Xã Vân Hồ: Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Xã Vân Hồ: Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi
Vân Hồ là một trong những xã được chọn xây dựng điểm trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện Vân Hồ. Bởi vậy, ngoài sự hỗ trợ của huyện, Đảng bộ và chính quyền xã luôn phát huy nội lực để phát triển kinh tế, tạo động lực để xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020.

 

 

Mô hình nuôi bò sữa của gia đình anh Đặng Đình Lương, Tiểu khu 56, xã Vân Hồ (Vân Hồ).

 

 

Là xã nằm trung tâm của huyện Vân Hồ, thuận lợi trong việc giao lưu, trao đổi hàng hóa và tiếp cận với nền kinh tế thị trường với trên 2.000 hộ dân thuộc 5 dân tộc Kinh, Mường, Thái, Mông và Dao cùng chung sống. Xã có diện tích tự nhiên trên 7.400 ha, có nhiều phiêng bãi bằng thuận lợi cho trồng trọt và chăn nuôi. Trước khi thành lập huyện Vân Hồ, người dân trong xã chủ yếu sống bằng nghề thuần nông như trồng ngô, lúa và chăn thả gia súc. Do đó, sản xuất chủ yếu mang tính tự túc, tự cấp, năng suất, chất lượng của cây trồng và vật nuôi thấp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, thực hiện Thông báo số 121-TB/TU, thông báo Kết luận của Ban Thường vụ tỉnh ủy về một số chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc đến năm 2020. Xã đã vận động bà con chuyển một phần diện tích trồng ngô sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

 

 

Tìm hiểu được biết, trước khi vận động người dân thực hiện việc chuyển đổi, xã đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn của huyện tiến hành khảo sát chất đất ở các bản để đánh giá mức độ phù hợp của đất với loại cây trồng như mận, bơ, chanh leo, nhãn chín muộn... Trên cơ sở đó, mới đưa ra định hướng cụ thể để phát triển từng loại cây trồng tại các bản. Nhớ về những ngày đầu vận động bà con thực hiện chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, đồng chí Mùi Văn Hưng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vân Hồ, cho biết: Tập quán trồng các cây lương thực đã ăn sâu vào đời sống của bà con, nên thời gian đầu việc chuyển đổi cây trồng gặp nhiều trở ngại. Sau khi một số vườn cây ăn quả được xã trồng làm mẫu cho thu hoạch với năng suất cao, chất lượng quả tốt, đã giúp người dân có niềm tin rằng cây ăn quả sẽ giúp họ thoát nghèo và quyết tâm chuyển đổi sang trồng cây ăn quả.

 

Qua chia sẻ của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, cho thấy, qua 3 năm triển khai, xã Vân Hồ hiện đã có 100 ha cây ăn quả, trong đó, khoảng 1/3 diện tích được chuyển đổi từ trồng ngô. Bên cạnh đó, một số hộ dân trong xã còn tự mua cây giống và học hỏi kỹ thuật trồng các loại cây khác như đậu, đỗ và rau sạch để trồng xen canh trên diện tích ruộng với phương châm thâm canh tăng vụ, thay vì chỉ trông chờ nguồn thu từ một vụ lúa và hai vụ ngô mỗi năm như trước đây, người dân đã có thêm thu nhập từ các sản phẩm của rau, màu trên mỗi ha ruộng tăng lên đáng kể. Những kết quả bước đầu của xã Vân Hồ trong việc chuyển hướng sản xuất, không thể không nhắc đến sự nỗ lực tuyên truyền vận động bà con của Hội Nông dân xã. Nhờ vậy, nhiều hộ đã tham gia vào HTX rau an toàn Vân Hồ, thu nhập của các thành viên HTX đạt gần 60 triệu đồng/vụ rau...

 

Cũng qua câu chuyện với người dân, chúng tôi được biết ông Đinh Văn Khánh, Trưởng bản Hang Trùng 1, là người đầu tiên của xã mạnh dạn trồng dâu tây - loại cây đòi hỏi nhiều công chăm sóc và kỹ thuật phức tạp. Đến thăm vườn dâu tây đang được ươm giống của gia đình ông Khánh, chúng tôi nhận thấy vườn dâu tây được trồng khoa học theo từng luống. Ông Khánh chia sẻ: Tôi trồng dâu tây từ năm 2016, vụ thu hoạch đầu tiên, trừ chi phí thu 120 triệu đồng. Tuy nhiên, giống cây trồng này đòi hỏi nhiều công chăm sóc, bởi từ làm cỏ, tỉa lá hay thu hoạch đều phải làm bằng tay và tuyệt đối không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Năm nay, gia đình tôi đã nhận được 2-3 đơn đặt hàng của khách dưới xuôi rồi.

 

Bên cạnh đó, xã Vân Hồ còn có nhiều thuận lợi để phát triển chăn nuôi đại gia súc, nhất là phát triển nuôi bò sữa. Hiện, xã có trên 4.100 con trâu, bò và có gần 1.500 con bò sữa, tập trung ở Tiểu khu Sao Đỏ 1 và 2. Mỗi năm, thu nhập bình quân từ chăn nuôi bò sữa của các hộ đạt khoảng 200 triệu đồng. Mặt khác, chăn nuôi của xã đang từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Ngoài số trâu, bò trên, hiện xã có trên 4.300 con lợn trên 2 tháng tuổi, hơn 36.000 con gia cầm. Người dân đã nuôi thêm dê để đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi. Trong chăn nuôi, việc đảm bảo đủ thức ăn và phòng, chống dịch bệnh, phòng, chống rét cho đàn vật nuôi được nhân dân 14/14 bản, tiểu khu của xã quan tâm thực hiện. Hằng năm, xã tổ chức 2-3 đợt tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng cho đàn vật nuôi. Ngoài ra, bà con còn  trồng gần 30 ha cỏ voi và trồng 1 vụ ngô mỗi năm để lấy thức ăn cho đàn vật nuôi.

 

Những kết quả bước đầu từ chuyển đổi hướng sản xuất đã mang lại thu nhập bình quân của người dân xã Vân Hồ đạt 18 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 24,9%. Tuy nhiên, nhiều hộ dân trong xã vẫn còn gặp khó khăn trong việc chuyển hướng sản xuất, do thiếu vốn đầu tư sản xuất; chăn nuôi vẫn chủ yếu theo hình thức chăn thả; người dân còn thiếu kiến thức kỹ thuật. Xác định rõ những khó khăn trên, xã đã đề ra các giải pháp trong thời gian tới, đó là: Mời cán bộ chuyên môn ở huyện về các bản tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho người dân; vận động bà con chuyển từ chăn thả gia súc sang nuôi nhốt chuồng, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, lại chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Đặc biệt, xã đã có kế hoạch xây dựng các bản Suối Lìn và Hua Tạt trở thành bản du lịch cộng đồng...

 

Cùng với sự chung sức, đồng lòng của người dân trong xã và những hướng đi cụ thể trong chuyển hướng sản xuất, tin rằng xã Vân Hồ sẽ sớm trở thành một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế của huyện Vân Hồ.

Theo Khải Hoàn/Báo Sơn La.vn