Xây dựng NTM ở Bình Phước: Những mô hình sản xuất tiêu biểu

Trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tại tỉnh Bình Phước, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX, làm ăn hiệu quả, đóng góp tích cực vào tiến trình thực hiện chương trình.
Mô hình sản xuất tiêu sạch tại HTX tiêu sạch Hưng Phước

Mô hình sản xuất hoạt động hiệu quả là tiêu chí số 13 trong Bộ Tiêu chí xây dựng NTM. Từ khi Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được triển khai thực hiện, Bình Phước đã xác định đó là tiêu chí quan trọng, góp phần hỗ trợ thực hiện nhiều tiêu chí khác. Bởi vậy, tỉnh đã có sự quan tâm thích đáng đến việc thực hiện tiêu chí này.

Đến nay, trên khắp các địa phương của tỉnh đều có những HTX làm ăn hiệu quả. Cụ thể:

Thị xã Đồng Xoài: HTX Tư vấn liên kết sản xuất điều và Dịch vụ phân bón vi sinh Bình Phước.

Huyện Hớn Quản: 4 HTX nông nghiệp, gồm 2 HTX trồng tiêu tại 2 xã Thanh An, An Khương; HTX trồng ngô biến đổi gen tại xã Phước An; HTX trồng rau an toàn trong nhà kính tại xã Tân Khai.

Huyện Bù Đốp: Các HTX trồng tiêu sạch tại 5 xã (Thiện Hưng, Phước Thiện, Hưng Phước, Tân Tiến, Tân Thành) trên địa bàn.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện hiện đang xây dựng mô hình Câu lạc bộ chăn nuôi bò và trồng tiêu theo hướng hữu cơ sinh học tại các xã Thiện Hưng (với 23 hộ tham gia), xã Tân Tiến (với 14 hộ tham gia) và xã Thanh Hòa (với 12 hộ tham gia).

Huyện Lộc Ninh: Huyện phối hợp Liên minh HTX tỉnh, công ty gia vị Nedspice Việt Nam tập huấn kỹ năng quản lý HTX và kỹ thuật trồng tiêu sạch cho các HTX trồng tiêu; phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thành lập các HTX sản xuất tiêu sạch tại các xã theo quy định; phối hợp Hội LHPN huyện thành lập và ra mắt THT phụ nữ kinh doanh chăn nuôi dê ấp Hiệp Thành xã Lộc Hiệp.

Trên địa bàn có 32/40 trang trại (gồm 4 trang trại chăn nuôi và 28 trang trại trồng trọt) hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 230 lao động tại địa phương.

Huyện Bù Đăng: Có 21 HTX, trong đó có 19 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và 2 HTX hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Tuy nhiên, có 6 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đạt hiệu quả, đó là HTX Phú Tiến (xã Phú Sơn); HTX Đồng Nai và HTX Bù Sốp (xã Đồng Nai); HTX Tân Hòa (xã Đoàn Kết); HTX Hiệp Thành (xã Bình Minh); HTX Thành Phát (xã Bom Bo).

Huyện đã hướng dẫn phát triển các THT có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp tạo hiệu quả các khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ và đầu tư hiệu quả, bền vững. Mới đây, huyện đã thành lập thêm 2 HTX nông nghiệp tại xã Đức Liễu và xã Thọ Sơn. Hiện đang hướng dẫn xã Minh Hưng thành lập HTX.

Huyện Bù Gia Mập: Mô hình cải tạo vườn điều già cỗi tại xã Phú Nghĩa thực hiện cho 16 hộ dân; mô hình nuôi bò sinh sản tại xã Bù Gia Mập thực hiện cho 9 hộ và tại xã Đa Kia thực hiện cho 8 hộ; mô hình chăn nuôi dê sinh sản tại xã Đức Hạnh thực hiện cho 13 hộ.

Huyện Chơn Thành: Hiện nay, huyện đang thúc đẩy việc liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn. Trên địa bàn huyện hiện đã có mô hình liên kết sản xuất của HTX măng tre Thành Tâm hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với cơ sở thu mua của Chợ đầu mối Thủ Đức.

Tất cả các mô hình sản xuất trên đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào việc giảm nghèo ở Bình Phước và thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

T.H/http://thoibaokinhdoanh.vn/