Vùng đất chua phèn năm xưa đang chuyển mình mạnh mẽ
- Thứ ba - 29/08/2017 19:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Một góc thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười hôm nay
Cùng hưởng ứng cao trào cách mạng
Theo lịch sử truyền thống cách mạng huyện Tháp Mười, khi được tin cách mạng Tháng Tám thành công ở Hà Nội (ngày 19/8/1945) và đang diễn ra tại Sa Đéc, Cao Lãnh, Cái Bè thì ở Tháp Mười lực lượng đội viên Thanh niên Tiền phong (TNTP) tích cực vận động, tập hợp lực lượng. Hơn 500 quần chúng kéo ra sân vận động (nay là khu vực trụ sở UBND xã Mỹ Hòa) tổ chức mít tinh, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng lâm thời và Mặt trận Việt Minh. Không có vải màu đỏ, các đồng chí phải lấy tấm trần trên bàn thờ, tập trung suốt đêm may cờ đỏ sao vàng và cờ Đảng để kịp đến sáng 25/8/1945 treo cờ tại sân vận động.
Ở Mỹ Quí, hàng ngàn quần chúng kéo ra Quốc lộ 30 đi Cao Lãnh cướp chính quyền. Tại Mỹ An, TNTP tập hợp dân các ấp kéo lên chợ, tổ chức mít tinh, treo cờ búa liềm và đóng trụ sở ở nhà Phủ Kía, phá kho lúa của Tây Mông Đô, cọp rằn Ba Diệu, kho Tư Tố... Lực lượng TNTP của vùng Đốc Binh Kiều thì trang bị tầm vông, dao mác, xuống Mỹ Tho biểu tình giành chính quyền. Ở khu vực Ngã Sáu (nay thuộc xã Phú Điền), các đồng chí TNTP cùng người dân đi phá kho lúa Hội đồng Tạo, chiếm đồn Ngã Sáu, lấy hơn 10 cây súng.
Cuộc khởi nghĩa giành chánh quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở các làng xã trên đất Tháp Mười diễn ra hết sức nhanh chóng và thuận lợi. Tuy là vùng đồng sâu, làng xã chưa có cấp ủy của Đảng lãnh đạo trực tiếp, song những đảng viên, hội viên nòng cốt của tổ chức Thanh niên Cứu quốc, TNTP chủ động vận động, tập hợp quần chúng đứng lên lật đổ ách thống trị của bọn thực dân, phong kiến, địa chủ.
Với thắng lợi Cách mạng Tháng Tám, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nhân dân các nơi trong huyện Tháp Mười phấn khởi tổ chức lễ mừng thắng lợi, nhiều đoàn người trương băng, cờ đi dự lễ ở Thiên Hộ, Cái Bè, Mỹ Tho và Sa Đéc. Sau lễ Quốc khánh chưa được bao lâu, đất nước ta chìm trong khói lửa chiến tranh. Quân và dân Tháp Mười lại anh dũng, kiên cường chống giặc cho đến ngày đất nước hòa bình.
“Nở hoa” vùng đất chua phèn
Huyện Tháp Mười - vùng đất từng được mệnh danh là “túi phèn”, là “rốn lũ”. Thế nhưng, sau vài chục năm, cuộc trường chinh khai phá, cải tạo đất phèn của chính quyền và người dân đã làm nên kì tích, biến nơi đây thành vùng sản xuất lúa lớn của Đồng Tháp; ngoài lúa, Tháp Mười còn phát triển mạnh cây sen, nuôi cá sặc rằn, ếch...
Nông dân Tháp Mười đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp
Sinh ra và lớn lên tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười nên ông Võ Văn Hưng (SN 1941) chứng kiến bước tiến dài trong sản xuất nông nghiệp của quê mình. Theo ông Hưng, trước đây, do đất phèn nên trồng nhiều tràm, lúa chỉ làm 1 - 2 vụ/năm nhưng năng suất không cao. Hiện nay, sản xuất 3 vụ/năm, năng suất lúa lại cao, đời sống người dân nâng lên.
Hệ thống giao thông được quan tâm xây dựng cùng với những chính sách ưu đãi, nhiều công ty, doanh nghiệp chọn đầu tư tại Tháp Mười, góp phần tạo việc làm và phát triển kinh tế địa phương. Năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng hơn 814 tỷ đồng; cuối năm 2016, huyện còn 6,85% hộ nghèo; tỉ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 79,52%; đa số hộ dân sử dụng điện và nước sạch.
Từ các nguồn vốn, huyện xây dựng hàng nghìn kilomet đường giao thông nông thôn và nhiều cây cầu bê tông. Tháp Mười có 5/12 xã NTM. Năm 2017, huyện tiếp tục phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM và quyết tâm đến 2020 trở thành huyện NTM của tỉnh.
Từ khi thực hiện xây dựng NTM đến nay, sự “chuyển mình” của của Tháp Mười càng thể hiện rõ nét. Ông Nguyễn Thanh Hải (SN 1929) ngụ ấp 3, xã Đốc Binh Kiều phấn khởi cho biết: “Quê tôi ngày càng khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể. Những con đường đất trước kia, giờ được lót đan, trải nhựa đi lại rất thuận tiện; nhà nào cũng có phương tiện nghe nhìn, tôi rất vui trước sự phát triển của địa phương”.
Theo Nhựt An/Đồng Tháp.vn