Xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới: Lấy người dân làm trung tâm
- Thứ bảy - 16/09/2017 18:41
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Người dân xã Hồng Thái (Na Hang) trồng lê mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Quốc Việt
Gỡ các tiêu chí khó
Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã bước vào năm thứ 7. Qua 7 năm, diện mạo nông thôn tại các xã thay đổi toàn diện, đời sống người dân không ngừng được nâng cao.
Về Tân Trào (Sơn Dương), xã đầu tiên hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới năm 2014 nhận thấy rõ nét nhất những thay đổi tích cực này. Ông Hoàng Cao Khải, Chủ tịch UBND xã cho biết, thay đổi rõ nét nhất là hạ tầng nông thôn được xây dựng đồng bộ, thu nhập người dân không ngừng tăng qua các năm.
Ông Khải minh chứng: Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người đạt 5 triệu đồng/người; năm 2014 đạt 16,4 triệu đồng/người thì hiện nay tăng lên 26,2 triệu đồng/người. Tại làng nghề chè Vĩnh Tân, sau khi được công nhận là làng nghề đầu tiên của tỉnh, thôn đưa sản phẩm tham gia Festival chè Thái Nguyên và vinh dự đạt cúp Đồng, giá bán chè búp khô nhờ thế tăng từ 100 nghìn đồng/kg lên 250 nghìn đồng/kg.
Tại 7 xã đăng ký hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới năm nay, có 4 xã đạt 12 tiêu chí là Khuôn Hà, Thái Hòa, Đại Phú, Hồng Lạc; 1 xã đạt 13 tiêu chí là Kim Phú; 1 xã đạt 15 tiêu chí là Hòa Phú; Trung Môn đạt 18 tiêu chí. Đối với các tiêu chí chưa hoàn thành, các xã đang nỗ lực dồn sức thực hiện.
Theo Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh, tại các xã đăng ký về đích nông thôn mới năm nay nói riêng và hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh nói chung, 2 tiêu chí khó thực hiện nhất hiện là tiêu chí thu nhập và môi trường. Trong đó, tiêu chí môi trường là tiêu chí phụ thuộc rất lớn vào ý thức người dân, nếu không có sự chủ động, tự giác của người dân thì rất khó thực hiện.
Trong năm 2017, tại 7 xã đăng ký về đích nông thôn mới năm 2017 và các xã trong lộ trình đến năm 2020 được hỗ trợ xây dựng 5 công trình cấp nước tập trung; 11 xã xây dựng điểm thu gom rác, trang bị xe chở rác, 7 bãi xử lý rác thải tập trung, 14 nghĩa trang theo quy hoạch và hỗ trợ xây dựng 940 hầm bể bioga, 2.916 nhà tắm, 2.360 nhà tiêu, 2.015 chuồng trại chăn nuôi. Những thôn xa trung tâm, xa đường giao thông, mỗi hộ dân được hướng dẫn xây dựng các lò đốt rác mini.
Bên cạnh sự chủ động của các xã, các sở, ngành liên quan cũng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ về đích nông thôn mới. Trong đó, ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh hỗ trợ 40 xã 200 triệu đồng từ nguồn quỹ Bảo vệ môi trường của tỉnh mua sắm trang thiết bị vệ sinh môi trường. Các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng dành 3 tỷ đồng cho 2.822 hộ vay để xây dựng chuồng trại chăn nuôi kết hợp bể bioga; 14,6 tỷ đồng cho 1.590 hộ vay xây dựng nhà tiêu và chuồng trại chăn nuôi.
Người dân xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) thu hái chè. |
Tiêu chí thu nhập hiện cũng được nhiều xã linh hoạt thực hiện như xã Đại Phú (Sơn Dương). Sau thời điểm giá lợn xuống chạm đáy, hầu hết các hộ chăn nuôi lợn tại Đại Phú đều lao đao, tiêu chí giảm nghèo vì thế bị ảnh hưởng khá lớn. Theo thống kê, Đại Phú hiện còn 476 hộ nghèo, chiếm 17,6%. Giải pháp của Đại Phú hiện nay là vận động người lao động địa phương đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Hiện xã có gần 200 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp với mức thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, xã mạnh dạn khuyến khích người dân tập trung phát triển một số cây trồng có thị trường như cây ăn quả, rau màu các loại. Đến giữa năm 2017, một số thôn như Vinh Phú, Thái Sơn Đông, Thái Sơn Tây, Cây Thông đã chuyển đổi hơn 60 ha vườn tạp, ruộng 1 vụ sang trồng cây ăn quả, ớt xuất khẩu.
Việc xây dựng các mô hình hỗ trợ được thay đổi, trong đó tập trung vào chuỗi liên kết. Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, năm nay tỉnh phân bổ 17,5 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa cho 31 xã, một chuỗi phát triển cây bưởi liên xã tại huyện Yên Sơn và hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác. Đồng thời, phân bổ 2,2 tỷ đồng vốn sự nghiệp cho 22 hợp tác xã nông lâm nghiệp tại 7 xã đăng ký về đích nông thôn mới trong năm nay.
Ông Tạ Văn Tình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Sơn cho biết, huyện có 8 xã được hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi, trong đó chuỗi phát triển cây bưởi là chuỗi hàng hóa liên xã đầu tiên được hỗ trợ tại tỉnh ta. Hiện diện tích bưởi tại 4 xã Phúc Ninh, Tứ Quận, Thắng Quân, Xuân Vân là gần 1.000 ha. Từ nguồn vốn hỗ trợ lần này, huyện sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng, mẫu mã quả, đồng thời tập trung xúc tiến đầu tư, tìm kiếm thị trường tại các siêu thị và các tỉnh, thành lớn.
