Xen canh rau màu hiệu quả

Xen canh rau màu hiệu quả
Một số hộ chuyên canh rau màu tại huyện Nam Sách, Hải Dương đã bước đầu áp dụng thành công mô hình xen canh rau màu lợi nhuận đạt hơn 10 triệu đ/sào/vụ.
 
Xen canh rau màu hiệu quả
Xen canh dưa lê - cà chua ở Hải Dương


Năng suất dưa lê trung bình 5 tạ/sào (sào Bắc bộ 360 m2), cà chua 8,5 tạ - 1 tấn/sào. Với giá bán thời điểm hiện tại 8.000 đ/kg dưa lê, 7.000 - 8.000 đ/kg cà chua và rau ngắn ngày 2 - 3 triệu đ/sào, nông dân thu về 12 - 15 triệu đ/sào, trừ chi phí lãi 10 - 12 triệu đ/sào.

Tận dụng không gian cây cà chua chưa phát tán giai đoạn đầu vụ và nghiên cứu các cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn, thích hợp trồng xen với cà chua lại có giá trị kinh tế cao, vụ HT 2014 dưới sự tư vấn, hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, một số hộ chuyên canh rau màu tại huyện Nam Sách, Hải Dương đã bước đầu áp dụng thành công mô hình xen canh rau màu lợi nhuận đạt hơn 10 triệu đ/sào/vụ.

Xin chia sẻ một số kinh nghiệm về mô hình này để các nơi tham khảo:

+ Chọn cây trồng trong công thức xen canh: Các cây trồng được lựa chọn là cà chua (cây trồng chính) xen canh đầu vụ với dưa lê siêu ngọt và xen canh với các cây rau ngắn ngày như rau cải dưa, rau mùi hoặc xà nách giai đoạn giữa đến cuối vụ.

+ Chọn và xử lý đất trồng: Đất trồng cà chua xen canh với dưa lê và rau ngắn ngày thích hợp nhất là đất thịt nhẹ hoặc đất cát pha có tầng canh tác dày, độ PH ở mức trung tính (6 - 6,5) và dùng giấy quỳ tím để kiểm tra PH đất. Nếu đất chua cần bổ sung thêm 15 - 20 kg vôi tả/sào. Đất được cày bừa, làm sạch cỏ dại và xử lý bằng thuốc gốc đồng diệt trừ nấm bệnh hoặc tốt nhất trộn đều chế phẩm nấm đối kháng Trichodecma vào phân chuồng để bón lót cho cây.

+ Kích thước và cách bố trí trồng xen trên mỗi luống rau: Luống cà chua trồng xen dưa lê và rau ngắn ngày cần được làm rộng hơn luống trồng thuần: Cày bừa đất rồi chia mỗi luống rộng trung bình 1,5 m lên cao khoảng 30 cm sẽ được bề mặt luống rộng khoảng 1,3 m.

Dưa lê được gieo trên nền giá thể gồm bùn + phân chuồng mục và một lượng nhỏ supe lân. Khi cây có lá thật đầu tiên nhú ra tiến hành đặt cây dưa lê trên ruộng trước cà chua từ 7 - 10 ngày.

Trên mỗi luống đất bố trí 2 hàng dưa lê ở mé ngoài gần mép luống (cách mép khoảng 15 cm). Cây cách cây 20 cm. Phân chuồng + NPK được trộn đều rồi rạch đất bón vào giữa các hàng dưa và cà chua. Thời kỳ đầu khi dưa lê bén rễ hồi xanh cần tưới nhử cho cây bằng nước phân chuồng hoai hoặc dung dịch NPK đã ngâm giúp cây sinh trưởng thuận lợi.

Tiếp đó cà chua bố trí trồng 2 hàng ở phần trong luống cách mỗi hàng dưa lê khoảng 25 cm. Cà chua được trồng với mật độ thích hợp hàng cách hàng 55 - 60 cm, cây cách cây 40 - 45 cm.

Với cách trồng xen lệch thời gian như trên, bà Đặng Thị Hiển xã Phú Điền - một trong số các nông dân tham gia mô hình nhận xét: "Làm vậy sẽ đảm bảo được cho cây dưa lê sinh trưởng phát triển tốt trong cả giai đoạn đâm nhánh, ra hoa đậu quả vì đủ ánh sáng do cây cà chua chưa phát tán. Đến khi cà chua tạo tán, ra hoa, đậu quả thì dưa lê cũng bắt đầu báo chín là rất thích hợp. Mặt khác, vụ HT do đất trồng rau màu hạn hẹp vì phải cấy lúa mùa nên áp dụng biện pháp trồng xen như vậy mới có hiệu quả kinh tế cao...".

* Chú ý:

- Vì thực hiện chế độ trồng xen trên cà chua dưới gốc là dưa lê nên gốc cây cà chua sẽ không được thông thoáng. Do đó, ngoài việc bón thúc phân cho rau màu nông dân cần chú ý bổ sung định kỳ 15 - 20 ngày/lần chế phẩm nấm đối kháng Trichodecma hòa nước tưới vào các gốc cây để hạn chế vi sinh vật gây bệnh và giúp cây sinh trưởng phát triển tốt hơn. Đồng thời, cũng cần vệ sinh tỉa bỏ bớt các lá gốc già cỗi, lá bị sâu bệnh giúp cây thông thoáng.

- Việc làm giàn cho cà chua cũng cần được tiến hành sớm hơn (khi cây đang phát triển tán) để tăng ánh sáng cho dưa dưới gốc.

- Giống cà chua trồng xen nên chọn các giống chịu nhiệt, có thời gian sinh trưởng ngắn, kích thước quả nhỏ đến trung bình (50 - 70 gr), thân lá cứng cáp, kháng bệnh tốt nhất là các bệnh chết rũ, lở cổ rễ.

- Khi thời tiết có mưa hoặc sương mù kéo dài nông dân cần tiến hành phun thuốc phòng bệnh cho cả 2 loại cây bằng các loại thuốc gốc đồng như Boocdo 1%, Copper B, Benlate, Cocide... và hạn chế tưới đạm hoặc phân bón lá giàu đạm. Nên bổ sung thêm phân bón lá vi lượng để giúp cây sinh trưởng phát triển tốt, nâng cao chất lượng quả và tăng sức chống chịu.

- Khi thu quả dưa xong cần khẩn trương thu dọn tàn dư, vệ sinh sạch sẽ dìa 2 bên luống để cà chua không bị lây chéo bệnh từ dưa. Tiến hành xử lý phần đất trống, bón phân lót rồi bố trí trồng tiếp một lứa cây rau ngắn ngày như cải, rau mùi hoặc xà lách để có lứa rau thứ 3 trong vụ.

nguồn: nongnghiep.vn