ còn được người dân trong và ngoài tỉnh gọi với những biệt danh như: “Vua bắp”, “Vua tiêu”, “Vua trồng rừng”...

Từ Bình Định vào vùng đất Xuân Hòa, Xuân Lộc lập nghiệp ngót nghét gần 40 năm, ông Hồ Sơn Tư gầy dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng. Với đức tính cần cù sáng tạo, đến nay, ông đã có một cơ nghiệp với hơn 30 ha các loại cây trồng có giá trị cao như: xoài cát Hòa Lộc, keo lai, cao su… Ngoài ra, ông còn trồng 185 ha keo lai tại tỉnh Bình Thuận để đáp ứng nhu cầu gỗ nguyên liệu phục vụ xưởng mộc của gia đình. Chính xưởng mộc là nơi giải quyết đầu ra cho nguyên liệu rừng và tạo việc làm cho 80 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng. Mô hình sản xuất kinh doanh này đã mang lại cho gia đình ông thu nhập mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Vì thế, ông được bà con trong vùng gọi là "Vua trồng rừng".

 
Tận dụng nguồn cỏ trong những khu đất rừng của mình, ông Hồ Sơn Tư đã lập thêm một trang trại nuôi trên 500 con bò thịt. (Ảnh: Báo Đồng Nai)

Khi cuộc sống đã khá giả, ông Tư dành nhiều thời gian hơn để giúp đỡ người nghèo tại địa phương. Ông cho người dân trong xã mượn bò giống về chăm sóc, lúc nào bò đẻ bê con thì trả lại bò giống để ông tiếp tục cho hộ khác mượn mà không hề lấy bất kỳ một khoản lãi nào. Với cách làm này, chỉ trong 5 năm qua, ông đã giúp hơn 40 hộ nghèo tại địa phương thoát nghèo. Ngoài ra, ông còn đến những gia đình có hoàn cảnh khó khăn có con em đang đi học để tìm cách hỗ trợ. Chính vì vậy, ngoài cái tên “vua trồng rừng”, ông còn được người dân gọi là “Ông Tư khuyến học”.

Không chỉ có vậy, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới của xã Xuân Hòa, ông đã đóng góp gần 600 triệu đồng và hiến hơn 3 ngàn m² đất. Làm từ thiện nhiều, đóng góp xây dựng nông thôn mới cũng không ít, nhưng ông chỉ có một mong muốn là cải thiện đời sống của người dân và cùng địa phương thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ông Lê Hữu Thiện, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai nhận xét về ông Hồ Sơn Tư: “Mạnh dạn và hiệu quả ở những chiến lược sản xuất kinh doanh cùng với tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng, ông Hồ Sơn Tư được xem như một điển hình cho một lớp nông dân mới hiện nay. Ông được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá cao về tư duy làm ăn tiên tiến. Năm 2014, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì những thành tích trong xây dựng nông thôn mới và được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là “Nông dân Việt Nam xuất sắc”./.

CTV Đình Hưng/VOV – TP HCM
Theo vtv.vn