Xây dựng nông thôn mới: Cần có giải pháp "đạt" tiêu chí bền vững
- Thứ tư - 13/09/2017 18:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sau khi Chính phủ ban hành Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016, UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã ban hành Quyết định số 391/QĐ-UBND ngày 7/3/2017 về việc điều chỉnh một số tiêu chí trong xây dựng NTM. Từ đây, số tiêu chí đạt chuẩn của các địa phương đã giảm xuống so với năm 2016.
Tiêu chí tổ chức sản xuất chuẩn mới đòi hỏi phải theo chuỗi giá trị |
Đồng loạt giảm về tiêu chí
Đến nay, toàn tỉnh có 5/61 xã đạt chuẩn NTM. Theo quy định mới, bình quân mỗi xã hiện có 10,57 tiêu chí đạt chuẩn, giảm 0,46 tiêu chí/xã so với năm 2016. Đối với 6 xã điểm của tỉnh, bình quân đạt 13,83 tiêu chí/xã, giảm 0,5 tiêu chí/xã so với năm 2016. Với 6 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2017 thì bình quân mỗi xã có 13,33 tiêu chí đạt chuẩn, giảm 1,33 tiêu chí/xã so với năm 2016. Cùng với mức chung thì kết quả của từng huyện cũng có nhiều nơi biến động về số tiêu chí đạt chuẩn so với trước đây.
Cụ thể như huyện Ðắk Song, bình quân toàn huyện có 10,63 tiêu chí đạt chuẩn, giảm 0,5 tiêu chí so với năm 2016. Huyện Đắk R’lấp đạt bình quân 13 tiêu chí, giảm 1,1 tiêu chí so với năm 2016. Huyện Đắk Glong đạt bình quân 6,86 tiêu chí, giảm 1,57 tiêu chí so với năm 2016. Theo kế hoạch, trong năm 2017, toàn tỉnh phấn đấu đạt bình quân 11,7 tiêu chí về NTM nhưng hiện con số này mới được 10,57 tiêu chí nên nếu không có sự quyết tâm, quyết liệt thì sẽ rất khó về đích đúng kế hoạch.
Theo ông Phan Văn Sinh, Phó Chánh Văn Phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới tỉnh thì khi nhìn nhận vấn đề giảm tiêu chí ở các địa phương, trước hết cần có cái nhìn khách quan đó là Trung ương, tỉnh đưa ra những mức chuẩn cao hơn. Cụ thể, theo Bộ tiêu chí về xã NTM được quy định tại Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 391/QĐ-UBND ngày 7/3/2017 của UBND tỉnh Đắk Nông thì có tăng thêm 10 chỉ tiêu thực hiện và một số tiêu chí có yêu cầu để đạt được cao hơn so với Bộ tiêu chí quy định tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 772/QĐ-UBND ngày 27/5/2014 của UBND tỉnh Đắk Nông trước đây. Một số tiêu chí có sự thay đổi rõ nhất như tiêu chí số 5 về trường học, số 6 về cơ sở vật chất văn hóa, số 11 về hộ nghèo, số 13 về tổ chức sản xuất, số 17 về môi trường...
"Lộ"... vấn đề chủ quan
Bên cạnh một số chỉ tiêu mới, việc các địa phương bị "hụt" một số tiêu chí khi áp dụng quy định mới còn thể hiện sự chủ quan, thiếu tính bền vững trong xây dựng các tiêu chí. Thực trạng chung là khi xét các chỉ tiêu, tiêu chí của các xã theo Bộ tiêu chí cũ hầu như đang ở mức tối thiểu, thậm chí có một số tiêu chí đạt "ép" nên khi đánh giá theo Bộ tiêu chí mới có yêu cầu cao hơn thì bị hụt khá xa. Điều này đồng nghĩa với việc để phấn đấu đạt mục tiêu đề ra, nhiệm vụ của các địa phương sẽ nặng nề hơn.
Huyện Đắk Glong là địa phương có tiêu chí bình quân chung đạt thấp với 6,86 tiêu chí, trong khi kế hoạch giao 9 tiêu chí/xã vào cuối năm 2017. Theo ông Nguyễn Đức Hải, Chủ tịch UBND xã Đắk P’lao (Đắk Glong) thì do có chuẩn mới nên 6 tháng đầu năm 2017, xã mới đạt 8/19 tiêu chí, giảm 3 tiêu chí là thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, tổ chức sản xuất so với năm 2016.
Hơn thế, các tiêu chí đã đạt cũng mới chỉ ở mức chuẩn thấp nhất. Trước thực tế này, đòi hỏi Bộ máy Ban quản lý chương trình của xã, ban phát triển thôn, bon có cái nhìn khách quan hơn về thực tế, đưa ra các giải pháp có tính chiến lược, huy động tối đa các nguồn lực hơn chứ không phải lo những mục tiêu trước mắt, mang tính chủ quan như thời gian qua.
Xã Đắk Wer (Đắk R'lấp) cuối năm 2016 cũng đạt 15/19 tiêu chỉ. Tuy nhiên, theo quy định mới, hiện nay xã mới chỉ có 12/19 tiêu chí đạt chuẩn. 3 tiêu chí bị "rớt" gồm: Trường học, y tế và hệ thống chính trị. Tương tự, xã Nghĩa Thắng cũng bị "rớt" 4 tiêu chí so với năm 2016 (từ 16/19 tiêu chí năm 2016 xuống còn 12/19 tiêu chí).
Theo ông Phạm Quang Vượng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT, Phó Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện Đắk R'lấp thì nếu như các tiêu chí “cứng” có vẻ dễ đạt thì địa phương lại quan tâm, lo lắng nhiều hơn về các tiêu chí “mềm” theo hướng lâu dài. Trong đó, huyện đang tập trung tổ chức sản xuất tốt gắn với các chuẩn mới để tạo động lực cho việc đạt các tiêu chí khác. Hiện nay địa phương đang tập trung vào việc đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, trước mắt là hồ tiêu và cà phê.
Cũng theo ông Phan Văn Sinh, việc đánh giá kết quả 8 tháng đầu năm về xây dựng NTM, nhiều địa phương hiện đang lấy kết quả của năm 2016 để đánh giá, nên chất lượng và mức độ đánh giá cũng chưa chính xác. Hơn nữa, nguồn vốn cho chương trình cũng mới được phân bổ từ tháng 7 nên chắc chắn nội dung tiêu chí sẽ tăng cao trong những tháng cuối năm. Việc đánh giá kết quả một số chỉ tiêu, tiêu chí thường vào cuối năm mới tiến hành đánh giá, công nhận như: Tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, văn hóa, hệ thống tổ chức chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng và an ninh nên cũng còn cơ hội cho các địa phương phấn đấu. Tuy nhiên, việc sụt giảm số tiêu chí như đã nêu đang đặt ra cho các cấp, ngành, địa phương cần có sự nhìn nhận đúng vấn đề theo hướng thực chất, bền vững. Từ đó, các địa phương mới đưa ra được những giải pháp, cách làm phù hợp nhằm đạt lại tiêu chí và luôn nâng cao chất lượng từng tiêu chí thành phần, tiêu chí nhỏ, tránh việc rớt tiêu chí, hay tâm lý chỉ đạt mức sàn để lấy thành tích chung