XDNTM ở Bình Định: Dân giàu, hạ tầng khởi sắc

XDNTM ở Bình Định: Dân giàu, hạ tầng khởi sắc
Nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư nâng cấp khang trang, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo được “kéo lùi”, hộ gia đình có điều kiện kinh tế khá giả ngày một tăng... Đó là những thành quả nổi bật mà Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) mang lại cho nông thôn Bình Định.

Một góc xã nông thôn mới Phước Lộc (Tuy Phước).

In đậm dấu ấn

Có thể khẳng định, bằng tinh thần và quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, qua gần 7 năm thực hiện (2011-2017), Chương trình XDNTM tại Bình Định đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh đã có 38/122 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm 31,1% tổng số xã ở khu vực nông thôn. Thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn đạt 26,78 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 11,85% (đánh giá theo tỉ lệ chuẩn nghèo đa chiều).

Điều đáng ghi nhận là, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, ngân sách hạn hẹp, Nhà nước vẫn ưu tiên tăng cường nguồn lực đầu tư cho Chương trình XDNTM, đồng thời, huy động mọi thành phần kinh tế và nhân dân tham gia đóng góp. Trong các năm qua, toàn tỉnh đã huy động trên 45.357 tỉ đồng để XDNTM, trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 369 tỉ đồng, ngân sách địa phương trên 2.210 tỉ đồng, vốn nhân dân đóng góp trên 504 tỉ đồng và các nguồn vốn khác trên 42.272 tỉ đồng...

Dấu ấn đậm nét trong XDNTM ở Bình Định là người dân đã nhiệt tình ủng hộ, cùng chung sức, đồng lòng hưởng ứng chương trình. Con số 504 tỉ đồng vốn đóng góp của nhân dân đã minh chứng cho điều đó. Với cách làm sáng tạo, tự tin, trong thực hiện XDNTM, nhiều địa phương trong tỉnh dần khoác lên mình “chiếc áo mới”. 

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT - Phó ban chỉ đạo XDNTM tỉnh Bình Định, đánh giá: “Trong quá trình thực hiện XDNTM, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo; là tiền đề, cơ sở quan trọng để nhân rộng ra toàn tỉnh. Việc phát động phong trào “Nông dân hiến đất mở đường, công trình thủy lợi; xây dựng đường đẹp, ngõ đẹp” là một trong những cách làm hay, tiêu biểu mang lại hiệu quả thiết thực. Bài học kinh nghiệm quan trọng nhất trong XDNTM là đã phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, xem nhân dân là chủ thể XDNTM; thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi; nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.

Đến những vùng quê văn minh, hiện đại

Sáu năm thực hiện Chương trình XDNTM là quãng thời gian không dài nhưng đã mang đến nhiều đổi thay ở xã Phước Lộc (Tuy Phước). Từ xã thuần nông với điểm xuất phát thấp, chỉ qua thời gian ngắn bắt tay vào XDNTM, Phước Lộc đã cán đích NTM vào cuối năm 2016. Giờ đây, dáng dấp của một vùng nông thôn văn minh, hiện đại đã dần hiện diện trên từng con đường, ngõ xóm, mái nhà.

Ông Thái Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, cho biết: Xác định đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng là tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, từ năm 2011 đến nay, xã đã huy động các nguồn lực đầu tư gần 50 tỉ đồng để nâng cấp điện, đường, trường, trạm…, đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa... Nhờ vậy, địa phương đã bê tông, cứng hóa 100% chiều dài đường giao thông nông thôn; kiên cố 15km kênh mương thủy lợi; xây dựng các trường học đạt chuẩn quốc gia, xây dựng nhà văn hóa đa năng, sân vận động...

Về đích sớm hơn 1 năm so với kế hoạch, xã Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn) đã khoác lên mình “chiếc áo mới” với cách làm sáng tạo trong việc huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề cho XDNTM. Ông Trần Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Sau 6 năm thực hiện, xã Hoài Châu Bắc đã huy động trên 55 tỉ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, các công trình phúc lợi xã hội, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện; khôi phục, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp... Đáng ghi nhận là, người dân đã chung sức, đồng lòng đóng góp số tiền trên 9 tỉ đồng, hiến hàng trăm mét vuông đất, hàng ngàn ngày công để cùng với xã xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Đánh giá về sự nỗ lực của các cấp chính quyền, người dân trong chương trình XDNTM, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu, nhận xét: “Chương trình XDNTM đã góp phần đem lại diện mạo mới cho nông thôn toàn tỉnh với các đặc trưng như: Kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần người dân ngày càng được nâng cao, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, xã hội nông thôn dân chủ, văn minh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Thành quả này sẽ là nguồn động viên, cổ vũ và động lực lớn để chính quyền và nhân dân các xã còn lại tiếp tục phấn đấu thực hiện chương trình XDNTM trong thời gian tới”.
 

Theo Phú Mỹ/Báo KTNT.vn