XDNTM ở Tam Thanh: Đẩy mạnh phát triển sản xuất

XDNTM ở Tam Thanh: Đẩy mạnh phát triển sản xuất
Vị trí địa lý thuận lợi tạo điều kiện cho Tam Thanh phát triển kinh tế, nhờ đó mà nhiệm vụ XDNTM cũng hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.
một-góc-tam-thanh-hôm-nay.JPG
Một góc Tam Thanh hôm nay.

Tam Thanh là xã nằm ở phía Tây Nam của huyện Vụ Bản (Nam Định), cách trung tâm huyện khoảng 1,5km, nơi đây có Quốc lộ 10 và đường sắt Bắc - Nam chạy qua với chiều dài khoảng 1,5km; chưa kể còn có đường 37B với chiều dài 1,82km. Vị trí địa lý thuận lợi tạo điều kiện cho Tam Thanh phát triển kinh tế, nhờ đó mà nhiệm vụ XDNTM cũng hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.

Tam Thanh có dân số gần 6.000 người,  1.737 hộ, 3.250 người trong độ tuổi lao động, chiếm 54,28%. Trong phát triển sản xuất nông nghiệp, xã đã thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa, khuyến khích tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tạo thuận lợi cho áp dụng cơ giới hóa.

Hết năm 2013, nơi đây đã thực hiện xong công tác dồn điền đổi thửa, chuyển đổi được 60ha  thường xuyên bị ngập úng sang nuôi trồng thủy sản hoặc mô hình trang trại, gia trại tổng hợp. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đã làm tốt nhiệm vụ là cầu nối giữa người nông dân với nhà khoa học, với doanh nghiệp và với thị trường. Ban nông nghiệp xã chỉ đạo cơ cấu mùa vụ hợp lý, hướng dẫn cho nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp như gieo cấy sạ hàng, 100% cơ giới hóa trong khâu làm đất, 95% dùng máy trong khâu thu hoạch; nhờ đó, giảm được khá lớn công lao động và không ngừng nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác.

Trong phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, Tam Thanh tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách hỗ trợ nhằm phát triển đa dạng hóa các ngành nghề, đẩy mạnh hoạt động dịch vụ thương mại, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân. Bên cạnh đó, thu nhập của các lao động trẻ tại các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài địa bàn cũng mang lại niềm vui không nhỏ cho nhân dân địa phương; việc khuyến khích nhân dân đi xuất khẩu lao động ở các thị trường có thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng được Đảng bộ, chính quyền nơi đây hết sức quan tâm; các phong trào cựu chiến binh, nông dân, phụ nữ, thanh niên sản xuất giỏi được địa phương phát động và nhân dân hưởng ứng nhiệt tình.

Nhờ vào những quyết tâm đó nên tốc độ tăng trưởng hàng năm của xã đều đạt khoảng 15% trở lên, thu nhập bình quân đến cuối năm 2017 đã đạt 37,5 triệu đồng/người; cơ cấu các ngành chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm mạnh tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ (nông nghiệp chỉ còn 23,1%; xây dựng, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 51,6%; dịch vụ thương mại 25,3%).

Kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân trên địa bàn không ngừng được nâng cao, số hộ giàu tăng lên, số hộ nghèo giảm mạnh, lòng tin của dân với Đảng, với chính quyền không ngừng được củng cố; nhiệm vụ XDNTM của địa phương đã cán đích đúng kế hoạch đề ra, được Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2017.

Ông Trương Trọng Tường, Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: Năm 2018, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, không ngừng nâng cao năng suất; tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn; chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ..., phấn đấu sớm hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2016 - 2020 đã đề ra.

Với việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, đa dạng hóa các nguồn thu nhập đã mang lại sức bật lớn cho nhân dân và chính quyền Tam Thanh. Hy vọng, năm 2018, nơi đây sẽ có nhiều thành công hơn nữa, góp phần củng cố vững chắc chất lượng các tiêu chí trên địa bàn, đưa bộ mặt nông thôn Vụ Bản nói riêng, Nam Định nói chung tiếp tục đổi thay tích cực.

Theo  Đình Hợi/ Báo KTNT