Xây dựng nông thôn ở Rào Tre
- Thứ hai - 11/12/2017 05:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đêm ở bản Rào Tre. Dọc theo tuyến độc đạo vào bản, trong cái im ắng của núi rừng là một không gian thật lạ. Những dãy nhà san sát nhau, ánh sáng le lói từ những ngôi nhà tranh vừa được xây dựng xen giữa những ngôi nhà sàn cũ. Và vì khoảng cách quá gần, nên nhiều bóng điện cũng “làm nhiệm vụ” sáng chung cho mấy ngôi nhà.
Cách đây chưa lâu, trong gia đình 5 người, chị Hồ Thị Nhỏ khó để bố trí được không gian thuận tiện cho trẻ con học bài... Ba đứa ngồi chung một bàn nhỏ, ngay cạnh giường ngủ chung của vợ chồng. Bố đang tựa cửa ngó con học, mẹ thì vừa nấu bếp, vừa nói vọng lên nhắc nhở con học bài. Ngay bên cạnh, một túp lều nhỏ của Hồ Thị Xanh vừa tách hộ. Tất cả sinh hoạt của gia đình này chỉ gói gọn trong cái không gian chưa đầy 2 chục mét vuông, kê một cái giường ghép bằng cây rừng và một khu bếp cỏn con để nấu ăn.
Rào Tre ngày mới! Vẫn cái không gian quen thuộc của chừng 10 năm trước. Lúc ấy, con người có thể đủ điều kiện về nhà ở, đất đai để sinh hoạt và sản xuất. Tuy nhiên, giờ đây, khói nhà này đã vươn sang gác bếp nhà khác. Sinh con, đẻ cái, lập gia đình, tách hộ..., đồng bào Chứt đã lần lượt tự xen nhiều ngôi nhà tạm giữa các không gian trước đây đã quy hoạch là đất vườn... Chưa bao giờ, vấn đề nhà ở và đất ở lại trở nên cần thiết như lúc này. Đặc biệt, trong điều kiện nhà ở nông thôn trở thành một tiêu chí cần thiết trong xây dựng nông thôn mới.
Mấy tháng nay, gia đình chị Hồ Thị Nhỏ đã được chuyển lên ngôi nhà mới. Toàn bộ khuôn viên ngôi nhà cũ được tháo dỡ, mở rộng thành vườn để tăng gia sản xuất... Nhà nước cho tiền, bộ đội giúp công, đồng hành từ những ngày đầu làm mặt bằng cho đến những công đoạn cuối cùng... Chị bảo, “một ngôi nhà mà có trong mơ, anh chị cũng không nghĩ rằng mình có tiền để làm được”.
Bà Hồ Thị Nậm, người được xem là già nhất bản, tuổi còn nhiều hơn cả cây thông rừng đầu bản. Trên nền ngôi nhà tạm bợ, xuống cấp vì mưa nắng bao năm..., giờ đây, bà cũng vừa nhận bàn giao ngôi nhà mới từ BĐBP tỉnh. Những ngày đầu, khi bộ đội làm, dù sức yếu, bà vẫn liên tục ra trò chuyện, động viên. Với bà, niềm vui cũng lớn lao như chính những ngày đầu, khi bà là một trong những cư dân của bản được bộ đội đưa về, lo cho ăn, mặc, dạy cho biết trồng lúa, học chữ... Cái ơn này, theo bà, lớn tựa non cao: “Được Nhà nước đầu tư cho là rất cảm ơn rồi, gạo cơm cũng Nhà nước nuôi, nói chung, cái chi cũng Nhà nước hết... Ơn lắm lắm...” - Bà bảo thế.
Còn rất nhiều những ngôi nhà mới thời gian qua được hoàn thiện để bàn giao cho bà con đưa vào sử dụng tại Rào Tre. Nhiều năm qua, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, của BĐBP, đời sống của đồng bào nơi đây đã được quan tâm về nhiều mặt. Riêng về nhà ở, các hộ dân đang từng bước được hỗ trợ để chỉnh trang và xây dựng nhà mới. Từ Đề án 2571 của UBND tỉnh, nhiều chính sách liên quan đến nhà ở, phát triển kinh tế, hỗ trợ sinh hoạt được triển khai. Mỗi cặp vợ chồng kết hôn giữa người Chứt và người Kinh đều được tạo điều kiện về nhà ở như thế này...
Đặc biệt, trong năm 2017, UBND tỉnh cũng vừa quyết định hỗ trợ 300 triệu đồng, giao BĐBP làm mới 6 ngôi nhà, từng bước giúp bà con giải quyết dần những bức thiết trước mắt về nhà ở. Cũng từ đây, nhiều vấn đề chỉnh trang nhà ở cũng được bộ đội hướng dẫn, để người Chứt cùng bắt tay tham gia xây dựng nông thôn mới ngay trong mỗi nhà, trong bản của mình. Chị Hồ Thị Tương phấn khởi nói: “Có nhà mới, gia đình thuận lợi hơn. Nhà mới gọn gàng, sạch sẽ, mưa, nước sẽ không vô nhà nữa. Cả đời nhà em và cả dân tộc Chứt sẽ không làm được cái như rứa đâu. Nhờ Đảng, nhờ BĐBP mới có được nhà mới đó...”.
Thiếu tá Nguyễn Tiến Khánh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bản Giàng cho biết: “Đây là một trong những tiêu chí nhà ở kết hợp với khu dân cư kiểu mẫu. Cải tạo vườn của họ, sẽ tạo cho đồng bào có cuộc sống ổn định, phát triển vùng đồi. Quy hoạch các vườn, nhà ở giãn dân, là một bước khởi đầu để hoàn thành các tiêu chí nhà ở của xã Hương Liên, tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế”.
Đi qua bản cũ chừng 3km là khu tái định cư cho đồng bào dân tộc Chứt đang được thực hiện theo Đề án 2571 của UBND tỉnh dần được hình thành. Về cơ bản, các điều kiện thiết yếu về khu vực sản xuất, giao thông, mặt bằng, nguồn nước đã được đảm bảo. Nhà thầu đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục cần thiết để nhanh chóng giải quyết vấn đề về nhà ở và đất sản xuất cho đồng bào. Theo đó, dựa trên nhu cầu tách hộ, giãn dân, sẽ có 11/21 hộ được tạo điều kiện chuyển vào đây trước. Khu tái định cư sẽ bao gồm cả trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng và nhiều điều kiện thiết yếu khác giúp bà con yên tâm tạo lập cuộc sống trên vùng đất mới.
Theo ông Đậu Xuân Thành, cán bộ kỹ thuật đơn vị thi công dự án: Công việc san lấp mặt bằng đã được hơn 80% khối lượng đề ra. Tiếp theo sẽ xây bể nước, làm đập để dẫn nước về cho đồng bào và kéo đường điện đến khu tái định cư. Xây dựng xong sẽ tạo thành khu tái định cư ở khép kín, đủ cả điện, nước... Những ngôi nhà ở đây đều được thiết kế dựa trên những đặc điểm truyền thống của đồng bào, vừa đảm bảo kiên cố, cứng hóa, vừa phù hợp với lối sống, phong tục của bà con.
Có thể nói, đồng bào Chứt đang đổi thay từng ngày. Giờ đây, họ đã biết nắm bắt và chọn lọc thông tin, biết lựa chọn cái hay để học. 41 hộ dân với 148 nhân khẩu đã được nâng lên về nhận thức, lối sống. Sự văn minh tiến bộ đang ngày càng hiện rõ...
Theo Thế Mạnh/Báo Biên Phòng.vn