Xã Song Bình: Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả
- Thứ năm - 25/10/2018 03:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Phạm Hoàng Minh thành công với mô hình trồng bưởi da xanh.
Trước đây, Song Bình là xã thuần nông với cây trồng chính là lúa, mỗi năm canh tác 3 vụ nhưng thu nhập mang lại không cao. Vì thế, những năm gần đây người dân bắt đầu chuyển đổi mô hình sản xuất.
Năm 2012, nhận thấy hiệu quả từ cây lúa mang lại thấp, thu nhập bấp bênh, ông Phạm Hoàng Minh (ngụ ấp Bình An) đã mạnh dạn tiên phong chuyển đổi 5.000 m2 đất trồng lúa sang trồng 470 gốc bưởi da xanh.
Sau 2 năm trồng, vườn bưởi của ông bắt đầu cho trái, thu hoạch định kỳ mỗi tháng/lần.
Mỗi năm có 2 tháng bưởi cho trái rộ, với năng suất hơn 8 tấn/tháng, còn những tháng còn lại thu hoạch hơn 2 tấn. Thương lái đến tận vườn mua giá bình quân 40.000 - 50.000 đồng/kg bưởi, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận ông Minh thu về gần 500 triệu đồng/năm. Thế là tháng 12-2016, ông tận dụng 3000 m2 đất vườn nhà trồng thêm 200 gốc bưởi da xanh.
Nhờ những thành tích trong sản xuất, năm 2016 ông Minh được công nhận là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Ông Minh chia sẻ: “Nhiều người hỏi những bệnh thường gặp trên cây bưởi cần phun những loại thuốc nào, tôi đều nhiệt tình hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm cho bà con”.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây bưởi, nhiều nông dân trong vùng đến học tập để về áp dụng, chuyển đổi cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả canh tác. Đến nay, trên địa bàn xã có hơn 250 ha trồng bưởi da xanh, từ đó giúp nhiều hộ dân cải thiện đời sống.
Ngoài mô hình trồng bưởi da xanh, mô hình trồng nấm bào ngư cũng được nông dân xã Song Bình quan tâm. Sau khi tìm hiểu về trồng nấm bào ngư, anh Nhâm Chí Tâm (ngụ ấp Tân Tỉnh) đã mở 2 trang trại và trồng 23.000 phôi nấm bào ngư với kinh phí đầu tư hơn 120 triệu đồng.
Theo kinh nghiệm trồng nấm của anh Tâm, nấm bào ngư hầu như trồng được quanh năm. Trung bình trồng khoảng 15 ngày là bắt đầu cho thu hoạch và thu hoạch liên tục trong vòng hơn 4 tháng mới phải vệ sinh, trồng mới lại. Một phôi trung bình cho ra được 200 - 300 gram nấm/lần thu hoạch.
Với giá nấm bán trung bình dao động từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, trong đợt thu hoạch gần đây gia đình anh Tâm thu được gần 600 kg nấm, thu về khoảng 18 triệu đồng. Anh Tâm cho biết, sau 8 - 10 lần thu hoạch, đầu phôi bắt đầu chuyển màu nên phải thay phôi mới. Mùa nắng nấm ra ít nên phải thường xuyên tưới để giữ độ ẩm cho phôi. Mùa mưa, nấm ra to và đẹp nhưng giá không cao so với mùa nắng.
Hiện nay, trên địa bàn xã Song Bình còn nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế như: Trồng dừa Mã Lai (hơn 300 ha), trồng thanh long (hơn 82 ha), nuôi cút lấy trứng (hơn 100.000 con), nuôi bò (hơn 2.500 con)… Nhờ đó, những hộ có đất nông nghiệp đều có thu nhập khá.
Phó Chủ tịch UBND xã Song Bình Phạm Việt Trung cho biết, thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt 42 triệu đồng/năm, phần lớn người dân sống nhờ vào trồng trọt và chăn nuôi. Trong thời gian tới, xã tiếp tục hỗ trợ người dân chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học vào thực tiễn sản xuất và điều kiện canh tác.
Bên cạnh đó, xã sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho nông dân, hướng dẫn nông dân tham quan thực tế các mô hình kinh tế ở các địa phương khác; đồng thời, hướng dẫn nông dân tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác, hỗ trợ vốn vay để phát triển sản xuất.