Xã Nguyễn Huệ (Đông Triều): "5 được" từ một mô hình
- Thứ sáu - 08/11/2013 03:47
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đồng chí Dương Trọng Bát, Bí thư Đảng uỷ, đồng thời là Chủ tịch UBND xã Nguyễn Huệ cho biết, thực hiện chỉ đạo của Huyện uỷ Đông Triều, từ tháng 9-2010 đến nay, đồng chí là Bí thư Đảng uỷ, đồng thời là Chủ tịch UBND xã. Qua hơn 3 năm thực hiện ở xã Nguyễn Huệ đã khẳng định được tính đúng đắn của chủ trương nhất thể hoá người đứng đầu cấp uỷ với chính quyền ở xã. Theo đánh giá của Đảng uỷ, chính quyền xã Nguyễn Huệ, thực hiện mô hình này có 5 cái được. Cái được thứ nhất là đã góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp uỷ; tạo được sự thống nhất cao trong lãnh đạo, điều hành. Trước đây, khi Chủ tịch UBND xã nhận được chỉ đạo của cấp trên thì phải báo cáo Bí thư Đảng uỷ xã để thống nhất chỉ đạo; nếu Bí thư Đảng uỷ xã nhận được chỉ đạo của huyện cũng phải trao đổi, chỉ đạo bên chính quyền triển khai. Hay khi Đảng uỷ xã ra chủ trương, Bí thư Đảng uỷ xã sau đó phân công Chủ tịch UBND xã chỉ đạo các ban, ngành chức năng cụ thể hoá. Từ khi Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND xã, các chủ trương của Đảng uỷ xã được Chủ tịch UBND xã chỉ đạo thực hiện ngay, vì thế đã giảm bớt được khâu trung gian. Đồng thời, giảm được thời gian họp hành, khắc phục được tình trạng đùn đẩy công việc, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, đề cao trách nhiệm cá nhân, góp phần thực hiện tốt hơn nguyên tắc tập trung dân chủ, làm cho nghị quyết của Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Nhiều tuyến đường liên thôn ở xã Nguyễn Huệ đã được bê tông hoá nhờ sự hiến đất, góp công, góp của của nhân dân. Ảnh: Phan Hằng |
Cái được thứ hai là tạo được sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giữa tổ chức Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị ở xã. Cùng với đó đã khắc phục được tình trạng cấp uỷ “lấn sân”, bao biện làm thay chính quyền hoặc khoán trắng, buông lỏng sự lãnh đạo. Với mô hình này, vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền được thống nhất trong một người nên đã tạo được sự thống nhất cao trong mọi quyết định, phát huy được hiệu quả hoạt động của cả bộ máy Đảng và chính quyền.
Cái được thứ ba là đã nâng cao vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của tổ chức Đảng. Khi Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND xã, người lãnh đạo cao nhất xã trực tiếp tiếp nhận và xử lý thông tin để điều hành bộ máy giải quyết công việc hằng ngày của người dân nên gần dân hơn, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng, giải quyết công việc của dân nhanh hơn, sát hơn.
Cái được thứ tư là đề cao được vai trò của người đứng đầu. Khi được giao quyền cao như vậy thì người đứng đầu phải tự ý thức vươn lên để có thể hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Muốn vậy, người đứng đầu cần sắp xếp công việc hợp lý, khoa học trong lãnh đạo, linh hoạt trong điều hành, tin tưởng giao việc và phát huy tốt vai trò của mỗi cán bộ dưới quyền.
Thứ năm là thực hiện mô hình này buộc cán bộ trong hệ thống chính trị xã phải nâng cao trách nhiệm, trình độ mọi mặt để đáp ứng yêu cầu công tác. Bởi vì, người đứng đầu khi đảm nhiệm “hai vai” thì khối lượng công việc rất lớn, cấp phó và chuyên viên phải có năng lực thực sự thì mới hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao. Thực tế cho thấy, Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND xã thì thường xuyên phải họp hành, công tác trên huyện nên cấp phó ở nhà phải có năng lực thì mới điều hành, triển khai được các công việc do thực tế hằng ngày đặt ra. Do yêu cầu cao như vậy nên đội ngũ cán bộ xã Nguyễn Huệ thời gian qua đã nỗ lực cố gắng nên có nhiều tiến bộ. Minh chứng là tất cả các nhiệm vụ từ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở Nguyễn Huệ đều được thực hiện tốt, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi thay, đời sống nhân dân được nâng cao không ngừng. Đảng bộ xã Nguyễn Huệ nhiều năm liền được công nhận là trong sạch vững mạnh, mới đây được Tỉnh uỷ tặng bằng khen, biểu dương là tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu ba năm liền 2010-2012.
Bên cạnh những cái được trên đây, với tư cách “người trong cuộc”, đồng chí Dương Trọng Bát cũng chia sẻ về hai điều cần tránh khi thực hiện mô hình này. Ấy là công việc nhiều, có khi còn chồng chéo nên phải tránh chỉ thiên về công tác chính quyền mà lơ là công tác Đảng và ngược lại. “Công việc của Chủ tịch thường trực tiếp, cụ thể, khẩn trương, phức tạp, nếu không khéo rất dễ lôi cuốn Bí thư - Chủ tịch tập trung cho công tác chính quyền, ít dành cho công tác xây dựng đảng, dẫn đến khoán trắng cho Phó bí thư thường trực. Thứ hai là nếu không thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ sẽ dẫn tới độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ”, Bí thư Đảng uỷ - Chủ tịch UBND xã Dương Trọng Bát chia sẻ.
Để phát huy tốt mô hình này, từ thực tế ở xã Nguyễn Huệ, đồng chí Dương Trọng Bát kiến nghị cấp trên cần tiêu chuẩn hoá đối với chức danh Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho những cán bộ thuộc diện này; hướng dẫn cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của chức danh này và có chính sách đãi ngộ phù hợp.
Đỗ Ngọc Hà
theo baoquangninh