Xây dựng thương hiệu nông sản
- Thứ năm - 12/10/2017 22:40
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Truy xuất nguồn gốc
Chả mực là sản phẩm được biết đến như một thương hiệu đặc sản của Quảng Ninh. Tuy nhiên, cách đây vài năm, chất lượng sản phẩm chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ đồng thời chưa được bảo hộ thương hiệu. Thậm chí, sản phẩm chả mực Hạ Long còn bị đơn vị ngoài tỉnh xâm phạm quyền sở hữu, vi phạm nhãn mác.
Nông sản Quảng Ninh đang được chú trọng xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị |
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện dự án “Xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý “Hạ Long” cho sản phẩm chả mực của TP Hạ Long, Quảng Ninh” vào tháng 7/2012. Dự án đã xây dựng quy trình kỹ thuật chế biến, bảo quản và đóng gói; tổ chức tập huấn cho các hộ SXKD chả mực Hạ Long. Thông qua đó, nhận thức của các hộ dân tăng lên, chả mực được SX theo đúng quy trình kỹ thuật, chất lượng sản phẩm được thống nhất, tạo uy tín chung cho sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Thoan, Chủ tịch Hiệp hội Chả mực Hạ Long cho biết: “Hiện nay, 21 thành viên của Hiệp hội được cấp phép sử dụng chỉ dẫn địa lý “Chả mực Hạ Long”. Bất cứ đơn vị nào khi sử dụng chỉ dẫn địa lý “Hạ Long” cho sản phẩm chả mực đều phải được sự đồng ý, cấp phép của UBND TP Hạ Long. Cùng với đó, các cơ sở của các thành viên đều có trụ sở SXKD chính trên địa bàn TP Hạ Long”.
Ngoài chả mực Hạ Long, năm 2013-2014, Quảng Ninh cũng hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp cho 5 nhãn hiệu tập thể, 13 nhãn hiệu chứng nhận và 2 chỉ dẫn địa lý.
Qua đó đã giúp người tiêu dùng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên, của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó, đồng thời tạo cơ sở pháp lý giúp các hộ trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh yên tâm hơn trong sản xuất, bảo tồn, nhân giống, đầu tư kinh doanh, tạo sự đồng nhất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Kích thích SX và gia tăng giá trị
Ngoài việc xây dựng thương hiệu cho nông sản, Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện có hiệu quả chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP)”.
Để quảng bá thương hiệu nông sản, trong năm 2017, Quảng Ninh tiếp tục triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ tem điện tử thông minh (VNPT Check) để truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa. Qua đó, không chỉ DN bảo vệ được giá trị sản phẩm của mình, mà người tiêu dùng cũng có thể dễ dàng biết được thông tin về sản phẩm, nhận biết hàng thật, hàng giả, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhanh chóng thông qua các ứng dụng trên điện thoại di động thông minh. |
Sau gần 4 năm thực hiện, có thể khẳng định, chương trình này thực sự tỏ ra hiệu quả, khả năng nhân rộng cao và hóa giải các “nút thắt” trong phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Quảng Ninh. Bởi chương trình OCOP được thiết kế để các chủ thể SX vốn là người dân có sự hợp tác bằng các mô hình tổ chức kinh tế cộng đồng chủ động về ý tưởng sản phẩm, xác định thị trường, chủ động SX, tiêu thụ, từ đó không ngừng mở rộng và phát triển SX. Nhà nước đóng vai trò bà đỡ, tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, thông tin thị trường và xúc tiến thương mại..., từ đó chắp cánh cho sự phát triển.
Với chương trình OCOP, mỗi tổ chức SX đều tìm được cơ hội cho mình. Bà Phạm Thị Thu Hiền, GĐ Cty TNHH SX và Thương mại thuỷ sản Quảng Ninh, cho biết: “Thay vì phải mất đến vài năm, thậm chí là nhiều hơn để tiếp cận thị trường, nhưng nhờ chương trình OCOP đã rút ngắn còn 1/3. Thực tế tôi chưa thấy sức mua ở đâu tốt như tại Hội chợ OCOP của Quảng Ninh, doanh thu gấp 10-15 lần các hội chợ khác...”.
Cũng từ hiệu ứng trong việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường của chương trình OCOP đã giúp cho diện tích và sản lượng sản phẩm nếp cái hoa vàng của Hội SXKD nếp cái hoa vàng Yên Đức tăng gấp 4 lần, từ 20ha ban đầu lên 79ha hiện nay. Các sản phẩm dược liệu cao thiên đông và dầu xoa bóp long thiên huyết của Cty TNHH Nam dược y võ (TP Uông Bí) từ chỗ thị trường tiêu thụ chỉ loanh quanh Uông Bí, nay đã có mặt trong cả nước; sản lượng tiêu thụ năm 2015 gấp 5 lần khi chưa tham gia chương trình OCOP, năm 2016 gấp 8 lần năm 2015...
Mới đây nhất công ty này đã chính thức làm việc với một đơn vị dược phẩm của Hàn Quốc để tiến tới “làm ăn lớn”, hợp tác lâu dài và quy mô lớn trên thị trường quốc tế. Điều này đủ cho thấy ý nghĩa, tác động, sức lan toả của chương trình OCOP trong sự phát triển của DN.
Riêng với cơ sở SX giò chả Quang Dần (TP Móng Cái), việc tham gia chương trình OCOP mang đến niềm vui và động lực mới, mạnh mẽ để người SX vững vàng nâng cao chất lượng và sản lượng sản phẩm.
Ông Phạm Minh Huy, chủ cơ sở giò chả Quang Dần, cho biết: “Nhờ chương trình OCOP tôi đã bước đầu khắc phục được hạn chế về điều kiện địa lý để từng bước tiếp cận với thị trường các vùng trung tâm tỉnh và các tỉnh, thành lân cận. Hiện mỗi năm cơ sở tiêu thụ khoảng 7-10 tấn giò chả các loại”...
Chính nhờ sự tác động, lan toả của chương trình, tính đến thời điểm này toàn tỉnh có 210 sản phẩm OCOP do 180 tổ chức kinh tế; trong đó có 99 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao, 65 sản phẩm có ưu thế cạnh tranh. Doanh số bán hàng OCOP trong 3 năm đạt gần 700 tỷ đồng...
Mục tiêu của Đề án “Tỉnh Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm” là phát triển các hình thức tổ chức SXKD các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế ở các địa bàn xã, phường, thị trấn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; thông qua việc phát triển SX tại các địa bàn nông thôn góp phần tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho nhân dân, hạn chế việc di cư ra thành phố, đồng thời thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức SX” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM.