Xây dựng thành công mô hình trồng nấm linh chi cho hộ gia đình

Nấm linh chi đã được Trạm Nghiên cứu thực nghiệm và phát triển nấm Quảng Trị (thuộc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị) trồng thành công từ nhiều năm nay. Kỹ thuật trồng nấm linh chi khá phức tạp và thị trường tiêu thụ nấm còn khó khăn nên nhiều năm qua mô hình trồng nấm linh chi vẫn chưa được nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng thành công mô hình trồng nấm linh chi cho hộ gia đình

Hiện nay, Trạm Nghiên cứu thực nghiệm và phát triển nấm Quảng Trị đã sản xuất thành công sản phẩm nấm linh chi hòa tan và bán chạy trên thị trường nên cần nhiều nguyên liệu nấm linh chi. Nhằm tạo thêm nhiều sản phẩm cho nông dân có thêm nguồn thu nhập, thực hiện nhiệm vụ chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được thí điểm thành công cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, năm 2017, Sở Khoa học và Công nghệ đã chuyển giao kỹ thuật trồng nấm linh chi cho các hộ gia đình có đủ điều kiện sản xuất và bước đầu mang lại kết quả khả quan.

Hộ gia đình ông Hoàng Xuân Kha, thôn Hà Thượng, xã Gio Châu, huyện Gio Linh tiếp nhận sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ để trồng nấm linh chi từ tháng 9/2017. Khi bắt tay vào thực hiện, ông Kha được hỗ trợ 1 lò hấp hơi thanh trùng hấp được 800 bịch/mẻ. Sau khi được tập huấn kỹ thuật trồng nấm linh chi và chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ sản xuất như nhà trại treo nấm, dụng cụ chăm sóc nấm, Trạm Nghiên cứu thực nghiệm và sản xuất nấm Quảng Trị đã hỗ trợ cho ông Kha 5.000 bịch phôi nấm linh chi sạch và đạt yêu cầu kỹ thuật. Ông Kha làm nhà trồng nấm có diện tích 150 m2 xây dựng khá chắc chắn, lợp tôn chống nóng, xung quanh che lưới chống côn trùng và lưới đen giảm nóng. Có hệ thống tưới phun sương gắn chip cảm biến độ ẩm đảm bảo ổn định độ ẩm cho quá trình sinh trưởng của nấm. Trong quá trình trồng và chăm sóc nấm, ông Kha tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật nên nấm sinh trưởng tốt. Đến nay, nấm linh chi của ông Kha cho tai to, đẹp, lớp bào tử có màu nâu đồng nhất trên về mặt, sản lượng khá. Quá trình sản xuất nấm linh chi ở hộ ông Kha bảo đảm về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, tuân thủ quy trình kỹ thuật từ khâu cung cấp giống, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản. Đây là mô hình sản xuất nấm linh chi đầu tiên ở xã Gio Châu, Gio Linh được Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị chuyển giao thành công khi người dân được hỗ trợ ứng dụng tiến bộ KH&CN, chuyển giao các kỹ thuật trồng, chăm sóc...

Nấm linh chi là một loại dược liệu quý có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Ở Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng từ trước tới nay thường phổ biến các loại nấm linh chi nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc không có chứng nhận chất lượng. Hiện nay, do người dân ngày càng quan tâm tới sức khỏe nên nhu cầu tiêu thụ nấm linh chi trên thị trường tăng. Trước nhu cầu sử dụng nấm linh chi và các sản phẩm chế biến từ nấm linh chi ngày càng tăng, xu hướng nấm linh chi trồng trong nước được ưa chuộng hơn nên đầu tư trồng nấm linh chi là một hướng đi đúng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hộ gia đình. Đây cũng là một trong những hướng chuyển đổi hoặc đầu tư thêm sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Tuy nhiên, loại nấm này khá khó trồng, đòi hỏi kỹ thuật cao, có kinh nghiệm mới có thể trồng thành công. Ông Kha cho biết: “Trồng nấm linh chi không cần nhiều công chăm sóc nhưng đòi hỏi phải cẩn thận, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Người trồng nấm phải nắm vững kỹ thuật và có vốn đầu tư vì trồng nấm linh chi phải đầu tư bài bản, nhà trồng phải thoáng mát, sạch sẽ, duy trì độ ẩm từ 80%- 90%, nhiệt độ duy trì ở mức vừa phải dưới 25 độ C, dùng lưới che chắn không cho côn trùng lọt vào gây hại nấm. Đợt trồng thử nghiệm này của gia đình tôi khá thành công, thu hoạch xong lứa này tôi sẽ mở rộng hơn nhà trồng để có thể tận dụng ngày công lao động sau khi làm việc đồng áng. Tôi rất phấn khởi vì được sự hỗ trợ của nhà nước, giải quyết được nhu cầu thực sự của người dân, giúp người dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất, nâng cao đời sống”.

Đến nay, ông Kha đã tiến hành thu hoạch dần nấm linh chi. Sản phẩm nấm của ông được người dân trong vùng ưa chuộng mua về ngâm rượu với giá 700 ngàn đồng/kg. Dự kiến, ông thu hoạch được khoảng 10 kg nấm khô trị giá 7 triệu đồng, trừ các khoản chi phí, ông Kha có lãi hơn 50% trong thời gian trồng 3 tháng với quy mô nhỏ. Ngoài sản phẩm bán cho người dân mua tại nhà trồng, còn lại ông Kha sẽ nhập cho Trạm Nghiên cứu thực nghiệm và phát triển nấm Quảng Trị. Trạm sẽ bao tiêu hết toàn bộ số sản phẩm nấm linh chi của các hộ dân do trạm chuyển giao kỹ thuật. Đồng thời trạm sẽ hỗ trợ nhân rộng mô hình trồng nấm linh chi ở các địa phương. Ông Nguyễn Ngọc Huỳnh, Trạm trưởng Trạm Nghiên cứu thực nghiệm và phát triển nấm Quảng Trị cho biết: “Trên cơ sở kết quả thử nghiệm chuyển giao kỹ thuật trồng nấm linh chi ở hộ ông Kha, trong khuôn khổ thực hiện dự án, từ nay đến năm 2020, trạm sẽ nhân rộng mô hình này cho các hộ có điều kiện về đầu tư và khả năng tiếp nhận kỹ thuật để phát triển sản phẩm này, vì đây là hướng đầu tư có hiệu quả cho kinh tế hộ gia đình”.

Việc nhân rộng mô hình trồng nấm linh chi trong nhân dân sẽ cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào sạch, chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để sản xuất các loại thực phẩm chức năng quý mang giá trị kinh tế cao. Những thành công bước đầu từ mô hình sản xuất thử nghiệm trồng nấm linh chi dược liệu ở xã Gio Châu, Gio Linh mở ra hướng sản xuất mới để phát triển đa dạng sản phẩm trên địa bàn, tăng thêm thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân. Trạm Nghiên cứu thực nghiệm và phát triển nấm Quảng Trị đang tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn kỹ thuật, nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh, tiến tới xây dựng thương hiệu nấm linh chi nhằm nâng cao lợi ích và hiệu quả kinh tế cho người trồng nấm trong tỉnh.

Nguồn: http://baoquangtri.vn