Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Nam: Tam Phú ngày càng trú phú
- Thứ ba - 29/05/2018 10:14
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Làng quê đổi mới và hiện đại
Về với xã Tam Phú trong những ngày đầu hè năm 2018, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng về cảnh quan, môi trường của nơi đây. Từ khắp các thôn xóm, đi đâu chúng tôi cũng nhận thấy không khí rộn ràng, khẩn trương của người dân hăng say lao động sản xuất, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, cùng nhau xây dựng thôn kiểu mẫu, vườn mẫu, theo chủ trương NTM nhằm đưa xã về đích đúng lộ trình vào cuối năm 2018.
Nuôi tôm là thế mạnh của xã Tam Phú và hiện nay có nhiều mô hình nuôi tôm như của anh Trương Công Văn thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Ảnh: T.H
Ông Nguyễn Đức Vương - Chủ tịch UBND xã Tam Phú cho biết: “Xác định Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM là động lực quan trọng để làm thay đổi cơ bản diện mạo ở khu vực nông thôn, chính vì vậy trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tam Phú đã tập trung các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng về trường học, giao thông, thủy lợi... được quan tâm hàng đầu. Nhờ đó, những con đường liên thôn trước đây vốn lầy lội nay đã được bê tông hóa rộng rãi, sạch đẹp trải dài dọc theo các khu dân cư; những ngôi nhà kiên cố, khang trang mọc lên san sát hai bên đường. Đặc biệt hơn cả là sự đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm của người dân - đó là những chuyển biến tích cực từ quá trình xây dựng NTM ở xã Tam Phú”.
Theo ông Vương, từ nguồn vốn của Chương trình NTM, lồng ghép các chương trình khác và nhân dân đóng góp, xã đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông và các công trình thiết yếu phục vụ dân sinh. Trong giai đoạn 2012 - 2017 Tam Phú đã xây dựng được 13,32km đường trục xã, liên xã, đạt tỷ lệ 100%; đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn 13,54km; đường ngõ, xóm sạch được bê tông hóa 15,98km, đường trục chính nội đồng đã cứng hóa 4,91km.
Về cơ sở vật chất văn hóa, hiện xã có 7/8 thôn có khu văn hóa, còn nhà sinh hoạt văn hóa thôn Phú Thạnh đang xây dựng và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018. Xã có 8/8 thôn đạt thôn văn hóa và 6/8 thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa 3 năm liền trở lên. Hội trường đa năng của xã có quy mô trên 200 chỗ ngồi, có 3 phòng chức năng (phòng đọc sách báo, phòng phát thanh, phòng hành chính), có khu vệ sinh và trồng hoa, cây xanh. Trang thiết bị được đầu tư mua sắm đầy đủ như: Thiết bị âm thanh, ánh sáng, đèn chiếu… Cả 8/8 thôn có internet kéo đến thôn, phủ sóng điện thoại di động, hoạt động truyền thanh đến các thôn hoạt động tốt.
Việc thu gom rác thải được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình, môi trường được cải thiện rõ nét, không có tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. 100% hộ dân của xã đã được dùng nước hợp vệ sinh; 100% số cơ sở sản xuất kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy trình về bảo vệ môi trường. Các trường học đều đạt chuẩn, toàn xã có 3 trường học, trong đó 2 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (mẫu giáo Anh Đào và THCS Lý Thường Kiệt), 1 trường đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học (Tiểu học Nguyễn Viết Xuân), đạt tỷ lệ 100% số trường đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học.
“Nhìn chung từ khi triển khai Chương trình xây dựng NTM đến nay, địa phương đã có nhiều thay đổi rõ rệt, từ cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất trường lớp, y tế… được xây mới đồng bộ và khang trang hơn” - ông Vương chia sẻ.
Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả
Ông Nguyễn Đức Vương cho biết thêm, tính đến nay Tam Phú đã hoàn thành 15/19 tiêu chí NTM. Còn lại 4 tiêu chí xã sẽ cố gắng hoàn thiện trong năm nay gồm: Giao thông, văn hóa, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa. Ngay từ đầu năm, xã đã xây dựng lộ trình đầu tư hoàn thiện các tiêu chí này để phấn đấu đến cuối 2018 được công nhận xã NTM.
Theo ông Vương, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng để tạo khâu đột phá mới, ngay từ đầu triển khai NTM, ưu tiên hàng đầu của Tam Phú là tập trung phát triển sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi để nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Vì thế, thời gian qua xã đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, như: Mô hình trồng cây Măng Tây tại Đồng Sếu, thôn Phú Đông; mô hình sản xuất rau củ quả sạch; mô hình chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lạc 12ha; sản xuất lúa chất lượng cao tại thôn Quý Thượng 5ha; trồng nấm linh chi, mô hình nuôi bò, nuôi tôm nước lợ…
Điển hình trong phát triển kinh tế của xã như mô hình nuôi lợn của hộ ông Nguyễn Thanh Việt ở thôn Quý Thượng, mô hình nuôi gà của bà Lương Thị Nghĩa ở thôn Quý Thượng, mô hình nuôi tôm của hộ ông Trịnh Ngọc Thành ở thôn Phú Ngọc…
“Xã xác định mô hình nuôi tôm nước lợ là thế mạnh của địa phương nhằm nâng cao thu nhập cho bà con. Toàn xã có trên 150 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng nước lợ, với tổng diện tích 120ha, hàng năm đem lại nguồn thu đáng kể cho bà con nhân dân, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ mô hình này. Tiêu biểu phải kể đến hộ ông Trịnh Ngọc Thành ở thôn Phú Ngọc, hộ ông Trương Công Minh ở thôn Phú Thạnh, hộ ông Trương Công Văn ở thôn Phú Quý… Thu nhập bình quân của các hộ nuôi tôm này từ 200-300 triệu đồng/hộ/năm” - ông Vương nói.
Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của anh Trương Công Văn ở thôn Phú Quý. Anh Văn cho hay: “Với diện tích hơn 2.000m2 nuôi tôm thẻ chân trắng như hiện nay, mỗi năm 3 vụ, hàng năm sau khi trừ chi phí thức ăn, con giống… tôi lãi trên 200 triệu đồng. Nhờ vậy mà tôi nuôi 3 đứa con ăn học đàng hoàng, sắm sửa đồ dùng trong nhà, xây được nhà cửa khang trang. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng trang trại nuôi tôm của mình lên khoảng 3.000m2 nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình”.
Theo Trần Hậu - Trương Hồng/Báo Dân Việt.vn