Xây nhà, tậu xe từ rau VietGAP

Mặc dù không phải là xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011-2015, thế nhưng xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã về đích trước kế hoạch 3 năm, nhờ vào quyết tâm cao của hệ thống chính trị, sự đoàn kết ủng hộ và tích cực tham gia của người dân.

Thu nhập 200 triệu đồng/ha

Nhờ trồng các loại cây màu có giá trị kinh tế cao nên thu nhập của người dân thôn Bàu Tròn, xã Đại An tăng lên đáng kể. Ảnh: Đại Nghĩa

Ông Huỳnh Sáu – Chủ tịch UBND xã Đại An cho biết, đất sản xuất của xã chủ yếu là đất phù sa trồng hoa màu (230ha), vì vậy thời gian qua, xã đã xây dựng thành công vùng trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích gần 24ha (trong tổng số 47ha chuyên canh rau), thu hút 43 hộ tham gia, tập trung nhiều ở các thôn Bàu Tròn, Phước Yên, Quảng Yên.


Nhờ trồng rau màu, chuối… mà thu nhập của nhiều hộ đã tăng đáng kể. Dẫn chúng tôi đi tham quan cánh đồng rau củ quả xanh bạt ngàn tại thôn Bàu Tròn, ông Huỳnh Bá Vĩnh – Bí thư kiêm trưởng thôn Bàu Tròn phấn khởi nói: “Thôn Bàu Tròn không có đất lúa nên bà con chỉ dựa vào 36ha đất sản xuất hoa màu, một số hộ làm thêm các nghề chăn nuôi, buôn bán... Mấy năm gần đây, cánh đồng Bàu Tròn được chọn làm cánh đồng mẫu sản xuất rau VietGAP nên bà con rất phấn khởi, có hộ trồng tới cả mẫu, hộ trồng ít nhất cũng trồng vài trăm m2, vì vậy thu nhập của bà con tăng lên đáng kể”.
 

Theo tính toán của ông Vĩnh, bình quân 1 sào (500m2) trồng xen canh rau quả như khổ qua, dưa hấu, đu đủ, đậu cove leo, bí đao…, nông dân thu nhập 10 triệu đồng/sào/năm, tương đương 200 triệu đồng/ha/năm. Nhiều hộ nhờ trồng rau mà cất được nhà, mua xe mới, vươn lên khá giả như hộ ông Phan Trái, Lê Đức Dũng, Phan Quý…
 

Theo ông Lê Trọng Quốc – Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại An, mô hình sản xuất rau màu VietGAP ở Bàu Tròn cũng là mô hình đầu tiên ở huyện Đại Lộc được thực hiện theo chuỗi từ sản xuất tới tiêu thụ nên thu nhập của người trồng rau khá ổn định và đang dần xây dựng được uy tín trên thị trường.
 

Về đích trước 3 năm

Ông Huỳnh Sáu – Chủ tịch UBND xã Đại An cho biết thêm, theo lộ trình xây dựng NTM thì đến năm 2018 xã Đại An mới về đích. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao và có nhiều cách làm hay nên tháng 12.2013, xã Đại An đã được tỉnh Quảng Nam chọn bổ sung về đích giai đoạn 1 (2011-2015). Sau gần 2 năm phấn đấu, đến nay xã Đại An đã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí.
 

“Có được thành quả đó là nhờ xã nhận được sự ủng hộ và tích cực tham gia đóng góp công sức, tiền của của các tầng lớp nhân dân. Trong 5 năm qua, tổng kinh phí đầu tư hạ tầng NTM của xã đạt trên 50 tỷ đồng, nhờ đó những công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ…” – ông Sáu thông tin.


Hiện 100% đường giao thông trục xã, liên xã ở Đại An đã được nhựa hóa và bê tông với tổng chiều dài gần 35km; đường trục chính nội đồng cũng được bê tông hóa sạch sẽ, khang trang; 10/10 thôn có nhà văn hóa kiên cố, giúp bà con có nơi sinh hoạt và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, tạo sự gắn kết trong cộng đồng dân cư…
 

Theo ông Sáu, với một xã thuần nông còn nhiều khó khăn như Đại An thì việc hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM là thành quả đáng tự hào, thể hiện sự kết tinh của sự đoàn kết, hợp ý Đảng – lòng dân. Mặc dù vậy, đây mới là thành quả bước đầu, để nâng chất lượng các tiêu chí, tới đây Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đại An sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân. 

Đại Nghĩa
Nguồn: Theo Danviet.vn