- Đến năm 2020, toàn tỉnh có 40/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới. |
Theo thống kê của Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã có 42 xã đạt tiêu chí thu nhập (thu nhập đạt trên 22 triệu đồng/người/năm), 18 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm. Đến năm 2020, tỉnh phấn đấu 59,7% số xã (77 xã) đạt tiêu chí thu nhập và 50% số xã (65 xã) đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm.
Để tăng nguồn lực cho các xã xây dựng nông thôn mới, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh dành 408,3 tỷ đồng; Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh ưu tiên 1.135 tỷ đồng cho các xã để hoàn thành các công trình hạ tầng và phát triển sản xuất.
Giai đoạn mới, thách thức mới
Bước sang giai đoạn mới, nông nghiệp nông thôn tỉnh ta cũng đang đứng trước thách thức mới. Bộ tiêu chí quốc gia công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 vẫn duy trì 19 tiêu chí nhưng số chỉ tiêu đã tăng từ 39 lên 49 so với giai đoạn trước. Trong đó, một số tiêu chí khó thực hiện như An toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, thu nhập, nước sạch...
Ngày 14-4-2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 115/QĐ-UBND về một số tiêu chí, chỉ tiêu xã nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Trong đó, 6 tiêu chí gồm giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, môi trường và an toàn thực phẩm được thay đổi phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh miền núi như tỉnh ta.
Nhiều chỉ tiêu được đánh giá là linh hoạt và phù hợp với điều kiện của tỉnh như tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, chỉ cần đáp ứng được 1 trong 2 nội dung: Có chợ nông thôn trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đạt chuẩn theo quy định; hoặc có cơ sở bán lẻ khác ở nông thôn, bao gồm siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng tổng hợp đạt chuẩn theo quy định...
Thôn Vinh Phú, xã Đại Phú (Sơn Dương) được xây dựng là khu dân cư kiểu mẫu. |
Mục tiêu của tỉnh ta là đặt người dân vào trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo khi công nhận 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Để làm được điều này, mỗi tiêu chí, mỗi việc làm đều bắt nguồn từ chính lợi ích của mỗi người dân trong thôn, trong xã.
Thôn Vinh Phú, xã Đại Phú (Sơn Dương) được chọn xây dựng khu dân cư kiểu mẫu của xã. Theo ông Lê Văn Tập, Bí thư Chi bộ thôn phấn khởi nói, mỗi người dân trong thôn đều ý thức, chung tay xây dựng nông thôn mới chính là thay đổi cuộc sống của chính mình, con em mình nên ai nấy đều chủ động thực hiện các tiêu chí trong khả năng của mình. 57 hộ dân trong thôn đều đã hoàn thành việc chỉnh trang nhà cửa, cải tạo vườn tạp, vì diện tích ruộng của cả thôn chỉ khoảng 4 ha. Những khoảnh vườn nhỏ trồng cây ăn quả, rau màu, mía, dưa hấu... mùa nào thức nấy, góp phần nâng cao thu nhập của bà con trong thôn.
Thành phố Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2020 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tính đến thời điểm này, thành phố đã có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: An Khang, Tràng Đà, Lưỡng Vượng. 2 xã Thái Long, Đội Cấn phấn đấu về đích lần lượt vào năm 2018 và 2019. Hiện Thái Long đã đạt 14/19 tiêu chí, Đội Cấn đạt 10/19 tiêu chí. Không về đích trong năm nay không có nghĩa là không dồn sức thực hiện.
Trước đó, UBND thành phố Tuyên Quang đã giao chỉ tiêu cho xã Thái Long, Đội Cấn trong năm 2017 phải hoàn thành 3 tiêu chí. Trong đó, Thái Long hoàn thành các tiêu chí thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường và an toàn thực phẩm; Đội Cấn hoàn thành các tiêu chí quy hoạch, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng - an ninh. Riêng xã An Tường không đưa vào kế hoạch về đích nông thôn mới do là xã trung tâm của thành phố và đang trong lộ trình xây dựng lên phường.
Xã Lăng Can (Lâm Bình) cũng xây dựng kế hoạch thực hiện, hoàn thành từng tiêu chí xây dựng nông thôn mới từ cuối năm 2016, phấn đấu đến năm 2018 được công nhận xã nông thôn mới. Trong đó, giải pháp của xã là giao từng tiêu chí cho cán bộ, đảng viên, giao thời gian hoàn thành và gắn trách nhiệm thực hiện với việc đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên. Nhờ các giải pháp này, hiện Lăng Can đã hoàn thành 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Nguyễn Văn Nhật, Bí thư Chi bộ thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can, thì chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã bắt đầu “ngấm” vào từng con người ở đây. Thôn có 156 hộ dân, đã có 5 hộ chỉnh trang nhà cửa, tham gia làm dịch vụ homestay. Việc cải tạo vườn tạp, nâng cao thu nhập được chi bộ thôn thống nhất thành lập 5 nhóm mô hình để hỗ trợ, hướng dẫn nhau kiến thức, kinh nghiệm làm ăn, bao gồm: Nhóm chăn nuôi cá, nhóm chăn nuôi dê, nhóm nuôi vịt thả suối, nhóm nuôi lợn đen và nhóm nuôi gà thả vườn.
Trước những thách thức mới, sự trông chờ, ỷ lại của người dân tại các xã đã cơ bản được khắc phục. Mỗi xã trên địa bàn tỉnh đang từng ngày khoác lên mình diện mạo mới, với những con người mới: Chủ động hơn, giàu đẹp hơn!.